(KTSG Online) – Nhiều chuyên gia tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm sáng để ‘đảo ngược’ dòng chảy vốn của khối ngoại trong năm nay.
Trong báo cáo dòng vốn đầu tư tháng 1 vừa qua, Công ty chứng khoán SSI nhìn nhận rằng khối ngoại tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực. Theo số liệu, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trên HOSE trong tháng qua với giá trị khoảng 3.000 tỉ đồng, nhưng chủ yếu là do khoản bán ròng 5.200 tỉ đồng thỏa thuận ở cổ phiếu MSN. Riêng kênh khớp lệnh thì khối ngoại quay trở lại mua ròng khoảng hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó tập trung giải ngân vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Bên cạnh đó, các giao dịch ETF (quỹ hoán đổi danh mục) cũng tích cực nhờ đóng góp từ các quỹ ngoại và dòng tiền từ các quỹ chủ động tiếp tục cải thiện. Theo đó, các quỹ ETF ngoại đẩy mạnh tăng vốn trong tháng đầu năm cũng như các quỹ mua ròng tập trung vào tuần giao dịch trước Tết Nguyên đán. Lực mua chủ yếu đến từ quỹ Fubon ETF (khoảng 1.140 tỉ đồng), hay Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund) vừa huy động thêm khoảng 5.000 tỉ đồng để giao dịch trên thị trường.
Theo SSI đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh tương đối mạnh trong tháng 1, giúp định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Điều này giúp khối ngoại chuyển hướng mua ròng trên thị trường chứng khoán.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá động thái mạnh tay mua ròng trong những tuần đầu tiên của năm 2022, là đồng nghĩa với sự trở lại của khối ngoại. Tuy nhiên, nhiều đơn vị phân tích ở các tổ chức lại đánh giá khối ngoại sẽ sớm có những chuyển biến mới, dù rằng dòng vốn này đã giảm mạnh tầm ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian qua.
“Năm 2021 chứng kiến khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỉ đồng. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều lý do để tin tưởng rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2022”, ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam chia sẻ mới đây.
Theo SSI, xu hướng giao dịch của khối ngoại tại các quốc gia trong khu vực có tín hiệu đảo chiều từ cuối năm 2021. SSI còn cho rằng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam trong bối cảnh chính sách tài khóa và tiền tệ đi ngược với thế giới (tiếp tục mở rộng thay vì thắt chặt), đồng thời có sự ổn định của tỷ giá trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do đồng đô la Mỹ tăng giá.
Theo đánh giá của đại diện HSBC Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn nhiều lựa chọn tốt dù chưa có nhiều chuyển biến trong quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trong số 30 cổ phiếu trong rổ VN30, chỉ có 5 cổ phiếu đã hết “room” cho nhà đầu tư ngoại, 13 cổ phiếu có vốn hóa trên 5 tỉ đô la Mỹ và 12 cổ phiếu có mức giao dịch bình quân ngày hơn 10 triệu đô la.
Ngoài ra, các quỹ ETF cũng là một lựa chọn tốt với hiệu suất đầu tư tương đối cao. Năm 2021, tăng trưởng tài sản ròng các quỹ ETF trong nước là 40%, trong khi đó các quỹ ETF nước ngoài bình quân khoảng 24,7%.
Một lý do khác là hệ thống giao dịch mới sắp được vận hành cũng như cơ sở để phát triển thêm nhiều sản phẩm khác trong tương lai, bên cạnh các yếu tố vĩ mô hiện là điểm sáng.
“Mặc dù mọi người đều có chung nhận thức rằng thị trường cổ phiếu của Việt Nam là quá nhỏ để thu hút được các khoản đầu tư nước ngoài lớn, nhưng sự thật là giá trị giao dịch bình quân ngày của thị trường đã tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Hệ thống giao dịch mới sắp được vận hành cũng hứa hẹn cung cấp cơ sở hạ tầng để phát triển nhiều sản phẩm mới trong tương lai, nhờ đó cung cấp cho nhà đầu tư lựa chọn đầu tư phong phú hơn”, ông James Estaugh cho biết.
Trong vài năm trở lại đây, khối ngoại liên tục bán ròng hàng tỉ đô la trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong tháng 12 vừa qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ 5 liên tiếp, đẩy tổng giá trị bán ròng trong năm 2021 là 62.600 tỉ đồng, trong đó tháng 3 và tháng 5 là 2 tháng ghi nhận mức bán ròng cao nhất.
Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng chung bởi xu hướng rút ròng ở các thị trường cận biên, vấn đề của Việt Nam còn nằm ở chỗ hàng hóa trên thị trường chứng khoán chưa đa dạng và bị giới hạn về sở hữu nước ngoài, thiếu vắng những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục.
Bên cạnh đề xuất nhanh chóng triển khai hệ thống công nghệ mới, đại diện HSBC Việt Nam cũng khuyến nghị cơ quan quản lý mở ra cơ hội tháo gỡ cho vấn đề ký quỹ trước giao dịch, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và chính thống, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.