Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán trước yêu cầu tái cấu trúc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường chứng khoán trước yêu cầu tái cấu trúc

Thanh Thương

Thị trường chứng khoán trước yêu cầu tái cấu trúc
Ông Nguyễn Sơn đang trả lời báo giới tại hội thảo ngày 17-12. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Tại hội thảo nhận diện cơ hội và rủi ro năm 2012 do Công ty truyền thông tài chính Việt (Vietstock) tổ chức ngày 17-12 tại TPHCM, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Sơn cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2011 mất nhiều hơn được, và cơ quan này đang thực hiện một loạt các giải pháp nhằm tái cấu trúc thị trường này.

Chứng khoán 2011: Mất nhiều hơn được

Theo số liệu ông Sơn cung cấp thì VN-Index đã mất 25%, thanh khoản thị trường giảm đến 50% so với năm 2010. Và mặc dù số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng (hiện tại đã có 695 công ty niêm yết trên 2 sở giao dịch, tăng thêm khoảng 60 công ty so với cuối năm ngoái) nhưng mức vốn hóa thị trường chỉ còn 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP) so với 39% GDP vào năm ngoái. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng chững lại.

Các công ty niêm yết gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh như chi phí đầu vào tăng do giá nguyên liệu và lãi vay ngân hàng đều tăng cao, và nhiều doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn đã ghi nhận mức lỗ trong 9 tháng. Giá cổ phiếu của 67% doanh nghiệp niêm yết đã thấp hơn giá trị sổ sách.

Các doanh nghiệp niêm yết cũng gặp khó trong việc huy động vốn, phát hành cổ phiếu chỉ đạt 13.000 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thị trường có đến 68% công ty chứng khoán thua lỗ và hoạt động chính của các công ty này ngày càng bị thu hẹp. Để đối phó với khó khăn, nhiều công ty rút bớt nghiệp vụ môi giới, cắt giảm nhân sự. Tình trạng thanh khoản của nhiều công ty cũng đã đến mức báo động, và hiện có khoảng 20 công ty chứng khoán đang có vấn đề về tài chính cần tái cấu trúc.

Ông Sơn cho rằng khó khăn của thị trường chứng khoán trong năm 2011 một phần bị tác động bởi tình hình kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô trong nước nhưng phần lớn vẫn do những vấn đề nội tại của thị trường chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn còn yếu kém về quản trị công ty, công bố thông tin, cơ quan quản lý thị trường chậm đưa ra các giải pháp củng cố, các sản phẩm bổ sung.

Tái cấu trúc TTCK như thế nào?

Vì vậy, theo ông Sơn, trọng tâm trong năm 2012 sẽ là tái cấu trúc toàn diện thị trường chứng khoán.

Đối với các công ty chứng khoán, hiện UBCK đã phân ra 3 dạng dựa trên chỉ tiêu an toàn tài chính; trong đó có nhóm công ty hoạt động bình thường, nhóm công ty nằm trong diện kiểm soát và có 20 công ty nằm trong diện kiểm soát đặc biệt có thể sẽ bị UBCK rút giấy phép hoạt động môi giới, hoặc khuyến nghị các đơn vị này phải tìm phương án xử lý như tự sáp nhập lại, chuyển đổi mô hình hoạt động sang quỹ đầu tư…

UBCK cũng sẽ xem xét kỹ báo cáo kiểm toán của các công ty chứng khoán, vì hiện tại các báo cáo này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Trong đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán cũng đề cập đến việc sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán. Hiện tại, sở giao dịch TPHCM và Hà Nội hầu như không có gì khác, cũng niêm yết cổ phiếu và doanh nghiệp có thể chọn sàn này hay sàn kia, điều đó đang gây ra sự lãng phí không cần thiết. Vì vậy trong đề án tái cấu trúc thị trường, UBCK kiến nghị Chính phủ cho phép cơ cấu lại còn 1 sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thống nhất bao gồm 1 thị trường cổ phiếu, 1 thị trường trái phiếu và 1 thị trường công cụ phái sinh trên cơ sở tận dụng các hệ thống công nghệ hiện tại. Dự kiến, thị trường cổ phiếu sẽ đặt tại TPHCM và 2 thị trường còn lại ở Hà Nội.

Mô hình quỹ mở (là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư) cũng sẽ chính thức được áp dụng vào năm sau. Cụ thể vào tuần sau, Bộ Tài chính dự kiến sẽ ban hành quy định về quỹ mở để tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư có nhu cầu, nhưng cũng để đón đầu để các quỹ đóng đến thời điểm đóng quỹ có thể chuyển sang quỹ mở.

Đồng thời UBCK cũng đang xây dựng đề án phát triển các quỹ khác như quỹ đầu tư chỉ số chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện, các sản phẩm liên kết bảo hiểm.

Tại hội thảo trên, ông Sơn cũng nói nhiều đến các hướng mới trong năm 2012 như xây dựng bộ chỉ số phân ngành, thuế, phí, trích lập dự phòng đầu tư tài chính đối với cổ phiếu OTC, xem xét việc đưa tín phiếu kho bạc vào giao dịch chung trên thị trường trái phiếu. Trong năm tới cũng sẽ có quy định nâng tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, đưa thêm các quy định khắt khe hơn trong công bố thông tin giao dịch cổ phiếu quỹ, giao dịch của cổ đông lớn…để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trong thời gian qua, đã có hiện tượng công ty chứng khoán gửi đơn xin rút giấy phép hoạt động chứng khoán, và trường hợp được nhắc nhiều trong thời gian gần đây là trường hợp của Công ty chứng khoán Đông Dương.

Sau nhiều năm hoạt động, đầu năm nay, Công ty chứng khoán Đông Dương đã phải thu hẹp mặt bằng do không trả nổi chi phí. Với doanh số vài chục triệu tiền phí môi giới mỗi tháng thì chỉ tiền thuê nhà phải trả, chi phí cho phần mềm giao dịch trực tuyến phải mua đã khiến công ty lâm vào tình trạng thua lỗ nặng, và vì vậy ban lãnh đạo Đông Dương đã quyết định gửi đơn xin rút giấy phép và đã được chấp thuận. Hiện tại công ty đang chuyển toàn bộ tài khoản khách hàng sang Công ty chứng khoán KimEng.

Ông Nguyễn Sơn cho rằng việc làm này của công  ty chứng khoán Đông Dương là một hành động hợp lý, để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và cũng để đỡ ảnh hưởng chung đến thị trường.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới