(KTSG Online) – Giai đoạn 2023-2024 từng được giới phân tích và đầu tư kỳ vọng là thời điểm vàng để thị trường Việt Nam đón nhận dòng vốn ngoại trước khi nâng hạng, nhưng thực tế lại không diễn biến như mong đợi.
Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều
“Hàng tỉ đô la Mỹ vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng” là thông điệp được giới đầu tư, chuyên gia và các cơ quan quản lý đề cập nhiều lần những năm gần đây. Cụ thể, với kỳ vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng năm 2025, thì năm 2023 và 2024 – giai đoạn trước thời điểm nâng hạng - là khoảng thời gian dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại -PV) sẽ tập trung mua ròng với mục tiêu tích luỹ cổ phiếu.
Tại một số thị trường, khối ngoại từng tập trung mua ròng trước thời điểm chính thức nâng hạng khoảng 1-2 năm và thúc đẩy các chỉ số trên trường chứng tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn, thị trường Qatar tăng hơn 45% giai đoạn từ tháng 9-2013 tới tháng 9-2014, thị trường Saudi Arabia tăng hơn 23% giai đoạn từ tháng 3-2017 tới tháng 3-2018, thị trường Romania tăng hơn 18% giai đoạn từ tháng 9-2018 tới tháng 9-2019.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng khoảng 20.400 tỉ đồng giai đoạn từ đầu năm tới ngày 15-12-2023, theo bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán của VinaCapital. Một số cổ phiếu bị khối ngoại bán nhiều nhất có thể kể đến như VPB, MWG, VHM hay chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Thực tế, việc khối ngoại bán ròng không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn diễn ra ở các TTCK khác trong khu vực ASEAN. Cụ thể, thống kê của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy giá trị bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam ở mức thấp so với các thị trường khác. Trong 11 tháng đầu năm 2023, nhóm này đã rút ròng tới 5,4 tỉ đô la ở thị trường Thái Lan, hơn 877 triệu đô la ở thị trường Indonesia...
Ngược lại, dòng vốn ngoại có xu hướng đi vào các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật, khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoặc thị trường lớn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Ấn Độ.
Thông tin thêm, bà Trương Minh Trang, đại diện FiinTrade thuộc Fiin Group, cho biết khối ngoại chủ yếu bán ròng những cổ phiếu được mua mạnh ở những năm trước như EIB, VPB, STB, MWG, VHM, VNM, DPM, KDC…
Với riêng dòng tiền từ quỹ các quỹ đầu tư, đại diện FiinTrade cho biết nhóm quỹ chủ động bán ròng mạnh, tức “bán chủ động” giai đoạn tính từ đầu năm 2023 đến nay. Còn nhóm ETF mua ròng nhẹ.
Thống kê mới nhất của FiinGroup cho thấy, vào cuối năm 2022, dòng tiền giữa ETF và các quỹ chủ động vào thị trường khá đều. Tuy nhiên, từ tháng 9-2023, dòng tiền bán ròng tập trung ở các nhóm chủ động, ngược lại là các ETF hút ròng. Tính riêng số liệu đến 14-12-2023, xu hướng rút ròng tập trung chủ yếu ở dòng tiền chủ động nước ngoài với giá trị rút ròng hơn 6.300 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị rút ròng tại nhóm quỹ chủ động là 27.000 tỉ đồng.
Tổng kết, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch FIDT, đánh giá điểm nổi bật nhất trên thị trường năm 2023 là nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, còn nhà đầu tư nội "gồng gánh" rất tích cực.
Cụ thể, khi dòng vốn rẻ bắt đầu "bơm" ra thị trường từ tháng 4-2023, dòng tiền chảy vào chứng khoán nhiều hơn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn gặp nhiều thách thức. Do đó, dòng tiền nội được hút vào thị trường đã góp phần cân bằng với đà bán ròng của ngoại khối, qua đó giúp nâng đỡ VnIndex giữ vững mốc 1.000 điểm.
“Trên thị trường, nhà đầu tư hay có câu nói rất nôm na là ‘ra đường sợ nhất công nông, chứng khoán sợ nhất là Tây bán ròng’. Nhưng thực tế động thái rút ròng của các quỹ chủ động là do hiệu suất thấp trong thời gian dài với mức âm 25-30%, thậm chí thua lỗ nặng hơn”, ông Tuấn nói và cho rằng nếu đặt vai trò cổ đông của các quỹ thì động thái rút ròng là tất yếu khi so sánh với hiệu suất các thị trường khác.
Cũng theo vị này, thời điểm cuối năm cũng là giai đoạn quyết định để tất toán các khoản đầu tư kém hiệu quả, dẫn đến việc các quỹ bán ròng quyết liệt hơn.
Thực tế, từ áp lực bán ra của khối ngoại đã khiến cổ phiếu MWG của Công ty Đầu tư Thế giới Di động trải qua một năm không mấy sáng sủa trên thị trường chứng khoán khi bị đánh bật khỏi nhóm 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Vì sao khối ngoại liên tục bán ròng?
Lý giải việc khối ngoại tích cực bán ròng gần một năm qua, bà Ngyễn Ngoài Thu đã chỉ ra một số nguyên nhân.
Thứ nhất, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát, khiến cho đô la Mỹ mạnh lên, còn lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức 5% vào tháng 10-2023 và là mức cao nhất kể từ năm 2007. Do đó, dòng tiền đã bị rút ra khỏi các TTCK mới nổi.
Thứ hai, một phần hoạt động bán ròng của khối ngoại đến từ nhà đầu tư Thái Lan trong những tuần gần đây, do quốc gia này mới có quy định đánh thuế thu nhập cá nhân với các khoản đầu tư ở nước ngoài từ ngày 1-1-2024. Điều này khiến các nhà đầu tư Thái Lan, nếu đã đầu tư chứng khoán Việt Nam và có lãi, sẽ chốt lãi trước khi năm 2023 kết thúc để tránh thuế thu nhập và có thể trở lại đầu tư sau vào năm 2024.
Thứ ba, có một số vấn đề riêng của Việt Nam trong năm 2023. Chẳng hạn, kinh tế chưa hồi phục mạnh và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chưa được như kỳ vọng.
“Kết quả kinh doanh quí 4-2023 sẽ tốt hơn, nhưng khó có thể kỳ vọng có tăng trưởng trong cả năm 2023. Các doanh nghiệp mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất đều có những vấn đề về tình hình kinh doanh trong ngắn hạn”, bà Thu phân tích.
Cũng theo bà Thu, điểm tích cực trong giải đoạn này là vào những thời điểm TTCK Việt Nam giảm mạnh và định giá trở nên rẻ, như vào giai đoạn tháng 11-2022 đến tháng 3-2023, hay vào cuối tháng 10-2023, khối ngoại vẫn có những giai đoạn mua ròng trên thị trường để tích lũy cổ phiếu với định giá hấp dẫn.
Bên cạnh những yếu tố trên, tại một hội thảo đầu tư diễn ra giữa tháng 12, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), cho rằng một số quỹ đầu tư đã mắc sai lầm trong giai đoạn trước đây, nên phải đề cao quản trị rủi ro.
“Bản chất là quỹ đầu tư đang thích nghi dần với thị trường, quan tâm nhiều hơn đến những biến động ngắn hạn. Họ bắt đầu ứng dụng các mô hình định lượng, công nghệ trong việc chọn lọc cổ phiếu. Từ đó, quỹ đầu tư càng ngày càng có tần suất giao dịch dày hơn”, ông Minh nói và cho biết một quỹ đầu tư lớn đã tuyển dụng bộ phận chuyên trading để chuẩn bị cho tương lai.
Năm 2024 sẽ ra sao?
Dự báo xu hướng hoạt động của khối ngoại năm 2024, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng với các yếu tố, gồm: kinh tế Mỹ năm tăng trưởng chậm lại dưới mức tiềm năng; nhưng không diễn ra suy thoái hay dự phóng hạ cánh mềm; chính sách tiền tệ nới lỏng, góp phần định hướng dòng tiền vào thị trường chứng khoán; NHNN có thể gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng tiền đô la Mỹ; xuất khẩu thặng dư; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng… có thể tác động tích cực hơn, tạo lan hoả sâu rộng hơn động thái bơm tiền.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, kỳ vọng hoạt động tái cơ cấu danh mục của khối ngoại thời gian qua có thể tạo dư địa cho kỳ vọng về trung hạn, khi dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam nhờ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch dòng vốn sang thị trường đang phát triển trong bối cảnh xu hướng cắt giảm lãi suất rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, tỷ trọng phân bổ tài sản vào các quỹ cổ phiếu đang ở mức tương đương với trung bình 5 năm (khoảng 55% -PV), cho thấy dòng tiền vào cổ phiếu vẫn có khả năng bứt phá, đặc biệt từ việc tái cơ cấu từ các quỹ tiền tệ trong trường hợp xu hướng cắt giảm lãi suất từ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Khi đó, thị trường mới nổi (và cả Việt Nam) chắc chắn sẽ được hưởng lợi phần nào.
Bên cạnh hai yếu tố trên, bà Phương cho rằng điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đến từ môi trường vĩ mô ổn định (tỷ giá và lạm phát được kiểm soát - ƠV), chính sách tiền tệ thuận lợi (mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp trong lịch sử - ƠV), tiêu dùng trong nước vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển khi cơ cấu dân số vẫn trong giai đoạn vàng và dòng vốn FDI tích cực nhờ xu hướng chuyển dịch và lợi thế từ chính sách Trung Quốc +1.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đặt niềm tin vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trên TTCK, các nhà đầu đều thể hiện sự quan tâm lớn đến triển vọng của TTCK Việt Nam trong những năm tới tại những cuộc tiếp xúc giữa VinaCapital và các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam vẫn luôn thuộc nhóm các nước có nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc +1 và khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2 - 3 năm tới”, bà Thu lý giải
Để có thể thu hút dòng vốn quỹ ngoại một cách dài hạn hơn, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để có thể kích hoạt một lượng vốn Quỹ ETF và chủ động, thị trường chứng khoán nên phát triển một cách sâu rộng hơn ở một số yếu tố, gồm: đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn nhằm đa dạng hóa các ngành nghề niêm yết và từ đó các doanh nghiệp cũng sẽ giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng; tăng tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức (bao gồm cả quỹ hưu trí) để giúp thị trường ổn định hơn.