Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường bất động sản có ‘ấm’ lên một cách lành mạnh?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia kỳ vọng với hàng loạt động thái mới đây của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ lấy lại nhịp sôi động. Tuy nhiên, mục tiêu lành mạnh hóa thị trường có vẻ còn chờ đợi vào mức độ tác động của chính sách.

Khi thị trường bất động sản khó khăn cũng là lúc doanh nghiệp nhìn nhận yếu tố bền vững của thị trường mới là điều quan trọng. Ảnh minh họa: Lâm Vũ

Chững lại để điều chỉnh những điểm hạn chế

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tại cuộc hội thảo “Bắt mạch thị trường bất động sản Việt Nam và dự báo 2023” đã dẫn chứng một câu chuyện liên quan đến  tình hình khó khăn của thị trường bất động sản trong năm qua.

Ông kể, để gỡ khó cho thị trường này, Chính phủ chưa bao giờ tổ chức nhiều cuộc họp về các chủ đề có liên quan như thời gian gần đây, kể cả khi bất động sản bị "đóng băng" vào giai đoạn năm 2012. Từ tháng 9-2022 đến nay, ông Thành đã được tham gia 6 cuộc họp của Chính phủ bàn về thị trường bất động sản.

Tại sự kiện nêu trên do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chia sẻ hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đã tác động và điều chỉnh thị trường, tình trạng trầm lắng kéo dài đến nay. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn, phải tạm dừng triển khai dự án, tạm ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp quy mô đầu tư, cắt giảm bộ máy nhân sự...

Chuyên gia Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng một số chính sách sẽ tác động đến thị trường bất động sản thời gian tới như: Chỉ thị 13 ngày 29-8-2022 của Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản; tháng 11-2022 Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; Ngân hàng nhà nước nới thêm room tăng trưởng tín dụng 1,5-2% cho năm 2022, dự kiến hạn mức tăng khoảng 14-15% cho năm 2023; Chính phủ sửa đổi nghị định 65 theo hướng mở hơn, có lộ trình phù hợp hơn.

Các chuyên gia và các hiệp hội bất động sản đang tích cực làm việc với tổ công tác của Chính phủ để tìm giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn. Quan điểm của ông Cấn Văn Lực là không nên dùng vốn ngân sách để giải cứu thị trường mà phải dùng cơ chế chính sách, bởi đây cũng là yếu tố quan trọng và cần thiết cho thị trường.

Để thị trường hồi phục một cách lành mạnh

Phân tích cơ cấu và chính sách về vốn tác động đến thị trường bất động sản, ông Lực cho biết năm 2022 nguồn vốn rót vào lĩnh vực bất động sản khoảng 507.000 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm 71% (khoảng 360.000 tỉ đồng), một tỷ lệ lớn.

Thông thường, nguồn vốn ngân hàng rót vào bất động sản chỉ chiếm ở mức 50-55%. Thế nhưng, năm vừa rồi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn khi huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, thế nên sức ép cung vốn đổ về khối tổ chức tài chính ngân hàng. Điều này dẫn đến cấu trúc nguồn vốn cho thị trường bất động sản mất cân đối.

Đánh giá về việc sửa đổi Nghị định 65 mới đây của Chính phủ, ông Cấn Văn Lực cho rằng sẽ tạo dòng tiền cho trái phiếu, bất động sản. Với các điểm mới, như cho phép doanh nghiệp đảo nợ (làm rõ hơn các quy định trong Nghị định 65 trước đây về phát hành trái phiếu mới để trả nợ cũ); cho phép doanh nghiệp đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu để giãn, hoãn nợ; giãn tiến độ áp dụng yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp... được kỳ vọng sẽ tạo tín hiệu tích cực cho thị trường.

Vị chuyên gia này góp ý điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng cần phải tạo sự thuận tiện hơn, không nên bán nhiều cho nhà đầu tư cá nhân, thay vào đó cần "cởi mở" hơn đối với nhà đầu tư tổ chức ở kênh thứ cấp lẫn sơ cấp.

Nếu chính sách tháo gỡ được những vướng mắc thì thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào cuối năm 2023 vì sức cầu lớn. Sự phục hồi này sẽ theo hướng dần dần.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong cuộc trao đổi với KTSG Online, kỳ vọng vào việc tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý để giúp thị trường cân bằng trở lại. Ông lạc quan dự báo vào cuối quí 1 đầu quí 2 năm nay, thị trường sẽ có sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thật, sự chuyển biến sẽ theo hướng tốt lên.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Giám đốc điều hành DKRA Group, cho biết bối cảnh khó khăn cũng thúc đẩy doanh nghiệp nhìn nhận yếu tố bền vững của thị trường mới là điều quan trọng chứ không phải những hướng đi hiệu quả nhanh mà rủi ro.

Không bi quan về thị trường bất động sản trong năm 2023, ông Lâm chia sẻ doanh nghiệp mình chuẩn bị năng lực để tăng trưởng với mục tiêu mang tính thách thức. Những mục tiêu được đặt ra về năng lực của đội ngũ, cách thức quản lý vận hành chứ không chỉ về doanh thu, để phát triển bền vững trong tương lai.

Dẫn chứng số liệu của một số đơn vị nghiên cứu cho thấy 3 năm qua giá bất động sản tại Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến về mức giá ảo. Khi thị trường bất động sản chững lại cũng là lúc tất yếu để điều chỉnh lại, nếu không mức giá sẽ cứ ảo và có nguy cơ "đắm thuyền". “Việc điều chỉnh để phù hợp là tốt, chậm một tí để thị trường phát triển lành mạnh,” ông nhấn mạnh. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới