(KTSG Online) - Bị đơn thua kiện trong các vụ án dân sự phải thi hành án là điều đương nhiên, thế nhưng không ít trường hợp thi hành án dân sự sai nghiêm trọng. Đáng nói là sau hàng chục vụ chấp hành viên bị bắt vì khuất tất trong thi hành án, những vụ việc tương tự vẫn tiếp diễn.
- Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để đảm bảo thi hành án dân sự
- Thu hồi nợ xấu qua thi hành án tín dụng: Việc khó cần chung tay
Mới đây nhất, hôm 25-12-2024, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá tài sản thi hành án của một người dân vì một loạt vi phạm quy định của chấp hành viên. Vụ việc diễn ra trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay(1).
Trước đó, tài sản thế chấp ngân hàng là một căn nhà đã được thi hành án theo cách lạ đời: sáng 3-10, chấp hành viên gọi điện cho bị đơn thông báo về việc chiều cùng ngày, căn nhà sẽ được bán đấu giá. Cuối tháng 10, bị đơn được chấp hành viên này yêu cầu đến bàn giao nhà trong khi người này không hề nhận được các văn bản liên quan đến việc bán đấu giá. Hay nói cách khác, bị đơn không được chấp hành viên cho biết về việc căn nhà của mình bị mang ra bán đấu giá theo đúng quy định pháp luật.
Bị khiếu nại vì quy trình đấu giá tài sản sai quy định, ngày 6-11, chấp hành viên vẫn “cố đấm ăn xôi” ký tiếp quyết định cưỡng chế giao tài sản. Nhưng chỉ 5 ngày sau đó, cũng chính người này phải ký văn bản thu hồi quyết định cưỡng chế. Đến ngày 3-12, đến lượt Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Kon Tum ra văn bản hủy kết quả đấu giá tài sản trong vụ án này.
Dù Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Kon Tum trả lời trên báo chí rằng vụ việc này chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc nhưng như vậy vẫn chưa thoả đáng. Câu hỏi phải đặt ra là tại sao chấp hành viên lại bỏ qua một loạt quy định để thi hành án cấp tốc như vậy mà không bị phát hiện? Điều đó cho thấy quy trình kiểm soát nội bộ của chính đơn vị này chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ.
Một vụ việc tương tự về thi hành án liên quan đến nhà người dân xảy ra tại TPHCM. Một người dân mất gần một năm trời ròng rã khiếu nại mới đòi lại được công bằng do căn nhà ông này đang ở bỗng dưng bị biến thành tài sản thi hành án.
Tháng 6 năm nay, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã thu hồi quyết định thi hành án về việc tạm dừng chuyển quyền sở hữu một căn nhà ở huyện Hóc Môn theo quyết định của một chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TPHCM hồi tháng 10-2023(2).
Căn nhà nói trên được xác định là tài sản thừa kế của bị đơn là chồng của một người đã mất, từ đó dẫn đến việc chấp hành viên áp dụng biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, cái sai ở đây là căn nhà trên lại được tính quyền thừa kế theo quy định về thừa kế thế vị tại điều 652 Bộ Luật Dân sự.
Thế nhưng cơ quan thi hành án lại xác định sai người phải thi hành án là người được nhận tài sản thừa kế. Trường hợp này cho thấy, cơ quan thi hành án đã khá chủ quan trong việc ra quyết định trong khi quy định về thừa kế thế vị được liệt kê rất rõ trong luật, dẫn đến những lùm xùm không đáng có.
Một vụ cưỡng chế nhà thi hành án chấn động dư luận khác xảy ra hồi năm 2019 ở tỉnh Phú Yên. Trong vụ này, bị đơn đã trả được một phần nợ, chỉ còn thiếu 29 triệu đồng nhưng lại bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa cưỡng chế kê biên 1 ngôi nhà diện tích 92 m2 và một số tài sản khác gắn liền với thửa đất rộng 185 m2 của vợ chồng người phải thi hành án, theo thẩm định giá tài sản này là hơn 433 triệu đồng.
Ngoài sai về quy mô tài sản cưỡng chế, chấp hành viên còn sai về quy định khi tống đạt thông báo hạn chót nộp tiền chỉ cách thời điểm đấu giá vài giờ đồng hồ khiến bị đơn không kịp trở tay. Mãi đến năm 2021, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa mới ra quyết định thu hồi toàn bộ quyết định cưỡng chế sai nói trên và kỷ luật hai chấp hành viên, trong đó có một người là Phó chi cục trưởng(3).
Trong vài năm gần đây đã có nhiều vụ chấp hành viên thi hành án bị bắt vì liên quan đến các khuất tất khi thi hành án gây thiệt hại nặng cho bị đơn. Đơn cử một số vụ như tại thành phố Hải Phòng, một chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền bị bắt vì gây thiệt hại hơn 5 tỉ đồng cho bị đơn hồi cuối năm 2023.
Trước đó vài tháng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng bị bắt giam do liên quan đến việc thẩm định giá tài sản thi hành án gây thiệt hại trên 1 tỉ đồng xảy ra nhiều năm trước đó.
Những vụ việc này cho thấy, những vụ thi hành án bất thường không chỉ do nghiệp vụ yếu kém mà còn có khuất tất trong đó. Nói thẳng ra thì những chấp hành viên bị bắt do gây thiệt hại cho bị đơn không chỉ do “sơ sót nghiệp vụ” như họ giải trình. Một khi đã cố tình ép bị đơn bằng mọi giá để giúp ai đó mua được tài sản thi hành án với giá rẻ, thậm chí rất rẻ so với mặt bằng giá thị trường, thì khó mà vô tư được.
---------------------------
(1) https://nld.com.vn/nha-bi-ban-dau-gia-chu-khong-biet-196241225210125949.htm
(2) https://plo.vn/vu-nha-dang-o-bong-tro-thanh-tai-san-thi-hanh-an-da-go-bo-tam-dung-giao-dich-post793470.html
(3) https://tuoitre.vn/no-29-trieu-bi-cuong-che-ban-nha-cua-thu-hoi-quyet-dinh-cuong-che-giai-toa-ke-bien-20210430180944757.htm