Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường lúa gạo lại sôi động do TQ tăng mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường lúa gạo lại sôi động do TQ tăng mua

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thị trường lúa gạo nội địa gần đây bất ngờ sôi động hẳn lên, giá tăng mạnh trở lại, và những người trong cuộc cho biết nguyên nhân là do thương nhân phía Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam.

Thị trường lúa gạo lại sôi động do TQ tăng mua
Tăng bán gạo sang Trung Quốc khiến giá lúa gạo thị trường nội địa cũng tăng mạnh. Trong ảnh là nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc (TPHCM), cho biết tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện được các doanh nghiệp xuất khẩu mua vào với giá 6.700-6.800 đồng/kg; giống thơm nhẹ OM 4900 từ 7.600-8.000 đồng/kg (tùy chất lượng), tăng 200-300 đồng/kg so với mức giá cách nay hơn một tuần.

Theo bà Yến, lúa tươi được thương lái mua tại ruộng của nông dân hiện cũng tăng 300-500 đồng/kg (tùy loại) so với mức giá cách nay hơn một tuần và hiện có giá 4.900-5.000 đồng/kg đối với giống Nàng Hoa và OM 4900; khoảng 4.600-4.650 đồng/kg đối với giống IR 50404.

“Giá lúa gạo tăng trở lại và thị trường tiêu thụ hiện rất là sôi động chứ không ảm đạm như trước đó đâu, nhất là với giống IR 50404”, bà Yến nói.

Trong khi đó, ông Từ Bảo Duy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hứa Ngọc Lợi (Sóc Trăng), cho biết tại Sóc Trăng, các đầu mối cung cấp cho doanh nghiệp ông “kêu” lúa IR 50404 có giá đến 4.900 đồng/kg và OM 5451 là 5.200 đồng/kg (lúa tươi), tức cao hơn mức giá được thương lái mua tại ruộng của nông dân ở khu vực Tiền Giang, Long An đến khoảng 300 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo nội địa tăng mạnh, một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh gạo cho biết do nhu cầu mua gạo đưa ra phía Bắc tiêu thụ tăng mạnh.

“Mấy ngày nay, như ở công ty Cẩm Nguyên (Long An) nè, họ làm ngày làm đêm luôn, mỗi ngày đóng hơn 20 container để chuyển ra ngoài đó (ý nói đưa ra phía Bắc bán sang Trung Quốc) hay chỗ Công ty Việt Thanh và Tân Đồng Tiến (Long An) cũng đóng container bán rất nhiều”, bà Yến thông tin thêm.

Trao đổi qua điện thoại với TBKTSG Online, ông Nguyễn Công Khanh, một thương lái kinh doanh gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc ngụ tại Hải Phòng, xác nhận thời gian gần đây, hoạt động bán gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc đã sôi động hơn và hiện cũng là khoảng thời gian bán mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay, “nhưng chưa nhiều lắm đâu vì họ vẫn cấm biên dữ lắm, họ “siết” để thu thuế mà, cho nên bán gạo tiểu ngạch cũng rủi ro lắm”, ông Khanh cho biết.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu chính ngạch hiện được doanh nghiệp trong nước chào bán cũng đang trong xu hướng tăng so với trước đó, chẳng hạn, gạo 5% tấm hiện được chào bán với giá 370-380 đô la Mỹ/tấn, tăng 10 đô la Mỹ/tấn so với mức giá cách nay khoảng một tuần; gạo 25% cũng tăng 10 đô la Mỹ/tấn lên mức giá 350-360 đô la Mỹ/tấn và gạo thơm Jasmines hiện có giá 445-455 đô la Mỹ/tấn, tăng 5 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi tuần rồi.

Lượng tăng, giá giảm mạnh

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến ngày 18-2-2016, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này xuất khẩu được gần 590.000 tấn gạo, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo giai đoạn này lại giảm mạnh, bình quân giá FOB chỉ đạt hơn 400 đô la Mỹ/tấn, giảm hơn 50 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới