Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc với biến thể Omicron

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nỗi lo ngại về Covid-19 lại một lần nữa bao phủ thị trường chứng khoán toàn cầu, sau sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, được cho là còn nguy hiểm hơn biến thể Delta, với khả năng lây nhiễm nhanh chóng và kháng vaccine.

Cú sốc của thị trường tài chính toàn cầu

Trong suốt một năm qua, giới đầu tư đã dần quen với đại dịch Covid-19, cảm thấy an tâm hơn với các gói kích thích kinh tế và kỳ vọng về việc vaccine sẽ khiến dịch bệnh được đặt trong tầm kiểm soát. Thế nhưng, cảm giác yên bình đó đã hoàn toàn tan vỡ vào ngày thứ Sáu tuần trước.

Thông tin về biến thể virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Botswana đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu, tạo ra cú sụt giảm mạnh nhất trong vòng một năm qua. Chỉ số FTSE All World giảm 2,2% trong ngày giao dịch tệ nhất kể từ tháng 10-2020, khi các sàn chứng khoán từ Mỹ, châu Âu cho tới châu Á đều chịu áp lực bán nặng nề. “Thị trường đã không lường trước được điều này. Trong danh sách những mối đe dọa của các nhà đầu tư, dịch Covid-19 đã tụt xuống hàng thứ yếu trong thời gian qua”, Paul Leech - Giám đốc cổ phiếu toàn cầu tại Barclays nhận định.

Thời điểm mối lo ngại cũ quay trở lại, cũng là một trong những yếu tố dẫn đến làn sóng bán tháo. Ông Oliver Roth - Giám đốc điều hành bộ phận sàn chứng khoán chuyên ngành tại Oddo BHF cho biết: “Một điều không may là thời điểm công bố về biến thể mới ở Nam Phi trùng khớp với kỳ nghỉ tại Mỹ. Khi đó, các thị trường đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tin tức tiêu cực. Đó chính xác là những gì đã diễn ra với thị trường Mỹ, và sau đó lan rộng ra toàn thế giới”.

Không chỉ chứng khoán, các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng lớn từ thông tin về biến thể mới. Việc giới đầu tư đua nhau chuyển tiền vào các tài sản an toàn đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn mười năm giảm 15 điểm cơ bản, xuống mức 1,49%, trong khi giá vàng kỳ hạn và giao ngay đều tăng mạnh, lên trên 1.805 đô la Mỹ/ounce. “Thị trường lo ngại biến thể mới có thể tác động tới nền kinh tế mạnh hơn so với biến thể Delta, và điều này đã khiến nhu cầu về vàng tăng đột biến”, chuyên gia phân tích Peter Fertig tại Quantitative Commodity Research nhận định.

Biến thể mới, phản ứng cũ

Hiện vẫn chưa có đầy đủ thông tin về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron và khả năng các loại vaccine có thể ứng phó với biến thể này. Và trong khi chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn, giới đầu tư đang thực hiện những phản ứng mà họ đã quá quen thuộc trong thời kỳ đại dịch: bán các cổ phiếu liên quan đến hoạt động đi lại, du lịch; và mua các cổ phiếu liên quan đến dược phẩm, làm việc tại nhà. Bà Jessica Bemer, Giám đốc danh mục đầu tư tại Easterly Investment Partners nhận xét: “Đây là một thị trường đã quen thuộc trong việc phản ứng với dịch Covid-19”.

Cổ phiếu của các hãng hàng không Delta Air Lines, United Airlines và American Airlines Group đều giảm 8% trở lên, ngay sau khi nhiều quốc gia áp đặt biện pháp hạn chế đi lại với các nước miền Nam châu Phi. Các cổ phiếu ngành du lịch bao gồm Royal Caribbean Group cũng giảm mạnh, trong khi nhóm công ty dầu khí như Exxon Mobil hay Chevron cũng chung số phận.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu các hãng dược phẩm đều bật tăng mạnh mẽ, như Moderna (tăng 21%) và Pfizer (tăng 6,1%). Cổ phiếu của Netflix và DoorDash - những doanh nghiệp từng hưởng lợi lớn từ nhu cầu dịch vụ tại nhà thời dịch bệnh cũng lần lượt tăng 1,1% và 1,6%.

Theo Reuters, trước những lo ngại rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể đảo ngược hoàn toàn thành quả của nhiều tháng khống chế dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã đổ xô sang các chiến lược phòng hộ, khiến hợp đồng bán S&P 500 cùng các ETF mô phỏng chỉ số này ghi nhận khối lượng lớn giao dịch. “Tránh rủi ro, có phòng hộ có vẻ là tâm lý chủ đạo của thị trường hiện tại”, ông Seth Golden, Giám đốc chiến lược thị trường tại Công ty Nghiên cứu Finom Group, nhận xét.

Chuyên gia kinh tế trưởng Peter Cardillo tại Công ty Chứng khoán Spartan Capital đánh giá: “Rõ ràng, thị trường đang lo ngại biến thể mới có thể làm tê liệt các hoạt động kinh tế. Và nếu điều này xảy ra, dựa trên mức định giá cao của các cổ phiếu hiện nay, chúng ta có thể chứng kiến làn sóng bán tháo lớn hơn trong thời gian tới”.

Ngay cả khi đà sụt giảm đã lắng dịu trong phiên giao dịch đầu tuần, khi chứng khoán châu Á chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ, các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. Chia sẻ với CNBC, chiến lược gia toàn cầu John Vail tại Nikko Asset Management nhận định: “Mọi thứ chắc chắn sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới. Có thể biến thể này không quá khủng khiếp như thị trường đã nghĩ hôm thứ Sáu tuần trước, nhưng nó vẫn sẽ gây ra một số tác động và khiến các nhà đầu tư phải thận trọng hơn”.

Vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh thông tin về biến thể mới chưa rõ ràng, hiện vẫn còn quá sớm để nhà đầu tư đưa ra quyết định. Các chiến lược gia của Citigroup ước tính, thời hạn để mọi thứ trở nên rõ ràng hơn có thể là 2-8 tuần, đồng thời bày tỏ sự thận trọng trước việc các nhà đầu tư cắt giảm các vị thế đòn bẩy.

Trong khi đó, Peter Berezin, chiến lược gia toàn cầu tại BCA Research dự báo: “Ở mức tối thiểu, sự biến động sẽ cao hơn trong vòng hai tuần tới. Cổ phiếu có thể giảm sâu hơn, nhưng một mức giảm hơn 10% sẽ là một cơ hội tốt để mua vào”.

Theo nhà giao dịch Borislav Vladimirov của Goldman Sachs tại London, mặc dù vẫn sẽ theo dõi sát những diễn biến liên quan đến biến thể mới, ngân hàng này “không cho rằng biến thể mới là lý do đủ để đưa ra những thay đổi đáng kể về danh mục đầu tư”. Quyết định của Goldman Sachs được đưa ra dựa trên giả định rằng, các loại vaccine hiện nay vẫn sẽ có hiệu quả ở một mức độ nhất định, và Omicron sẽ không quá nguy hiểm hơn so với các biến thể khác.

Chia sẻ quan điểm trên, Mike Riddell - nhà quản lý danh mục đầu tư tại Allianz Global Investor nhận định: “Tác động lên thị trường hiện tại là rất lớn, nhưng nhà đầu tư cần nhớ rằng, thị trường vẫn đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại. Không có vẻ gì là chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ suy thoái”.

Chuyên gia Oliver Roth tại Oddo BHF đánh giá, thị trường không có vẻ gì là đang sụp đổ, mà chỉ nằm trong một đợt điều chỉnh. Và cho dù đợt điều chỉnh này có diễn ra trong thời gian lâu hơn một chút, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, những đợt điều chỉnh trước đó đều đã kết thúc với những diễn biến tích cực, trong thời gian ngắn. Do vậy, nhà đầu tư “nên giữ bình tĩnh và không tham gia vào làn sóng hoảng loạn của các nhà đầu tư lớn - những người chỉ đơn giản là đang rút tiền mặt sau khi đã kiếm được lợi nhuận trước đó”.

Hiện, các công ty dược phẩm lớn như Pfizer, Moderna, Astra Zeneca đều đang khẩn trương chạy đua trong việc thử nghiệm vaccine để ứng phó với biến thể Omicron. Theo các chuyên gia, những thông tin tích cực của các cuộc thử nghiệm, sẽ được coi là cơ sở giúp ổn định tâm lý thị trường trong những tuần tới. Ông Barry Norris - nhà sáng lập Argonaut Capital cho biết: “Nếu trong những ngày tới, một công ty vaccine cho biết, sản phẩm của họ có hiệu quả trong việc ngăn cản biến thể mới, nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại lớn vì quyết định bán tháo vào lúc này”.

Các ngân hàng trung ương đối mặt với nhiều thách thức

Một vấn đề khó đoán định hơn với giới đầu tư, chính là tác động của biến thể mới đối với lạm phát và tiếp sau đó là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Các chuyên gia tin rằng, một thời kỳ đình lạm - tăng trưởng thấp và lạm phát cao, sẽ là mối lo ngại lớn tiếp sau sự xuất hiện của biến thể Omicron. “Áp lực lạm phát có thể giảm bớt trong một giai đoạn nhất định, khi giá năng lượng giảm do hoạt động đi lại bị hạn chế. Nhưng việc các biện pháp phong tỏa được áp đặt trở lại, sẽ làm gia tăng rủi ro tắc nghẽn chuỗi cung ứng (đẩy áp lực lạm phát gia tăng)”, chuyên gia Ben Emons tại Medley Global Advisors lo ngại.

Trước đó, giới đầu tư đã đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn đà tăng của lạm phát. Thế nhưng giờ đây, nếu biến thể Covid-19 làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương có thể sẽ phải thay đổi hướng đi, và kích thích nền kinh tế nhiều hơn.

“Trước khi thông tin về biến thể mới được công bố, chúng tôi vẫn dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất ba lần trong năm tới. Nhưng giờ, điều đó có vẻ đã bớt hợp lý hơn”, Andrew Mulliner - nhà quản lý danh mục đầu tư trái phiếu tại Công ty Janus Henderson nhận định.

Tuy nhiên, thực hiện điều này cũng là chuyện không hề đơn giản, bởi với việc lạm phát tăng cao như hiện nay, các ngân hàng trung ương và chính phủ có thể sẽ bị kiềm chế đáng kể, khi cần tung ra các gói kích thích mới, điều họ đã từng làm trong suốt thời kỳ đại dịch. “Đây là một vấn đề đáng lo ngại: liệu chính phủ có thể kịp thời phản ứng và hỗ trợ nền kinh tế, thị trường một lần nữa trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng hay không”, Giám đốc đầu tư Edward Smith tại Rathbone Investment Management đặt câu hỏi.

Dẫu vậy theo chuyên gia Carsten Breski - Giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING (Hà Lan), áp lực này sẽ không quá lớn, bởi ngay cả trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu đi, vẫn có nhiều cơ sở để tin rằng, thiệt hại kinh tế sẽ được kiềm chế. “Thế giới hiện đã chuẩn bị tốt hơn nhiều cho sự xuất hiện của bất kỳ biến thể mới nào, so với cách đây một năm rưỡi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các phản ứng của chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ không cần phải quá mạnh mẽ như hồi tháng 3-2020”.

Nguồn: Reuter, WSJ, Bloomberg, Financial Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới