Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán châu Á ‘đặt cược’ vào những yếu tố nào?

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chứng khoán châu Á được kỳ vọng sẽ xoay chuyển tình thế trong năm 2023 sau khi cơn biến động vĩ mô thổi bay gần 5.000 tỉ đô la vốn hóa của thị trường cổ phiếu trong khu vực vào năm ngoái. Giới đầu tư đặt cược rằng một số khó khăn lớn nhất của năm ngoái đối với chứng khoán châu Á sẽ chuyển hóa thành những thuận lợi trong năm nay.

Chứng khoán châu Á được dự báo có triển vọng tốt hơn chứng khoán Mỹ trong 5 năm. Ảnh minh họa: enterprise.press

Việc Trung Quốc tái mở cửa kinh tế hoàn toàn và tốc độ thắt chặt tiền tệ chậm lại của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ là động lực chính giúp chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương phục hồi sau năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Các dấu hiệu khả quan đối với chứng khoán châu Á đã xuất hiện khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách ‘zero Covid’ và đồng đô la lùi lại từ mức đỉnh trong năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi bị tổn thương quá lớn trong năm 2022, các nhà đầu tư cổ phiếu sẽ cần nhiều chất xúc tác hơn.

Nhìn chung, kỳ vọng dành cho chứng khoán châu Á trong năm nay cao hơn so với Mỹ. Thời điểm chạm đáy của chu kỳ giảm giá cổ phiếu ngành chip sẽ được theo dõi chặt chẽ ở các thị trường chứng khoán nặng về cổ phiếu công nghệ như Hàn Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, triển vọng xoay trục khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể có thể tác động lan tỏa khắp khu vực.

Zhikai Chen, người đứng đầu bộ phận chứng khoán thị trường mới nổi toàn cầu và châu Á tại Công ty quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management, nói: “Mức định giá khiêm tốn, vị thế (nắm giữ và bán khống cổ phiếu) của các nhà đầu tư còn thấp và các yếu tố cơ bản tốt của doanh nghiệp là những vùng đệm giúp chứng khoán châu Á chống chịu được  sự biến động trong thời gian ngắn”.

Dưới đây là 5 yếu tố có thể chi phối diễn tiến của thị trường chứng khoán châu Á trong  năm 2023

Kinh tế Trung Quốc phục hồi

Triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các thị trường chứng khoán trên toàn khu vực. Nhưng sức mạnh của sự phục hồi thị trường sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cơn bùng nổ lây nhiễm Covid-19 hiện nay ở Trung Quốc, vốn đang gây lo ngại ngày càng tăng về tình  gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh hơn ở Trung Quốc.

Amir Anvarzadeh, nhà chiến lược tại Asymmetric Advisors, nhận định đà lây lan của Covid-19 sẽ gây sức ép nghiêm trọng lên tiêu dùng và tăng trưởng của Trung Quốc ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sau đó sẽ đẩy tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, dẫn đến lạm phát cao hơn, làm phức tạp thêm lộ trình lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Giới đầu tư sẽ theo dõi các sự kiện chính trị bao gồm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Trung Quốc vào tháng 3 tới để nắm bắt những tín hiệu về các chính sách ủng hộ tăng trưởng hơn. Trong khi đó, triển vọng đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn mờ mịt, với cổ phiếu của ngành này đang tiến gần đến ngưỡng của thị trường giảm giá bất chấp các chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh.

Đà giảm giá của đô la Mỹ

Đồng bạc xanh tăng giá mạnh trong phần lớn năm ngoái đã gây tổn thương cho thị  chứng khoán châu Á khi các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng đô la và các nhà nhập khẩu chịu chi phí tốn kém hơn để trả nợ và mua hàng từ nước ngoài. Mức giảm 19% của chỉ số MSCI - châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2022 đã làm suy giảm tổng cộng 5.000 tỉ đô la vốn hóa  thị trường của các công ty thành viên trong chỉ số này.

Áp lực bắt đầu giảm bớt khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại, dẫn đến chỉ số đồng đô la của Bloomberg giảm kể từ tháng 9. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại  sau khi rút ròng gần 60 tỉ đô la ra khỏi các thị trường châu Á mới nổi bên ngoài Trung Quốc trong năm 2022. Đây là mức rút ròng lớn nhất của họ kể  khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2010.

Dự báo chạm đáy của ngành chip

Chứng khoán Hàn Quốc và Đài Loan, nơi có các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới bao gồm Samsung Electronics, TSMC, đã trải qua một năm khó khăn khi nhu cầu về thiết bị điện tử giảm và chi phí vay cao hơn tác động xấu đến cổ phiếu công nghệ.

Các nhà đầu tư đang theo dõi thời điểm chạm đáy về thu nhập và cắt giảm đầu tư của các nhà sản xuất chip hàng đầu trong khu vực. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng ngành chip sẽ xoay chuyển tình hình vào nửa cuối năm 2023. Thị trường chứng khoán đã nhanh chóng phản ánh sự lạc quan đó. Nhưng những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhằm kiềm tỏa tham vọng công nghệ của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của TSMC cũng như các nhà sản xuất chip khác của châu Á, đặc biệt là khi Washington tìm cách lôi kéo đồng minh khác tham gia vào nỗ lực của mình.

Căng thẳng địa chính trị

Dù có nhiều yếu tố hứa hẹn một năm tốt đẹp hơn ở phía trước đối với chứng khoán châu Á, các nhà đầu tư chỉ lạc quan ở mức độ thận trọng trong bối các cảnh căng thẳng địa chính trị có nguy cơ bùng phát mạnh hơn. Mối quan hệ Mỹ-Trung dường như đang cải thiện. Nhưng sự bất đồng về vấn đề Đài Loan và tình trạng không chắc chắn kéo dài về vấn đề kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở Mỹ đang khiến giới đầu tư không dám đặt cược quá lớn cho cổ phiếu Trung Quốc.

Các nhà phân tích nhận định rủi ro địa chính trị là một trong những yếu tố được phản ánh trong mức định giá của chỉ số MSCI Trung Quốc, vốn đang nằm dưới mức chênh lệch trung bình trong lịch sử so với các chỉ số khác trên toàn cầu.

BoJ phát tín hiệu xoay trục chính sách

Động thái bất ngờ của BoJ để tăng gấp đôi biên độ giao dịch đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hồi tháng 12 đã làm dấy lên các kỳ vọng cơ quan quản lý tiền tệ này sẽ chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ, thay vì kiên định với chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong suốt thập niên qua. Triển vọng đó sẽ thúc đẩy đồng yen tăng giá, gây áp lực lên các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, chẳng hạn như các công ty công nghệ và nhà sản xuất ô tô. Đồng yen tăng giá sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Nhật Bản ở thị trường nước ngoài.

Hiệu suất của thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến thước đo của chỉ số MSCI châu Á, trong đó, cổ phiếu của các công ty Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất, 32%.

Bất kỳ chuyển động chính sách nào nữa của BoJ cũng sẽ gây tác động lây lan ra bên ngoài Nhật Bản và châu Á, do các công ty và nhà đầu tư Nhật Bản là những người mua lớn đối với tài sản ở nước ngoài và đồng yen là một loại tiền tệ được vay rộng rãi trên toàn cầu.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới