Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí nâng hạng

Bình Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đặt mục tiêu trong 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi ở mức thứ cấp. Tính đến hiện nay, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí để nâng hạng, hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện gồm ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí để nâng hạng. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Thông tin tại tọa đàm Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền – Tích luỹ – Bứt tốc” do báo Đầu Tư tổ chức ngày 5-3, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho biết, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được nêu rõ trong Quyết định 1726 về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Đây cũng là công tác trọng tâm của Bộ Tài chính trong thời gian qua.

Bà Thùy Linh cho biết, mục tiêu trong 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi ở mức thứ cấp. Các tiêu chí của Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí. Hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với giải pháp với ký quỹ, UBCKNN đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp. UBCKNN đã trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, đảm bảo hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán.

Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, UBCKNN sẽ cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành khác để rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành nghề không thiết yếu.

Bên cạnh đó, sẽ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng với các công ty đại chúng và công ty niêm yết có quy mô lớn. Dự kiến lộ trình áp dụng đối với các công bố bằng tiếng Anh đối với công bố thông tin định kỳ và tổ chức niêm yết có quy mô lớn từ 1-1-2025, đối với thông tin bất thường từ 1-1-2026, áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng trong hoạt động công bố thông tin từ 1-1-2028.

“Các công việc triển khai có sự hậu thuẫn cao của các thành viên thị trường. Chúng tôi kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường trong 2025. Tiến độ hiện tại đặt ra 2025, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào kỳ đánh giá xếp hạng và trải nghiệm của khách hàng. Do đó mong các công ty chứng khoán tuyên truyền tới các nhà đầu tư khi có trải nghiệm tốt”, bà Thùy Linh nhấn mạnh.

Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, một trong giải pháp trọng tâm trong năm 2024 là tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Do vậy, tại tọa đảm này, UBCKNN cho biết, đang rà soát Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có tập trung vào vấn đề quy định về hoạt động chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch. Hiện UBCKNN đang cùng Sở giao dịch chứng khoán  đang cùng xây dựng quy chế để phối hợp giúp các khâu sau khi IPO, niêm yết/ được rút ngắn thời gian, quy về một đầu mối xem xét đối với một vấn đề. Trong tháng 3, UBCKNN sẽ tổ chức hội nghị hai miền để mời các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn và tổ chức tư vấn để chia sẻ về các quy định cũng như trao đổi vướng mắc từ phía doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp khi thực hiện IPO với hồ sơ chuẩn chỉ để Sở giao dịch chứng khoán có thể xem xét hồ sơ nhanh nhất. Chúng tôi kỳ vọng đây là hội nghị có thể hỗ trợ nhanh nhất đối với các tổ chức có nhu cầu huy động vốn. Năm 2024 – 2025 được đánh giá là năm bản lề, nhu cầu huy động vốn là có, hội nghị sẽ là nơi chia sẻ vướng mắc để làm sao để rút ngắn lại quy trình này”

Về nâng hạng, các tổ chức xếp hạng quốc tế chia thị trường chứng khoán làm 4 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất, thị trường phát triển có vốn lớn, có độ mở cao, các sản phẩm trên thị trường này có độ phức tạp cao, có sự luân chuyển.

Nhóm thứ hai, thị trường mới nổi có khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, tính quy mô thanh khoản ở mức cao, quy định pháp lý chặt chẽ. Tổ chức xếp hạng hiện tại chia nhóm này làm hai thứ hạng là thị trường mới nổi bậc cao và thị trường mới nổi thứ cấp.

Nhóm thứ ba là thị trường cận biên. Việt Nam đang ở thứ hạng này là nhóm thị trường đã bắt đầu có tiếp cận vốn nước ngoài.

Nhóm thứ tư là nhóm TTCK chưa được xếp hạng, ở những thị trường có bất ổn chính trị, hoặc quy mô nhỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới