Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường không kỳ vọng nhiều vào việc giảm lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường không kỳ vọng nhiều vào việc giảm lãi suất

Hồng Phúc

(TBKTSG Online) – Thị trường tiền tệ cơ bản không thay đổi nhiều sau việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên trong năm 2013 có quyết định giảm các mức lãi suất cơ bản sau 6 lần hạ lãi suất trong năm 2012.

Thị trường không kỳ vọng nhiều vào việc giảm lãi suất
Mặc dù NHNN đã 6 lần hạ mặt bằng lãi suất điều hành trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 cũng như tính đến hết tháng 2-2013 vẫn chưa có sự cải thiện như mong đợi. Ảnh: TL.

>>> Từ 26-3: Lãi suất huy động còn 7,5%

Hỗ trợ tâm lý

Trong báo cáo phân tích thị trường phát đi ngày 26-3, các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định rằng việc NHNN cắt giảm lãi suất chính sách 100 điểm từ ngày 26-3 để thúc đẩy tiêu dùng nội địa mang tính hỗ trợ tâm lý và "hiệu ứng thực tế có thể chỉ rất nhỏ”.

Báo cáo viết: “Tăng trưởng chậm lại phản ánh ưu tiên của Chính phủ đối với tăng trưởng bền vững cũng như quá trình giảm nợ vay của khu vực tư nhân – một thực tế sẽ mất vài năm để khôi phục. Vì áp lực lạm phát đang trên đà tăng trên cơ sở nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục mặc dù còn chậm, chúng tôi không kỳ vọng thêm đợt cắt giảm lãi suất nào trong quí 2”.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một lãnh đạo ngân hàng thương mại khác cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và không chịu nhiều tác động từ việc hạ lãi suất do huy động vốn vẫn được đánh giá là kênh hút vốn tốt nhất trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông nói: “Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức rất thấp do vậy sẽ không chịu nhiều tác động từ việc hạ lãi suất. Lãi suất các kỳ hạn trên 3 tháng sẽ tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ”.

Trên thị trường từ chiều 26 và ngày 27-3, nhiều tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất huy động được điều chỉnh giảm 50- 100 điểm, về tối đa 7,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 năm và từ 9- 11,5%/năm đối với các kỳ hạn dài hơn. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm 1- 2 điểm phần trăm/năm, về phổ biến quanh 10- 14%/năm đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường. Điều này trước đó đã được thực hiện bởi một số ngân hàng có thị phần lớn.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất nhích nhẹ. Các giao dịch ngắn hạn trên liên ngân hàng ngày 26 và 27 tháng 3 được cộng thêm khoảng 50 điểm lãi suất so với phiên trước, xoay quanh 4- 4,5%/năm kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần. Lãi suất 4,5%/năm kỳ hạn 2 tuần, 5- 5,5%/năm kỳ hạn 1 tháng.

Việc tăng nhẹ của lãi suất tiền đồng trên liên ngân hàng được lý giải bởi việc một số tổ chức tín dụng giảm mạnh lãi suất huy động vốn trên thị trường I (thị trường huy động vốn-cho vay dân cư và tổ chức kinh tế) đã tạo tâm lý lo ngại về khoảng cách tăng trưởng huy động vốn-tín dụng có thể bị thu hẹp. Tức tâm lý lo ngại huy động vốn chậm lại khiến các ngân hàng đẩy mạnh thêm một chút dự phòng cho thanh khoản tiền đồng, dè dặt hơn trong việc cung nguồn trên liên ngân hàng.

Thị trường ngoại hối cũng không chịu nhiều tác động. Mặc dù trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm được điều chỉnh giảm 50 điểm, chênh lệch lãi suất huy động tiền đồng và đô la Mỹ vẫn duy trì mức cao 5,5-7%/năm.

“Chúng tôi đánh giá mức chênh lệch lãi suất này khi so với mức mất giá dự kiến của tiền đồng khoảng 1- 3% trong năm 2013 vẫn đủ hấp dẫn để duy trì xu hướng chuyển đổi đô la Mỹ sang tiền đồng được kéo dài từ cuối năm 2011 đến nay. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tuy tăng mạnh 150- 160 điểm nhưng vẫn duy trì giao dịch trong trần cho phép của NHNN, đồng thời từ đầu tháng 3 đã dần hạ nhiệt và chủ yếu đi ngang trong biên độ 20.940- 20.950 đồng/đô la Mỹ", giám đốc ban nguồn vốn một ngân hàng chia sẻ.

"Theo đó, thị trường ngoại hối được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi khi NHNN hạ lãi suất điều hành, và sẽ duy trì sự ổn định trong thời gian tới. Tỷ giá cuối quí 2 vào khoảng 21.000-21.100 đồng/đô la Mỹ, cuối năm 2013 vào khoảng 21.300- 21.500 đồng/đô la Mỹ”, vị giám đốc này cho biết.

Còn theo HSBC, việc cắt giảm lãi suất mới nhất cũng bao hàm rủi ro tiền đồng có thể tăng giá dù là khá nhẹ.  Vào thời điểm này tiền đồng sẽ không tiếp tục giảm giá nhưng nếu lãi suất tiếp tục bị cắt giảm, những lo ngại về tính ổn định của đồng tiền sẽ khiến tiền đồng chịu nhiều áp lực hơn.

Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn

Riêng trên thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm điểm tiếp theo xu thế tuột dốc đã diễn ra trong hơn 2 tuần qua. Biên độ giảm lãi suất trúng thầu trái phiếu sơ cấp khoảng 100-200 điểm/tuần. Lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng giảm và các ngân hàng dự báo đường cong lợi suất dự kiến tiếp tục dịch chuyển xuống dưới khoảng 15- 30 điểm, về quanh 7,5/năm kỳ hạn 2 năm, 7,8- 8%/năm cho kỳ hạn 3 năm và 8,5- 8,6%/năm đối với kỳ hạn 5 năm.

“Chúng tôi cho rằng lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục giảm, về dưới 7,5%/năm đối với kỳ hạn 2 năm trong quí 2. Lý do bởi lạm phát giảm trong tháng 3 và được dự báo duy trì ở mức hợp lý trong các tháng tới. Lãi suất đi vay trên thị trưởng mở (OMO) sẽ về còn 6%/năm được các ngân hàng coi là cơ hội lợi nhuận tốt cho các ngân hàng khi đầu tư trái phiếu, đặc biệt là các trái phiếu kỳ hạn ngắn khi mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất OMO được nới rộng. Lượng đáo hạn trái phiếu trong quí 2 ở mức lớn nhất trong năm với khoảng 51.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn. Nguồn cung tiếp tục ổn định ở mức tốt”, theo nhận định của một chuyên viên phân tích vĩ mô thuộc một ngân hàng thương mại tại TPHCM.

Dù việc cắt giảm 50- 100 điểm các mức lãi suất lần này thể hiện quyết tâm của Chính Phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và tạo áp lực buộc các ngân hàng tự cắt giảm lãi suất và đẩy mạnh hơn tín dụng ra nền kinh tế. Song, điều nhiều ý kiến trên thị trường băn khoăn nhất là tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm chưa cho thấy sự cải thiện đáng chú ý. Chỉ số hàng tồn kho tiếp tục tăng cao tới 20% so với cùng kỳ tại thời điểm đầu tháng 2, lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động lớn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ở mức lãi suất hợp lý trong tương quan với lợi suất sinh lời của đại đa số bộ phận doanh nghiệp. Mặc dù NHNN đã 6 lần hạ mặt bằng lãi suất điều hành trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 cũng như tính đến hết tháng 2-2013 vẫn chưa có sự cải thiện.

“Chúng tôi cho rằng cả công ty quản lý tài sản AMC và việc giảm lãi suất sẽ chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý nhưng không tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa”, theo báo cáo phân tích của HSBC. “Động thái này có thể đem lại một số hỗ trợ về mặt tâm lý, nhưng những biện pháp như vậy dường như mang hiệu quả rất ít khi cả khu vực công và tư nhân đều đang trong quá trình giảm nợ vay triệt để. Điều này cũng có thể sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong một vài năm tới”.

So sánh tốc độ tăng trưởng tín dụng 3 năm gần đây:

 

Tháng 1 (%)

Tháng 2 (%)

2011

0,43

2,71

2012

-0,79

-2,51

2013

-1,06

-0,28


(Nguồn: Nhóm Nghiên cứu tổng hợp, BIDV)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới