Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường F&B vào kỳ thanh lọc, doanh nghiệp nhỏ tìm cửa ngách để tồn tại

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của người tiêu dùng cho dịch vụ ăn uống, khiến thị trường dần trở nên ảm đạm. Ngoài việc tìm cách thích ứng với sự thay đổi của thị trường, các nhà kinh doanh ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) quy mô nhỏ và vừa còn chịu áp lực cạnh tranh với hệ thống chuỗi của các “ông lớn”. Ngành hàng dịch vụ ăn uống được đánh giá đang bước vào thời kỳ thanh lọc mạnh mẽ.

Thêm thách thức, tăng cơ hội

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng, quán cà phê. Số lượng nhà hàng dịch vụ F&B tại Việt Nam có xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng khoảng 2%. Tuy nhiên thực tế vẫn tồn tại sự ra đi lặng lẽ của nhiều thương hiệu tại mặt bằng đắt giá, phải kể đến Mellower Coffee đã tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn hoạt động tại Việt Nam chỉ sau bốn năm có mặt trên thị trường hay PhinDeli và Saigon Casa, từng thuộc Tập đoàn Novaland.

Chi phí nguyên vật liệu và vận hành tăng cao đã khiến doanh nghiệp F&B cắt giảm lợi nhuận, giảm nhân sự để cân đối giá cả sản phẩm. Trong khi đó tình trạng người lao động mất việc làm, doanh nghiệp sản xuất bị giảm đơn hàng, dự án, cũng ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu cho hàng quán, dịch vụ thêm bên ngoài của khách hàng.

Theo anh Andy Nguyễn, chuyên gia tư vấn kinh doanh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B, đây là thời điểm diễn ra sự thanh lọc trên toàn thị trường. Nhiều doanh nghiệp F&B quy mô nhỏ lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn và rời bỏ sân chơi do thua lỗ kéo dài.

Các chuỗi lớn, thương hiệu quốc tế với nguồn tài chính mạnh mẽ có khả năng mở rộng nhanh chóng sẽ giúp họ cạnh tranh để giành thị trường. Có thể thấy các thương hiệu lớn tiếp tục phủ sóng để tăng cường thị phần. Điều này bao gồm mua lại hoặc hợp nhất với các chuỗi nhỏ hơn, mở thêm chi nhánh để có mặt ở nhiều vị trí, tập trung mô hình nhượng quyền phát triển mạng lưới.

Đa dạng mô hình kinh doanh thức uống tại TPHCM. Ảnh: NVCC

Như ở mảng kinh doanh quán cà phê, các thương hiệu lớn như Golden Gate, Highlands Coffee, The Coffee House vẫn trên đà nhân chuỗi, tuy nhiên cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Katinat.

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 của iPOS.vn, đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp quản lý cho các nhà hàng, cà phê, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao gần 610 nghìn tỉ đồng, dự báo tăng trưởng 18% trong năm 2023 đạt khoảng 720 nghìn tỉ đồng và đạt giá trị gần 1 triệu tỉ đồng vào năm 2026.

Dù phải đối mặt với đối thủ lớn, nhiều chuỗi nhỏ có thể tập trung tạo ra giá trị độc đáo để cạnh tranh trong phân khúc hẹp hoặc có lợi thế riêng từ việc tìm kiếm thị trường ngách. Hay những thương hiệu, doanh nghiệp F&B mới có thể tìm kiếm mô hình phù hợp để sáng cửa kinh doanh trong thời điểm này.

Một khảo sát khác của trang Reputa chỉ ra trong tháng 10-2023, trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh sách các loại đồ uống nhận nhiều lượt thảo luận nhất trên mạng xã hội, chiếm 36,66% thảo luận của người dùng. Song song đó, tại danh sách các loại món ăn được thảo luận nhiều nhất là mì, miến ghi nhận đứng vị trí đầu, chiếm 17,35% trên tổng thảo luận.

Tìm “cửa sáng” trên thương trường

Miếng bánh thị trường F&B đang chia nhỏ thị phần cho nhiều loại hình kinh doanh khác nhau. Chuyên gia dẫn ra một số mô hình phổ biến có thể thấy như nhượng quyền; nhà hàng quán ăn độc lập; hình thức tự phục vụ; dịch vụ giao thức ăn và đồ uống; chuỗi thức ăn nhanh; bán mang đi… Trong đó, mô hình tự phục vụ và bán mang đi có thể phù hợp trong thời điểm này vì vận hành tinh gọn, giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí mặt bằng, nhân sự bán hàng cũng như tăng trải nghiệm cho khách đến qua các chương trình, dịch vụ, chiến lược riêng.

Nhà hàng mới tập trung vào chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Ảnh: DNCC

Qua báo cáo ngành F&B tại Việt Nam của Kirin Capital, xét riêng dịch vụ nhà hàng, cà phê tại Việt Nam năm 2022, ba tỉnh thành có sự phát triển kinh tế bậc nhất tại ba khu vực tương ứng Bắc - Trung - Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, vẫn chiếm ưu thế khi sở hữu số lượng nhà hàng hàng nhiều nhất có tỉ trọng lần lượt là 14,48%, 4,80% và 39,78%.

Đại diện nhà hàng ẩm thực Hàn Quốc ở quận 1 cho biết từ đầu năm đến nay, chủ đã cắt giảm hai mặt bằng ở quận Tân Bình và quận Gò Vấp vì giá thuê nhà liên tục đẩy lên cao cộng với mặt hàng nguyên vật liệu tăng lên khoảng 10-20% từ khâu vận chuyển. “Chúng tôi đành phải đóng bớt để duy trì cửa hàng đang hoạt động hiệu quả ở quận 1. Vài lần đổi thực đơn, nâng giá bán, nhà hàng cũng mất đi không ít khách, song khi thêm các chiến lược riêng, việc thu hút thêm khách vãng lai cũng tăng nhẹ 15-20%”, vị này nói thêm.

Cụ thể, nhà hàng đã mở thêm khung giờ hoạt động vào buổi sáng, thêm thực đơn cho nhân viên văn phòng, khách bình dân trải nghiệm vào buổi trưa và bán các món nước kèm để tận dụng tối đa công suất mặt bằng.

Anh Liam Nhật Hoàng, chủ nhà hàng lẩu Paosan ở trung tâm TP Biên Hòa ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu từng tháng, chỉ sau nửa năm vào thị trường khoảng 5-10%. Khi gia nhập vào con đường ẩm thực tại đây, anh chia sẻ mình khảo sát thấy có rất nhiều phân khúc giá thành, thương hiệu lẩu cùng tập trung sầm uất.

Nhu cầu tiêu dùng trong lĩnh vực F&B vẫn diễn ra mạnh mẽ tại nhiều thị trường khác nhau. Ảnh: DNCC

Tuy vậy, để tạo sân chơi riêng, anh hướng đến xây dựng thương hiệu lẩu Việt cho tệp khách hàng tầm trung, cao cấp với đầu tư không gian, chỗ ngồi, thực đơn món ăn, nhân viên phục vụ, chăm sóc khách hàng…

“Tôi chọn điểm đến Biên Hòa để gầy dựng tên tuổi mới và chấp nhận áp lực buôn có bạn, bán có phường trên một con đường toàn bán lẩu. Khi xác định đúng khách hàng mục tiêu, lấy chất lượng sản phẩm làm trọng tâm, làm việc có kế hoạch cụ thể và quản lý dòng tiền tốt, thị trường F&B luôn có cơ hội cho người mới hay cũ”, đại diện nhà hàng bộc bạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới