Thị trường kim loại biến động mạnh theo trào lưu năng lượng 'xanh'
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Được sử dụng trong nhiều bộ phận xe điện và các tấm panel mặt trời, đồng và bạc tăng giá kỷ lục cuối năm và được dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh mới trong các năm tới. Giá các loại kim loại khác như nhôm, nickel, cobalt và platinum cũng tăng tương tự khi toàn cầu chuyển dịch sang các loại xe thân thiện với môi trường và năng lượng mới.
Đồng được sử dụng trong sản xuất xe điện và tấm pin mặt trời. Giá đồng đạt đỉnh kỷ lục trong bảy năm vào tháng 12 này. Ảnh: AP |
Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường kim loại. Nhưng liệu các loại kim loại chủ yếu sử dụng trong các ngành công nghiệp xanh có đủ nguồn dự trữ và cung ứng dồi dào?
Trào lưu năng lượng “xanh”
Cuối tháng 10, Trung Quốc nói sẽ thực hiện theo từng giai đoạn để tiến dần đến mục tiêu xóa bỏ các loại xe truyền thống chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Đất nước khổng lồ tuyên bố: Trong năm 2035, toàn bộ các xe mới bán ra thị trường sẽ là các loại xe điện hay xe lai (hybrid) chạy bằng các nguồn năng lượng khác nhau.
Cuối năm 2019, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và dự trù sẽ hoàn tất việc thoái lui vào ngày 4-11 vừa rồi. Chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden trong bầu cử tổng thống tháng 11 cũng có thể khiến thị trường kim loại biến động giá. Các nhà phân tích nói Tổng thống đắc cử sẽ có thể quyết định quay lại với hiệp định Paris. Bởi trước kỳ bầu cử, ông Biden đã cam kết đầu tư 2.000 tỉ đô la cho nguồn năng lượng sạch.
Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết giảm lượng khí nhà kính xuống mức zero vào năm 2050. Hai nước đông dân khác ở châu Á là Indonesia và Ấn Độ cũng đặt mục tiêu phát triển các dòng xe máy và xe hơi chạy bằng điện.
Tăng giá theo triển vọng của công nghệ “xanh”
Giá các loại kim loại đã giảm sau thập niên tăng trưởng nhu cầu vượt bậc của Trung Quốc, từ giữa thập niên 2000 đến giữa thập niên 2010. Sau giai đoạn này, các nước đã không lên kế hoạch khai thác các mỏ kim loại mới. Các nhà buôn kim loại nói rằng khả năng thiếu nguồn cung làm khách hàng e ngại và yêu cầu các nhà buôn bảo đảm nguồn cung ứng.
Giám đốc tài chính Masaru Shiomi của hãng Sumitomo xem các nỗ lực thúc đẩy các loại xe thân thiện với môi trường của Trung Quốc là “kích nổ” khiến giá thị trường tăng vọt. “Nỗ lực này sẽ mở rộng thị trường xe điện. Giá trị của nickel sẽ không như trước mà sẽ gia tăng liên tục”, ông nói. Hiện tập đoàn Sumitomo đang điều hành một mỏ nickel ở Madagascar, châu Phi.
Được sử dụng rộng rãi trong các loại dây điện, đồng sẽ là thành tố không thể thiếu đối với các loại xe chạy bằng điện và các tấm pin mặt trời. Các loại xe điện có thể “tiêu thụ” đến 90 ký đồng mỗi xe, tăng gấp sáu lần so với mức 15 ký của xe chạy bằng khí thiên nhiên.
Nickel và cobalt được sử dụng trong các bình ắc quy xe hơi. Nhôm giúp trọng lượng xe nhẹ hơn, tăng hiệu quả nhiên liệu khi chạy đường trường. Còn platinum giống như chất xúc tác cho pin nhiên liệu, tạo môi trường phản ứng hóa học cho hydrogen và oxygen.
Lượng tiêu thụ nickel trong các loại pin xe hơi được dự báo sẽ đạt 1 triệu tấn vào năm 2030, tăng 10 lần so với con số của năm nay. Trong khi đó, lượng đồng tiêu thụ trong ngành xe hơi sẽ tăng lên 8,6 triệu tấn trong năm 2040, gấp đôi con số kể từ năm 2019 trở đi.
Tốc độ hồi phục kinh tế nhanh hơn dự định của Trung Quốc và hy vọng của thế giới về các loại vaccine ngừa Covid cũng là những yếu tố khiến giá cả kim loại tăng mạnh.
Trong tháng 11, giá đồng và nickel giao từ tháng 3-2021 tăng 40%. Đồng đạt giá 6.982 đô la/tấn, nickel tăng lên 15.892 đô la/tấn. Mức tăng vọt này phần lớn do chậm trễ nguồn cung bởi các nước phong tỏa để chống dịch Covid-19 – theo giải thích của nhà phân tích giá cả hàng hóa Tatsufuim Okoshi thuộc hãng Nomura Securities.
Giá đồng tăng nhanh theo các triển vọng này. Trong tháng này, giá đồng đạt đỉnh cao kỷ lục trong 7 năm khi đạt 7.984,50 đô la mỗi tấn trên thị trường kim loại London. “Trung Quốc đang thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm công nghiệp và nay tình trạng này lan đến các loại nguyên liệu”, Naohiro Niimura, đối tác của hãng tư vấn hàng hóa Market Risk Advisory, giải thích.
Một nhà buôn đồng nói tình trạng thiếu hụt đồng sẽ trở nên trầm trọng trong khoảng năm 2024. Một nhà buôn khác cho rằng tình trạng sẽ tương tự đối với nickel kể từ giữa thập niên 2020 trở đi. Và ngay cả khi một mỏ mới được đưa vào kế hoạch khai thác, phải mất đến 5-6 năm các mỏ này mới có thể sản xuất.
Sản xuất các tấm đồng dùng trong các pin lithium xe điện ở Đồng Lĩnh. Là khách hàng lớn nhất trên thị trường kim loại, Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng và định lại giá trên thị trường này. Ảnh: Reuters |
Khó khăn mới trong khai thác
Các e ngại về giới hạn nguồn cung không phải không căn cứ. Các công ty có liên quan tin rằng số lượng các mỏ mới sẽ khá giới hạn trong tương lai ngắn hạn mặc cho nhu cầu ngày càng gia tăng. “Ngành khai thác mỏ ngày càng gặp nhiều khó khăn”, CEO Takakazu Uchida của Mitsu & Co nhận định. Hãng này có nguồn mỏ sắt, than và đồng dồi dào.
Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm kim loại nguyên chất trong quặng sắt thô ngày càng ít đi. Ngoài ra, các mỏ có tiềm năng lại ở những địa điểm hẻo lánh, khó đưa thiết bị khai thác lớn vào. “Hơn 10 năm trước, quặng thô có chứa khoảng 2% kim loại nguyên chất. Giờ đây tỷ lệ này giảm một nửa xuống còn 1%”, một nhà buôn giấu tên nói với Nikkei Asia.
Các nhà khai thác cũng gặp sức ép lớn hơn ở các nước Đông Nam Á. Một dự án liên doanh khai thác nickel giữa Indonesia và Trung Quốc đã không thể hoạt động như kế hoạch sau khi người dân Indonesia phản đối dữ dội với việc bơm đất đá trong quá trình khai thác mỏ xuống đáy biển. |
Chủ nghĩa quốc gia đối với tài nguyên đang trở nên mạnh hơn ở nhiều nước cũng là trở ngại mới. Hồi tháng 1, Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng nickel để mở rộng ngành luyện kim nội địa. Nhận thức môi trường gia tăng, khiến các quy định khai thác mỏ được siết chặt hơn ở nhiều nước. Hệ quả là các chi phí môi trường đội lên nhiều so với kế hoạch ban đầu.
Cobalt cũng gặp những “nguy cơ quốc gia” như vậy bởi 70% nguồn cung toàn cầu tập trung vào Congo. Đây là loại kim loại mắc nhất với giá lên đến 35.300 đô la mỗi tấn vào giữa tháng 10 vừa rồi. Và thường các mỏ khai thác ở Congo lại gặp tiếng xấu trong việc khai thác lao động trẻ em.
“Các nhà sản xuất đã nỗ lực loại cobalt ra khỏi các loại pin trong vài năm gần đây. Nhưng khó thực hiện được bởi kim loại có vai trò quan trọng trong ổn định nguồn pin”, Gavin Montgomery, giám đốc nghiên cứu về nguyên liệu thô sản xuất pin của hãng Wood Mackenzie, giải thích. Ông nói giảm lượng kim loại này mà vẫn duy trì độ ổn định của pin là “một trong những thách thức to lớn” của ngành sản xuất xe điện trong tương lai.
Các yếu tố địa chính trị có thể đảo ngược xu thế
Các nhà quan sát vẫn đang trông chờ vào nội các trong tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden. “Câu hỏi quan trọng hiện giờ là các tiến triển chính trị sẽ như thế nào và các chính sách của chính quyền mới”, nhà nghiên cứu cấp cao Eleni Joannides của Wood Mackenzie nhận định. Bà cho rằng ông Biden sẽ dễ triển khai nghị trình về môi trường của ông mặc cho Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm đa số.
Là nước tiêu thụ kim loại chính yếu của thế giới, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sức ảnh hưởng hay khuynh loát trên thị trường. Hiện giá các loại kim loại chính yếu được định giá trên thị trường London. Từ hôm 19-11, thị trường năng lượng quốc tế Thượng Hải đã thực hiện các hợp đồng giao hàng trong tương lai bằng đồng nhân dân tệ, thay vì đô la Mỹ.
Ông Niimura nói rằng mọi việc còn tùy thuộc vào quyết tâm của chính quyền Trung Quốc trong thực hiện mục tiêu “xanh hóa” ngành công nghiệp xe hơi của nước này. “Chúng ta còn bình tĩnh phân tích rõ nhu cầu thật sự. Đó là khác biệt giữa lý tưởng và hiện thực. Mọi thay đổi trong xu hướng có thể gây hậu quả lớn cho ngành công nghiệp này”, nhà tư vấn nói.