Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường bánh kẹo Việt: cuộc đua ‘ngọt ngào’ của những người cũ

Dũng Nguyễn

-

(KTSG Online) - Sau khoảng thời gian mua bán sáp nhập sôi nổi với các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp bánh kẹo nội địa đang tăng tốc đầu tư để chiếm lại thị phần tại Việt Nam. Trong cuộc đua tranh đầy gay go này, hai gương mặt đáng chú ý vẫn là những người chơi cũ: "thương hiệu quốc dân" Bibica và "cựu vương" Kido.

“Trong ba mươi năm hoạt động chưa bao giờ Bibica đối diện với tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như hiện nay, nhưng đây không phải là lúc Bibica phòng thủ”, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Bibica (mã cổ phiếu BBC) chia sẻ tại buổi hội nghị nhà đầu tư mới đây.

Dường như có một luồng gió mới đang trở về với Bibica, thương hiệu bánh kẹo “quốc dân” vốn nổi tiếng với thương vụ mua bán sáp nhập với tập đoàn của Hàn Quốc Lotte, gây nhiều tranh cãi trong câu chuyện “bánh kẹo ngoại chiếm kệ Việt”. Cuối tháng 5 vừa qua, tập đoàn nội địa PAN, đơn vị muốn xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp - thực phẩm thông qua hoạt động M&A, đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên mức 98,3%, từ mức 58,94% vào hồi đầu năm nay.

Kido kịp đưa nhà máy mới vào vận hành trong mùa trung thu vừa qua. Ảnh: DNCC.

Ở khía cạnh thị trường, Bibica không có lý do nào để thảnh thơi, trước thông tin về “cựu vương” làng bánh kẹo đang tìm đường trở lại. Công ty cổ phần Kido (mã cổ phiếu KDC) sau khi bán thương hiệu Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelez, nay đã chính thức quay về với thương hiệu mới “KIDO’s Bakery” và chuỗi cửa hàng F&B với thương hiệu Chuk Chuk.

Sau khi giới thiệu chính thức hai thương hiệu này vào tháng 10 năm ngoái, vào cuối tháng 4 vừa qua, Kido chính thức đưa nhà máy bánh kẹo KIDO’s Bakery với công suất 19.000 tấn sản phẩm/năm vào hoạt động.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong lần trở lại của Kido lần này, đó là không phát triển mảng bánh kẹo riêng lẻ, mà đi theo hướng mở rộng ngành hàng sang ngành hàng F&B, ngành hàng ăn vặt (snacking), bên cạnh các sản phẩm truyền thống là bánh tươi, bánh trung thu, quà biếu.

Bánh Trung thu là một sản phẩm mang tính đặc trưng mùa vụ của các nhà sản xuất bánh kẹo. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất của Kido. Ảnh: DNCC.

Cũng trong lần trở lại này, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido xuất hiện và chia sẻ với báo giới nhiều hơn, sau nhiều năm “lặng lẽ” phát triển mảng dầu ăn, đồng thời không giấu tham vọng trở lại top đầu thị trường. Hẳn nhiên, muốn “bám đuôi” theo Mondelez Kinh Đô, vị trí cần vượt qua là Bibica.

Theo báo cáo thường niên 2021, Kido vạch rõ hướng đi trong mảng bánh kẹo với 3 mũi nhọn quan trọng là bánh tươi, bánh tây và bánh quà biếu. Trong khi đó, đại diện Bibica cho biết định hướng sản phẩm sẽ là bánh bông lan, bánh tươi, bánh quy và kẹo.

Tổng giám đốc Bibica cũng cho hay, trong thời gian qua, Bibica đã tận dụng tốt khoảng thời gian dịch Covid-19 để thực hiện tái cơ cấu trong nội bộ công ty ở nhiều mảng khác nhau.

Mở rộng dây chuyền sản xuất kẹo dẻo, sắp xếp dây chuyền theo hướng tập trung hóa hơn được Bibica đánh giá là bước đi quan trọng giúp sản lượng có thể đẩy mạnh trong thời gian tới. Ảnh: DNCC.

Về hoạt động đầu tư, Bibica tiếp tục mở rộng ngành hàng, đầu tư thêm dây chuyền kẹo dẻo 20 tấn/ngày, nâng cấp công suất bánh, quy hoạch nhà máy theo hướng tập trung hơn. “Đây là nền tảng quan trọng giúp bibica phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, ông Hoàng nói.

Theo đại diện Bibica, xét về mặt hạ tầng thì Bibica đã có đủ công suất để có thể gia tăng sản lượng lên gấp 3-4 lần so với hiện tại. Còn bài toán hiện nay là phát triển sản phẩm.

Thị trường bánh kẹo vốn mang nặng tính thời vụ ngày nay cũng đã khác trước kia. Đó là sự xu hướng người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn nên sử dụng sản phẩm ít ngọt, bổ dưỡng.

"Cựu vương" thị trường bánh kẹo trở lại với thương hiệu Kido's Bakery, sau khi bán Kinh Đô cho Mondelez. Ảnh: DNCC.

Trong bối cảnh đó, CEO của Kido xác định sẽ không có chuyện làm ra sản phẩm giá rẻ hơn thị trường để cạnh tranh với nhau. “Chuyện đó là xưa rồi, hiện giờ đòi hỏi chất lượng phải cao”, ông Nguyên chia sẻ tại một chương trình video trên báo điện tử VnExpress được phát đi vào cuối tháng 7 vừa qua.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường bánh kẹo có rất nhiều tên tuổi tham gia, nhưng không có thống kê thị phần cụ thể. Những tên tuổi nội có thể kể thêm như Hữu Nghị, Bảo Ngọc, Phạm Nguyên, Hải Hà… bên cạnh các đối thủ ngoại lớn như Orion (Hàn Quốc) cùng rất nhiều sản phẩm nhập khẩu khác, vốn ngày càng đổ vào nhiều hơn nhờ giảm thuế nhập khẩu.

Các doanh nghiệp Việt thường lép vế trên khía cạnh sản xuất, kinh nghiệm, sản phẩm, nhưng ngày nay tự tin có thể cạnh tranh sòng phẳng để giữ sân nhà. “Thời điểm khởi đầu bánh kẹo Việt cách xa so với thế giới, nhưng ngày nay chất lượng mình không thua kém nước ngoài, từ thiết bị sản xuất, bao bì đều có thể làm được tốt hơn”, ông Nguyên đánh giá.

Đại diện Bibica cho biết tình hình hoạt động đã ổn định trở lại sau mùa dịch, hiện đang chạy đua cho Tết, một trong hai mùa vụ lớn nhất năm với doanh nghiệp bánh kẹo.  Ảnh:DNCC.

Mặt khác, với doanh nghiệp nội thì lợi thế lớn nhất là hệ thống phân phối khó có thể xây dựng trong một sớm một chiều, mà chỉ có thể có được thông qua hoạt động phổ biến là M&A.

Hệ thống phân phối cũng là điều mà Kido đang rất tự tin vào chính mình. Theo ông Nguyên, việc “hoán đổi” sản phẩm từ bánh kẹo sang dầu ăn trong hơn sáu năm trước, đã giúp Kido phát triển kênh phân phối lên 450.000 điểm bán. Trong ngành bánh thì không phải cửa hàng nào cũng bán được, nhưng dầu là sản phẩm thiết yếu nên có thể bán mọi nơi, nay các sản phẩm bánh thiết yếu có thể đi kèm dầu.

Tương tự, ông Hoàng cũng đánh giá điểm "đắt giá" của Bibica, bên cạnh cơ cấu sản phẩm đều nhau giữa các loại bánh kẹo, chính là lợi thế về hệ thống phân phối với hơn 140.000 điểm bán phủ khắp các tỉnh thành được xây dựng trong hơn 23 năm qua.

Nhưng trên thực tế, thị trường bánh kẹo lại có mức tăng trưởng khá thấp, ước bình quân khoảng 5-8%/năm. Để tăng trưởng tốt hơn, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là liên tục sáng tạo thêm sản phẩm, khai thác thị trường mới.

Thực tế cả Bibica lẫn Kido hay vài doanh nghiệp khác không giấu tham vọng xuất khẩu. Theo ông Hoàng, một mục tiêu quan trọng của Bibica là sẽ tăng tỷ trọng doanh thu xuất khẩu từ mức 6% hiện tại lên 10% trong vòng 1-2 năm tới.

Cùng với việc tái cấu trúc hệ thống phân phối, tăng cường marketing và lấn sân mảng kẹo dẻo, Bibica đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 10-15% trong giai đoạn 2022-2025. “Thị trường chắc chắn sẽ thay đổi rất nhanh, nên điều quan trọng là phải hết sức tập trung quan sát diễn biến của thị trường trong hiện tại”, ông Hoàng chia sẻ.

Bibica tăng trưởng rất chậm trong khoảng thời gian mà Lotte đầu tư vào, sau đó chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Giống như nhiều ngành nghề khác, hầu hết các doanh nghiệp bánh kẹo đều cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hai năm qua.

Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà năm 2021, phía kiểm toán nhấn mạnh ý kiến công ty đã chấm dứt hợp đồng với toàn bộ các nhà cung cấp máy móc thiết bị, dừng dự án đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất bánh kẹo vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tương tự, trong báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect hồi tháng 3, đơn vị này đánh giá việc mở rộng mảng bánh kẹo của KDC chậm hơn dự kiến. Theo ước tính, mảng bánh kẹo vẫn đóng góp hạn chế vào kết quả kinh doanh, chiếm 2,2-2,4% tổng doanh thu và 4,1-4,3% vào lợi nhuận gộp của KDC trong năm 2022 và 2023.

Thương hiệu Hura là một trong những sản phẩm giúp đưa Bibica trở thành thương hiệu bánh kẹo "quốc dân". Ảnh: DNCC.

Còn Công ty cổ phần Bánh kẹo Hữu Nghị, trong báo cáo thường niên 2021, nêu lên khó khăn từ đại dịch đã làm cho tổng cầu và sức mua suy giảm, hoạt động xuất khẩu sang thị trường một số quốc gia cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, sức ép cạnh tranh trong ngành bánh kẹo ngày càng khốc liệt, nhất là đối với phân khúc trung và cao cấp. Vị thế đàm phán của các nhà bán lẻ ngày càng lớn và họ đòi hỏi nhiều hơn, từ việc tăng chi phí, chiết khấu thương mại, chi phí trưng bày, marketing tại điểm bán. Thên nữa, chi phí và giá nguyên liệu, bao bì chi phí logistics, chi phí khấu hao tài sản, lãi vay cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Thị trường chủ yếu của các doanh nghiệp bánh kẹo vẫn là nông thôn. Việc phát triển kênh hiện đại hay trực tuyến, các điểm bán lẻ vẫn được xem là kênh rất quan trọng để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ảnh: DNCC.

Khi dịch Covid-19 dần qua đi, thách thức cho ngành bánh kẹo hiện nay lại là lạm phát. Theo đại diện Bibica, cuối năm ngoái thì giá đầu vào bắt đầu tăng, tính bình quân hiện nay thì chi phí nguyên liệu tăng 20-25% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, các báo cáo mới cập nhật hiện nay báo cáo tài chính cũng cho thấy sức mua phục hồi tốt. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua đại dịch bằng cách ứng dụng công nghệ, triển khai kênh thương mại điện tử để đẩy sản phẩm. Hiện các công ty bánh kẹo phải chạy đua sản xuất cho vụ Tết, sau sau mùa bánh trung thu vừa qua.

“Trong quí 3 thì tình hình khởi sắc rõ rệt, còn quí 4 thì mọi thứ vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Doanh nghiệp nào vượt qua được 3 quí đầu năm thì bối cảnh sẽ tương đối rõ ràng hơn. Mọi thứ đang trở lại trạng thái bình ổn dù khó hi vọng mọi thứ trở lại như xưa, chỉ mong tình hình thế giới đừng có diễn biến gì trầm trọng hơn, làm chuỗi cung ứng đứt gãy trở lại”, ông Hoàng chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây