(KTSG Online) - Số việc làm phi nông nghiệp ở Mỹ tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2020, cho thấy chính sách tăng lãi suất quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ nhiệt thị trường lao động.
- Fed chịu áp lực tăng lãi suất cao hơn dự kiến vì lạm phát còn ‘nóng’
- Lao động nhập cư ở Mỹ 'lên hương' khi nguồn cung nhân lực khan hiếm
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 7-4, cho thấy số việc làm phi nông nghiệp ở Mỹ tăng thêm 236.000 trong tháng 3. Con số này gần khớp ước tính của các nhà kinh tế là 238.000 và thấp hơn mức 326.000 trong tháng 2. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 3,5%, so với mức kỳ vọng 3,6%.
Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3% trong tháng trước, đẩy mức tăng trong 12 tháng lên 4,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 6-2021.
Lĩnh vực giải trí và khách sạn dẫn đầu với mức tăng 72.000 việc làm, thấp hơn tốc độ tăng 95.000 việc làm trung bình trong sáu tháng qua. Trong khi đó, việc làm trong khu vực công, dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, chăm sóc sức khỏe lần lượt tăng thêm 47.000, 39.000, 34.000. Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ giảm 15.000 việc làm.
Tổng số việc làm phi nông nghiệp tăng hàng tháng đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12-2020 trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
“Mọi thứ đang đi đúng hướng. Tôi chưa bao giờ thấy một báo cáo việc làm nào phù hợp với kỳ vọng như hiện nay trong hai năm qua”, Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của ZipRecruiter, nói.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ được công bố trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang suy yếu dần.
Trong các báo cáo riêng rẽ trong tuần này, các doanh nghiệp Mỹ cho biết số lượng nhân viên bị sa thải tăng mạnh trong tháng 3, tăng gần 400% so với một năm trước. Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng tăng cao và tốc độ tăng lương của khu vực tư nhân có vẻ chậm lại. Bộ Lao động cũng cho biết số lượng tuyển dụng trong tháng 2 giảm xuống dưới 10 triệu vào tháng 2, lần đầu tiên dưới ngưỡng này trong gần hai năm.
Tất cả điều đó diễn ra sau chiến dịch thắt chắt tiền tệ kéo dài một năm của Fed nhằm hạ nhiệt thị trường lao động ở mức thắt chặt cao trong lich sử. Fed đã tăng lãi suất thêm 4,75 điểm phần trăm, đánh dầu chu kỳ thắt chặt nhanh nhất kể từ đầu thập niên 1980 trong nỗ lực kiềm chế vòng xoáy lạm phát.
Cách đây một tháng, cú sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank ở Mỹ đã làm rung chuyển thế giới tài chính. Các nhà kinh tế cho rằng những vấn đề của ngành ngân hàng sẽ có tác động đến nền kinh tế trong những tháng tới.
“Dữ liệu việc làm tháng 3 thực sự chỉ xem xét thị trường lao động trước khi SVB sụp đổ. Cuộc khảo sát tiền lương được thực hiện một tuần sau khi ngân hàng này bị tiếp quản. Vẫn còn quá sớm để các nhà tuyển dụng phản ứng. Nhưng tác động từ các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn sẽ diễn ra”, Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics, viết trong một báo cáo..
Trong tuần này, một số quan chức Fed cho biết họ vẫn cam kết chống lạm phát và dự báo lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Các nhà đầu tư trên thị trường lãi suất tương lai đang kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm cuối cùng vào tháng 5 tới.
“Báo cáo việc làm lần này là tin tuyệt vời cho Fed. Các quan chức Fed sẽ không có bất kỳ lo lắng nào về thị trường lao động khi họ đưa ra quyết định về lãi suất trong cuộc họp tiếp theo”, Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của ZipRecruiter, nói.
Tuy nhiên, giới đầu tư lo lắng chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt của Fed ít nhất có thể dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ, điều mà thị trường trái phiếu đã báo hiệu từ giữa năm 2022.
Trong tính toán gần đây nhất, tính đến cuối tháng 3, ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York cho biết, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm cho thấy xác suất suy thoái của nền kinh tế Mỹ ở mức 58% trong 12 tháng tới.
Trong cuộc trao đổi với Bloomberg hôm 7-4, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận định khả năng Mỹ suy thoái đang tăng lên sau một loạt chỉ số kinh tế yếu kém. Chẳng hạn, chỉ số nhà quản trị mua hàng trong ngành sản xuất Mỹ trong tháng 3 yếu hơn dự kiến và ở mức thấp nhất kể từ tháng 3- 2020.
Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, ngân hàng đầu tư lớn nhất Mỹ, cảnh báo có những đám mây bão phía trước đối với nền kinh tế. Theo ông, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, cộng với lạm phát cao dai dẳng và cuộc chiến của Nga với Ukraine là những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ. Dimon lưu ý thêm cuộc khủng hoảng do cú sụp đổ gần đây của hai ngân hàng SVB và Signature Bank làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Theo CNBC, CNN