Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường ngách nhìn từ trào lưu đổi quần áo cũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường ngách nhìn từ trào lưu đổi quần áo cũ

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Mỗi dịp Tết Nguyên đán, Sue-Ann Chng thường bận 15 bộ quần áo khác nhau để tạo cảm giác khởi đầu may mắn cho năm mới. Nhưng Tết 2021 này, cô diện những món second hand mà cô dùng những món quần áo cũ đổi lấy ở một tiệm chuyên dành cho những người muốn làm giảm ảnh hưởng của thời trang nhanh (fast fashion) đối với môi trường. Một trào lưu trao đổi và cho thuê mới đang dần hình thành và thay đổi hành vi người tiêu dùng ở Singapore.

Thị trường ngách nhìn từ trào lưu đổi quần áo cũ
Các cửa tiệm hay sự kiện trao đổi quần áo cũ đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Singapore. Ảnh: AFP

Nhiều sáng kiến đổi quần áo, từ những cửa tiệm kinh doanh cho đến những sự kiện trao đổi, đã bén rễ ở đất nước này trong nỗ lực khuyến khích người dùng tận dụng tủ quần áo quá dư thừa của họ. Ngành thời trang nhanh thải ra đến 10% lượng khí carbon toàn cầu – theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP). Quần áo hay thời trang tạo lượng khí thải qua nhiều cách thức khác nhau – từ nhà sản xuất đến hãng vận chuyển và quá trình giặt giữ hàng ngày của người tiêu dùng.

Thay đổi xu hướng tiêu dùng điên cuồng

The Fashion Pulpit là cửa tiệm mà người phụ nữ đã lập gia đình này ưa thích. Trong một chuyến đổi đồ gần đây, Chng đã mang nhiều áo đầm, một áo khoác và một váy để nhân viên cửa tiệm định giá và tích điểm vào tài khoản của cô. Cô dùng số điểm này để mua 17 món đồ cũ, bao gồm một đầm dài vàng và xanh đậm để mặc trong ngày mùng một. “Tôi giống như một trái thơm may mắn vậy”, Chng nói. Thơm (khóm) được xem là một loại trái cây biểu tượng cho may mắn, được chọn làm quà tặng hay trưng bày trong Tết Nguyên đán ở Singapore.

“Ba mẹ tôi thường đưa tôi đến đây để chọn một bộ đồ mới cho ngày Tết. Và tôi đã yêu thích chuyện này lúc nào không rõ”, người phụ nữ 35 tuổi nói với hãng tin AFP.

“Trước đây, tôi luôn phải có đủ 15 bộ đồ ngay cả khi không thăm viếng họ hàng, tức là quá nhiều. Nhưng bây giờ, chỉ cần đồ còn mới, tôi nghĩ rằng vậy là đủ”, cô nói.

Chng biết đến việc đổi này khoảng 5 năm về trước tại một sự kiện ở chỗ làm. Cô quyết định thay đổi hành vi mua sắm của mình sau khi nhận thấy tủ đồ của cô tràn ngập những món chưa bao giờ mặc.

“Tôi đã tiêu xài thật điên cuồng. Hơn 50% các món trong tủ tôi chưa từng đụng đến, nhưng lại cảm thấy rằng mình không có gì để mặc”, cô kể.

Cô trả 599 đô la Singapore cho phí hội viên của cô ở tiệm The Fashion Pulpit. Thẻ thành viên cho phép cô đến xem và đổi đồ thoải mái. Và giờ 80% các món thời trang của cô là từ cửa hiệu này.

“Trao đổi đồ cho phép tôi biến hóa như con tắc kè trong trang phục hàng ngày, nhưng nó cũng cho phép tôi làm điều hữu ích với môi trường”, cô nói.

Theo số liệu của chính phủ Singapore, đảo quốc nhỏ bé này đã “sản xuất” 168.000 tấn rác thải gồm vải và da cũ trong năm 2019 – tương đương trọng lượng của hơn 400 trăm chiếc máy bay Boeing 747.

Cô Sue-Ann Chng đã chọn từ tiệm quần áo cũ chiếc váy “trái thơm may mắn” cho ngày mùng một Tết 2021. Ảnh: AFP

“Không bẩn, không bụi”

Nhà thiết kế thời trang Raye Padit đã lập hiệu The Fashion Pulpit cách đây gần ba năm sau khi hiểu được ảnh hưởng của ngành thời trang đối với môi trường và cả đối xử tệ bạc của giới chủ với công nhân ngành may.

“Ở Singapore, vấn đề là tiêu dùng quá mức và lãng phí. Chúng tôi muốn tạo ra nền tảng mà có thể giúp bạn mặc đẹp, bộc lộ cá tính của mình qua thời trang. Nhưng cùng lúc, điều này lại không hề làm tổn hại hành tinh của chúng ta và làm bạn lủng túi”, nhà thiết kế nói.

The Fashion Pulpit hiện có trên 1.500 hội viên, đạt doanh số triệu đô la Singapore và bắt đầu đã có lợi nhuận. Cửa hiệu cũng mở những buổi hướng dẫn khách hàng học cách may vá và cả “lên đời” các món quần áo cũ.
Khách đổi mọi thứ ở đây, từ thời trang thông dụng đến các nhãn hiệu cao cấp và cả những món đồ xa xỉ như túi Prada và giày Louboutin – theo lời Padit.

Các sự kiện trao đổi quần áo cũ cũng được các nhóm từ thiện tổ chức thường xuyên ở Singapore. “Khi tôi tham gia sự kiện thế này, tôi luôn tự nhắc mình phải tiêu dùng có trách nhiệm”, Nadia Kishlan, một phụ nữ 30 tuổi tại một sự kiện đổi đồ, phát biểu.

Vẫn còn nhiều thách thức trong việc thuyết phục người dân Singapore đổi quần áo thay vì mua mới và không mặc đến. Và ngành công nghiệp mới chỉ rất sơ khai ở hòn đảo. Các tiệm đồ cũ hay second hand shop ở châu Á vẫn chưa phổ biến như ở châu Âu, bởi vì rất nhiều người vẫn cho rằng dùng quần áo cũ từ người lạ sẽ có thể gặp xui xẻo hay là mất vệ sinh.

Nhưng nhà thiết kế Padit nói rằng thái độ của người tiêu dùng đang thay đổi bởi nhận thức về môi trường ngày càng gia tăng và làn sóng các cửa hiệu bán đồ giá rẻ biết cách tiếp thị trên mạng xã hội.
“Nhận thức về đồ second hand đang dần dần thay đổi. Nó không còn là bẩn thỉu và bụi bặm nữa. Đó là cái gì rất mới và hấp dẫn”, nhà thiết kế Padit kết luận.

Thời trang vintage đang mở rộng thị phần trong mảng thời trang xa xỉ

Thị trường vintage - thời trang cũ nhưng giá trị và cá tính - tăng trưởng 9% mỗi năm kể từ năm 2015. Đến nay, thị trường này chiếm 8% của thị trường thời trang xa xỉ trị giá 260 tỉ euro.

Trào lưu của nền kinh tế chia sẻ cũng đang bén rễ trong ngành thời trang. Theo tạp chí thời trang Singapore  Tatler, các công ty khởi nghiệp Singapore đang thâm nhập thị trường ngách mới này. Style Theory là một startup cho thuê quần áo thời trang thành lập từ năm 2016. Đến nay, Style Theory đã có hơn 30.000 món đồ và phụ kiện cho khách hàng thuê ở Singapore và Indonesia.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới