(KTSG Online) - Phản ứng của các thị trường trước các căng thẳng toàn cầu dường như không còn đi theo kịch bản cũ. Thậm chí, giá đô la Mỹ vốn thường tăng vọt vào những thời điểm khủng hoảng địa chính trị nay lại chỉ tăng nhẹ sau khi Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ của Israel.
- Tác động kinh tế khi căng thẳng Israel – Iran leo thang
- Xung đột địa chính trị là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu
Chỉ sau một đêm, cuộc xung đột ở Trung Đông chuyển từ trạng thái xấu sang tồi tệ hơn một cách rõ ràng. Hôm 1-10, Iran bắn gần 200 tên lửa đạn đạo về phía Israel. Hành động này nhằm trả thù cho cái chết của Hassan Nasrallah, thủ lĩnh tổ chức Hezbollah ở Liban và chuẩn tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Abbas Nilforoushan. Hai người này thiệt mạng trong vụ không kích của Irsael nhằm vào thủ đô Beirut của Liban hôm 27-9.
Đó chính xác là kiểu leo thang căng thẳng mà trong nhiều tháng qua, giới đầu tư lo ngại sẽ xảy ra. Tuy nhiên, các thị trường tài chính chỉ phản ứng ở mức độ vừa phải và không có tâm lý hoảng loạn nào xuất hiện.
Chứng khoán ở châu Âu và châu Á giảm nhẹ một chút vào buổi sáng sau vụ tấn công. Giá dầu thô tăng nhưng chỉ đủ để đưa giá dầu Brent lên 75 đô la Mỹ/thùng, mức cao nhất trong khoảng một tuần. Giá vàng, vốn đã ở mức cao sau khi tăng gần 30% trong năm nay, không tiến lên đỉnh cao mới.
Với đồng đô la Mỹ, thường là một trong những đồng tiền được nhà đầu tư đặt cược lớn trong những thời khắc xung đột địa chính trị lên cao điểm thì nay chỉ tăng giá không đáng kể. Trong tuần này, giá đô la tăng thêm khoảng 1% so với cả đồng euro và một rổ ngoại tệ quan trọng.
“Có một chút lo sợ khi bạn thấy sự can dự trực tiếp của Iran vào cuộc xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, phản ứng thị trường cũng giống như như lần phóng tên lửa của Iran vào Israel hồi tháng 4 (để trả đũa vụ Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích mà Iran cho Israel là thủ phạm)”, Björn Jesch, giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản DWS ( Đức) nói.
Dù vậy, các diễn biến tiếp theo ở Trung Đông vẫn rất khó lường sau khi Isarel tuyên bố sẽ đáp trả hành động tập kích tên lửa của Iran. Rất ít nhà quản lý tài sản có thể tuyên bố có đủ hiểu biết sâu sắc về diễn biến đó để điều chỉnh danh mục đầu tư.
Phản ứng vừa phải của thị trường có thể là khoảnh khắc của sự tự mãn khác thường hoặc sự bình tĩnh hợp lý. Tuy nhiên, theo quan điểm của Jesch, đây không phải là thời kỳ rõ ràng để bán tháo các tài sản rủi ro.
Cây bút bình luận thị trường Katie Martin của Financial Times cho rằng, diễn biến hiện tại của thị trường phản ánh sức mạnh hỗ trợ của chính sách tiền tệ đang nới lỏng của Mỹ cũng như phần nào cho thấy về cách nhà đầu tư phản ứng trước tin xấu đang thay đổi.
Hai tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất 50 cơ bản, cao hơn mức 25 điểm thông thường. Quyết định này tạo ra tác động tích cực lên các tài sản rủi ro toàn cầu.
Giới đầu tư có thể vẫn hơi lạc quan về số lần cắt giảm lãi suất của Mỹ trong những tháng còn lại của năm nay. Nhưng cảm nhận chung của những người tham gia thị trường là không có tin tức nào liên quan đến Israel trong những ngày gần đây đủ xấu, xét về mặt kinh tế vĩ mô, để dập tắt hoàn yoàn sự lạc quan này. Loạt biện pháp lực kích kinh tế của Trung Quốc vào tuần trước cũng đang giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Ngoài ra, Katie Martin lưu ý thêm, có vẻ như các cú sốc thị trường không hoàn toàn giống như trước đây, đặc biệt là liên quan đến đồng đô la Mỹ, vốn thường tăng giá mạnh hơn trong những sự kiện mang tính khủng hoảng. Trong lịch sử, các sự kiện như chiến tranh, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, các cú sốc tài chính thúc đẩy đồng đô la cao tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, ở hiện tại, các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương nhằm điều tiết dòng chảy đô la toàn cầu trong những thời điểm khó khăn đã giúp giảm bớt tác động của các cú sốc. Hơn nữa, việc lãi suất của Mỹ cao hơn hầu hết các nước phát triển trong khoảng hai năm qua đã thu hút các quỹ toàn cầu và khuyến khích các công ty trên khắp thế giới nắm giữ doanh thu bằng đô la ở quy mô lớn bất thường. Điều này làm thay đổi cách thị trường đồng đô la phản ứng với nỗi sợ hãi và lòng tham. Chẳng hạn, trong đợt bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu gần đây, giá đô la giảm chứ không tăng.
Nỗi sợ hãi thường là nguyên nhân khiến nhà đầu tư và những người tham gia thị trường khác tìm cách tích trữ đô la. Tâm lý đó khó có thể biến mất sớm. Thế nhưng, lượng đô la mà nhà đầu tư tích lũy kể từ thời kỳ đại dịch Covid-19 có nhiều năng bị bán ra hơn là bổ sung thêm trong các cú sốc hiện nay.
Trong bối cảnh căng thẳng thị trường, liên quan đến xung đột Israel và Iran như hiện tại, mức tăng khiêm tốn của đồng bạc xanh nhìn chung phù hợp với biến động giá của các loại tài sản khác.
“Tuy nhiên, nếu tình hình Trung Đông trở nên tồi tệ hơn thì cũng đừng nghĩ rằng sự chuyển động về giá của đồng đô la nhất thiết sẽ tuân theo kịch bản cũ”, cây bút thị trường Katie Martin bình luận.
Theo Financial Times