Thị trường hay định hướng?
Hải Lý
Tập đoàn Điện lực vẫn chưa thoái hết vốn tại Ngân hàng An Bình. Ảnh: UYÊN VIỄN |
(TBKTSG) - Từ ba năm nay, khối tư nhân, các công ty cổ phần đã cắn răng chịu đau, bán lỗ không ít tài sản để trả nợ ngân hàng, để có vốn lưu động kinh doanh. Vì sao các doanh nghiệp nhà nước lại đứng ngoài cuộc thanh lọc đó trong khi điều kiện, môi trường kinh doanh như nhau?
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong hội nghị về phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần... diễn ra mới đây tại Hà Nội, đã tường trình nỗi “bất an” là người cuối cùng mua lại những khoản thoái vốn mà các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các ngân hàng sau khi họ không còn tìm được người mua khả dĩ nào nữa. SCIC đã không ngần ngại nói thẳng những khoản không bán được tức là chất lượng thấp, vậy làm sao đảm bảo hiệu quả kinh doanh?
Có lẽ SCIC đã lo lắng không thừa. Cho dù bắt buộc phải tiếp nhận những khoản thoái vốn đã được trích lập dự phòng rủi ro, nhưng trên thực tế hầu hết các khoản đầu tư ngoài ngành cho đến nay đều chưa trích lập dự phòng. Bây giờ phải trích, lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm. Hơn nữa trích lập mức nào đây? 10, 20, 30 hay 40% giá vốn? Không có bất cứ định mức nào để so sánh. Thị trường OTC lâu nay đóng băng, người mua người bán thưa thớt. Bên thoái vốn sẽ không dại gì áp dụng trích lập dự phòng cao, còn trích lập thấp SCIC sẽ nhận về thiệt thòi.
Quyết định 51 đã cho phép thoái vốn dưới mệnh giá. Nhìn lại suốt những năm qua, chưa có trường hợp thoái vốn dưới mệnh giá nào. Giá thoái vốn bình quân của tất cả các doanh nghiệp ở SCIC (đã thực hiện) là hai chấm. SCIC thậm chí còn phải tuân thủ nguyên tắc không thoái vốn dưới giá trị sổ sách. Do đó, SCIC đến giờ vẫn phải “cáng đáng” vô số công ty làm ăn làng nhàng vốn 10-15 tỉ đồng. Nếu là dân doanh, chắc những công ty ấy đã được chủ đầu tư cắt lỗ từ lâu, lấy tiền (còn đồng nào hay đồng ấy) làm việc khác. Thậm chí tiền bán được mang gửi tiết kiệm, có khi còn hiệu quả hơn để công ty thua lỗ dây dưa đến hiện tại.
Từ thoái vốn, đến cổ phần hóa, đến cải cách khối quốc doanh tính định hướng, chứ không phải thị trường, vẫn đang là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả quá trình. Sợi chỉ đỏ hạt nhân ấy tồn tại vì nó liên quan trực tiếp đến tài sản nhà nước thuộc sở hữu toàn dân. |
Từ thoái vốn, đến cổ phần hóa, đến cải cách khối quốc doanh tính định hướng, chứ không phải thị trường, vẫn đang là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả quá trình. Sợi chỉ đỏ hạt nhân ấy tồn tại vì nó liên quan trực tiếp đến tài sản nhà nước thuộc sở hữu toàn dân. Tư duy sợ tổn thất, mất mát tiếp tục ngự trị bên trong cái áo thị trường, nơi mà cung cầu là yếu tố quyết định. Chỉ khoác lên một cái áo thị trường thì không thể giải quyết hết được những mắc mớ của nội dung định hướng bên trong!
Tư duy định hướng chỉ dừng ở từ “bán”, nên về mặt logic, người ta sẽ làm sao để bán được giá cao nhất có thể bất chấp thời gian mang món hàng ra bày, có khi không bán được, gói đem về, “ủ” một hạn định, lại mang ra bán tiếp. Bán được rồi, tiền nộp vào ngân sách, coi như xong. Trong khi tư duy thị trường bắt người ta phải đau đớn cắt lỗ và tính toán đầu tư lại, làm gì để kiếm lại khoản tiền đã mất. Một đồng cắt lỗ dùng để khởi nghiệp một cơ sở sản xuất mới, sẽ có cơ hội tìm lại lợi nhuận cao hơn cứ chờ bán bằng được giá vốn, rồi nộp ngân sách, chi tiêu mất luôn.
Từ ba năm nay, khối tư nhân, các công ty cổ phần đã cắn răng chịu đau, bán lỗ không ít tài sản để trả nợ ngân hàng, để có vốn lưu động kinh doanh. Hàng loạt công ty niêm yết chấp nhận phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, có khi chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu, để có tiền bắt đầu lại. Cổ phiếu dưới mệnh giá vẫn đầy trên sàn, cuộc thanh lọc những công ty yếu kém ra khỏi cuộc chơi vẫn đang tiếp diễn. Vì sao các doanh nghiệp nhà nước lại đứng ngoài cuộc thanh lọc đó trong khi điều kiện, môi trường kinh doanh như nhau?
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thống kê cả năm 2013 và chín tháng đầu năm 2014 các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 4.453 tỉ đồng trên hơn 21.000 tỉ đồng cần thoái. Cứ với đà này, phải mất 3-5 năm nữa may ra thoái vốn mới hết. Trong số vốn còn lại cần thoái, chủ yếu đầu tư vào ngân hàng - khu vực nhạy cảm và không dễ tìm người mua.
Dưới góc độ đầu tư, ngân hàng đang là điểm trì trệ nhất thu hút dòng tiền. Từ quí 3 năm ngoái thị trường chứng khoán đã khởi động hành trình phục hồi. Cổ phiếu tất cả các lĩnh vực đều xoay vần tăng điểm, nhóm mạnh tăng nhiều, nhóm yếu tăng ít, nhưng tóm lại là tăng. Riêng cổ phiếu ngân hàng vẫn giậm chân tại chỗ và đi xuống. Trên cái nền không mấy yên ấm này, thoái vốn đầu tư ngoài ngành khỏi ngân hàng sẽ ra sao?
Một tổ chức nước ngoài đã khảo sát nhiều ngân hàng cổ phần Việt Nam, phân tích rằng khối ngoại không muốn giải ngân vào ngân hàng vì họ không nắm được quyền kiểm soát. Kế đó là định giá ngân hàng quá cao so với khối nợ xấu phải xử lý và so với hiệu quả đầu tư vào những ngành nghề khác, trong khi rủi ro của sự thay đổi chính sách quản lý ngân hàng luôn hiện diện. Tổ chức trên cho biết họ sẵn sàng chuyển nhượng khoản đầu tư ngân hàng trong danh mục để tái cơ cấu sang những cổ phiếu hiệu quả khác.
Thế nghĩa là gì? Là không chỉ các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn, nhiều tổ chức nội cũng như ngoại, cũng đang đợi để thoái vốn khỏi ngân hàng. Trong cuộc cạnh tranh rút chân khỏi ngân hàng này, các tập đoàn, tổng công ty có nhanh hơn khi mà các tổ chức thường quyết định mau lẹ, có khả năng cắt lỗ dứt khoát (chưa kể họ đã thường xuyên trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản đầu tư ngân hàng)? Thoái vốn dưới mệnh giá là điều kiện cần, nó phải đi kèm điều kiện đủ nữa. Đó là sự thay đổi toàn diện từ tư duy định hướng sang thị trường, từ định mức bán sang định mức bán và làm lại!
Mời đọc thêm