(KTSG Online) - Chiến lược tăng lãi suất mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lạm phát của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trở nên rối như tơ vò sau cú sụp đổ bất ngờ của Silicon Valley Bank (SVB).
Ngân hàng này được xem là nạn nhân lớn đầu tiên của “đòn” tăng lãi suất. Giờ đây, giới đầu tư dự báo, Fed sẽ nương tay thậm chí tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới để ổn định thị trường tài chính.
- Biến cố Silicon Valley Bank cho thấy ‘chiếc búa’ lãi suất của Fed đang gây đổ vỡ
- Sử dụng tiền gửi để đầu tư trái phiếu, ngân hàng Mỹ ôm ‘trái đắng’
Fed có thể viết lại kịch bản chính sách?
Một tuần trước, ông Powell khiến thị trường sửng sốt khi cảnh báo Fed có thể tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn so với mức tăng 25 điểm hồi tháng 2 để kiềm chế lạm phát dai dẳng.
Vài ngày sau, SVB và Ngân hàng Signature Bank sụp đổ. Diễn biến này buộc Bộ Tài chính Mỹ và Fed triển khai chương trình cho vay khẩn cấp quy mô lớn để ứng phó rủi ro rút tiền ồ ạt ở các các ngân hàng khác, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ đang lỗ te tua (trên giấy tờ) vì đầu tư trái phiếu chính Mỹ.
Nhóm ngân hàng này đã mua trái phiếu với giá cao trong thời kỳ lãi suất thấp. Hiện tại, lãi suất tăng vọt đã đẩy lợi suất trái phiếu đi lên, kéo giá giảm xuống (giá trái phiếu di chuyển nghịch chiều với lợi suất) làm nhà băng thua lỗ. Theo Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), danh mục đầu tư chứng khoán thu nhập cố định của các ngân hàng Mỹ đang lỗ khoảng 620 tỉ đô la Mỹ.
Bất chấp nỗ lực ứng phó nhanh chóng của các nhà quản lý liên bang, tâm lý hoảng loạn trên thị trường tài chính Mỹ vẫn chưa lắng dịu. Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán tháo hôm 13-3.
Trong đó, cổ phiếu ngân hàng First Republic Bank mất giá gần 62% và buộc phải dừng giao dịch do biến động quá mạnh sau khi đã tổn thất 33% vào tuần trước. Danh mục đâu tư trái phiếu của ngân hàng này đang lỗ khoảng 5,2 tỉ đô la.
Giới đầu tư lo ngại cú sụp đổ của SVB và Signature Bank có thể là sự khởi đầu cho một danh sách “nạn nhân” dài hơn từ chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên của Fed.
Nhà đầu tư lo sợ bất ổn tài chính có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Trong điều trần vào tuần trước ở hạ viện Mỹ, ông Powell phát tín hiệu tăng lãi suất thêm 50 cơ bản tại cuộc họp chính sách sắp tới do dữ liệu kinh tế và lạm phát còn nóng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cơn hỗn loạn tài chính hiện nay sẽ buộc Fed viết lại kịch bản chính sách chống lạm phát. Fed đã vài lần xoay trục chính sách trong những năm gần đây. Vào cuối năm 2021, cơ quan quản lý tiền tệ này buộc phải thay đổi chiến thuật khi lạm phát mà ông Powell cho là “tạm thời” hóa ra lại nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế.
Dù đứng trước áp lực dừng tăng lãi suất, một số quan chức Fed có thể bảo vệ quan điểm cần tăng tiếp nhưng ở quy mô vừa phải hơn, khoảng 25 điểm cơ bản. Trong bài phát biểu về chính sách tiền tệ hồi tháng 1, Lorie Logan, Chủ tịch Ngân hàng liên bang Mỹ khu vực Dallas, cho rằng tốc độ tăng lãi suất chậm hơn là cách để đảm bảo Fed đưa ra quyết định tốt nhất có thể.
Một số quan chức Fed có thể ủng hộ mức tăng 50 điểm cơ bản vì cho rằng, chương trình cho vay khẩn cấp mới của Fed dành cho ngân hàng sẽ giúp ổn định thị trường. Thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ và dữ liệu công bố hôm nay (14-3) cho thấy lạm phát còn nóng. Tất cả điều đó sẽ củng cố lập luận cần đẩy nhanh tốc độ lên 50 điểm cơ bản.
Hai nhiệm vụ xung đột: giải quyết bất ổn tài chính và lạm phát
Hôm 13-3, các hợp đồng tương lai về lãi suất cho thấy giới đầu tư đang hoài nghi khả năng Fed tăng thêm lãi suất, thậm chí đặt cược khả năng cắt giảm vào cuối năm.
Cùng ngày, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm giảm gần 50 điểm cơ bản khi các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ giảm quy mô tăng lãi suất và thậm chí có thể tạm dừng hoàn toàn chiến dịch thắt chặt tiền tệ kéo dài trong một năm qua.
Nhóm nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự đoán, Fed sẽ ra quyết định dừng tăng lãi suất trong tuần tới. Ngân hàng Barclays cũng có quan điểm tương tự.
Theo Marc Sumerlin, người sáng lập công ty tư vấn Evenflow Macro ở Washington, đây là lần đầu tiên trong chu kỳ thắt chắt tiền tệ hiện tại, Fed chứng kiến sự xung đột trong nhiệm vụ của cơ quan này. Fed được thành lập với sứ mệnh ổn định tài chính. Vì vậy, cơn hỗn loạn tài chính hiện nay đang gây sức ép để Fed buộc phải dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, tình hình lạm phát cao kéo dai dẳng lại chỉ ra rằng, Cục Dự trữ liên bang cần cần thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Với tình trạng cổ phiếu ngân hàng lao dốc hôm 13-3, bất kỳ tuyên bố nào của Fed nhằm mô tả bức tranh kinh tế vĩ mô trước khi SVB sụp đổ có thể khiến mọi người so sánh với những thông điệp của cơ quan này hồi tháng 8- 2007.
Vào thời điểm đó, trong lúc thị trường bắt đầu lo ngại về chứng khoán thế chấp dưới chuẩn thì Fed vẫn khẳng định lạm phát là mối bận tâm hàng đầu. Vài ngày sau, Fed buộc phải cắt giảm lãi suất.
Hiện có nhiều ý kiến chỉ trích thông điệp của Powell tại hạ viện Mỹ trong tuần trước không phù hợp với những rủi ro đang hình thành trong hệ thống tài chính.
“Các ngân hàng trung ương đã trở thành nguồn gây ra biến động vĩ mô chứ không phải là công cụ giúp giảm bớt”, Dario Perkins, nhà kinh tế học tại TS Lombard nói.
Quyết định của Fed về lãi suất có thể chịu ảnh hưởng của hai báo cáo trong tuần này. Đó là, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm nay và doanh số bán lẻ hôm 15-3. Những dự liệu đó sẽ cung cấp thông tin cập nhật về lạm phát trong nền kinh tế.
Giới phân tích dự báo, CPI trong tháng 2 sẽ tiếp tục dịu lại nhưng vẫn còn ở mức cao. Nếu dữ liệu lạm phát vẫn còn nóng, có nghĩa là cuộc chiến hạ nhiệt nền kinh tế của Fed vẫn chưa hoàn thành.
“Những sự kiện tài chính vừa qua sẽ khiến Fed thận trọng hơn nhưng cần phải được cân bằng với bức tranh lạm phát mới ngày càng xấu đi”, trích báo cáo của nhóm nhà kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics gửi khách hàng.
Nhóm này cho rằng, dù xác suất tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản giảm đáng kể nhưng Fed sẽ chưa dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 cơ bản trong cuộc họp sắp tới.
Theo Bloomberg
Lãi suất là bảo bối của Fed, cũng như tất cả các NHTW trên thế giới. Một vài ngân hàng có thể phá sản, nhưng chỉ ảnh hưởng cục bộ trong phạm vi mức độ có thể kiểm soát được, nếu Fed thực sự nhanh tay hành động. Nhưng điều hành lãi suất của Fed thì có liên quan đến toàn bộ kinh tế Mỹ và thế giới. Vậy nên không thể nào đánh đổi. Giữa SVB và lãi suất, Fed phải luôn luôn đứng về phía lãi suất. Tất nhiên, mức độ xuống tay mạnh hay nhẹ, có thể còn cân nhắc.