(KTSG Online) - Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá các mặt hàng ngũ cốc tương lai bao gồm lúa mì, đậu nành, bắp tăng vọt vào đầu năm 2022 trước khi giảm trở lại trong những tháng gần đây. Năm 2023 được dự báo tiếp tục là một năm đầy biến động nữa đối với thị trường ngũ cốc thế giới.
- Nga-Ukraine gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen
- Các tập đoàn kinh doanh ngũ cốc lãi lớn giữa cơn khát lương thực toàn cầu
Đầu năm 2022, sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, giá lúa mì và đậu nành đạt mức cao kỷ lục còn giá bắp tương lai đạt mức cao nhất trong hơn một thập niên. Chiến tranh đã bóp nghẹt nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen. Thêm vào đó, thời tiết khô hạn ở nhiều khu vực trồng trọt càng khiến thị trường thắt chặt.
Hiện tại, giá ngũ cốc đã giảm xuống gần bằng mức giá vào đầu năm 2022, đi theo xu hướng giảm giá chung của các mặt hàng từ khí đốt tự nhiên đến bông (cotton) và gỗ xẻ. Các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) các ngân hàng trung ương lớn khác để kiểm soát lạm phát có thể dẫn đến một cơn suy thoái nhẹ đối với kinh tế thế giới trong năm 2023.
Tuy nhiên, xu hướng giá cả trên thị trường ngũ cốc vẫn không chắc chắn, một phần vì các mặt hàng như lúa mì, đậu nành và bắp phụ thuộc quá lớn vào diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine mà cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cản trở xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi khu vực Biển Đen đồng thời dẫn đến các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, gây ra những tác động lây lan trong nền kinh tế toàn cầu.
Một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi vào tháng 7 cho phép vận chuyển ngũ cốc an toàn từ các cảng Ukraine đi qua Biển Đen, giúp giải phóng hàng triệu tấn tấn ngũ cốc bị ứ đọng ở Ukraine trong nhiều tháng. Vào tháng 11, Ukraine và Nga gia hạn thỏa thuận thêm 120 ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận này rất dễ đổ vỡ. Nga từng rút khỏi thỏa thuận trong một thời gian ngắn vào tháng 10 và tiếp tục tấn công các thành phố cảng của Ukraine.
Theo dữ liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vẫn ở dưới mức trước khi chiến tranh bắt đầu.
Theo Jim Wyckoff, một nhà phân tích thị trường hàng hóa ở Kitco.com, ẩn số với thị trường ngũ cốc là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen giữa Nga-Ukraine và khả năng duy trì thỏa thuận này. Đây là một tình huống không ổn định mà các thương nhân kinh doanh ngũ cốc sẽ tiếp tục theo dõi rất chặt chẽ.
Các nước phương Tây bao gồm Mỹ gần đây đã áp đặt giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga, động thái nhằm làm kìm hãm ngân sách chi tiêu cho chiến tranh của Điện Kremlin. Tuần trước, Nga ban hành sắc lệnh cấm bán dầu và các chế phẩm dầu mỏ cho các nước tuân thủ cơ chế giá trần.
Biến động của giá dầu thô tác động đến thị trường tương lai của các mặt hàng nông sản vì một phần nhu cầu của Mỹ đối với bắp và đậu nành đến từ hoạt động sản xuất nhiên liệu tái tạo. Bắp là nguyên liệu chính để sản xuất nhiên liệu ethanol trong khi đó, dầu đậu nành dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Giá dầu thô tăng cao hơn sẽ khiến việc sản xuất các loại nhiên liệu như vậy trở nên hấp dẫn hơn, từ đó giúp kích thích nhu cầu đối với loại ngũ cốc cơ bản, đẩy giá cả tăng lên.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, giá cả ngũ cốc trên thị trường tương lai tăng vọt lên các mức cao trong lịch sử. Giá lúa mì tương lại trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) ở Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 12,94 đô la/ bushel (tương đương 27,2 kg) trong tháng 3, vượt qua mức cao trước đó được thiết lập vào năm 2008.
Giá đậu nành tương lại cũng đạt mức cao kỷ lục 17,69 đô la/bushel vào tháng 6. Giá bắp tương lai tăng lên 8,14 đô la/bushel trong tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Kể từ đó, giá các mặt hàng này đã giảm trở lại và đánh mất hầu hết thành quả tăng giá kể từ sau chiến tranh. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá lúa mì ở sàn Chicago tăng 2,2% lên mức 7,93 đô la/bushel.
Một số nhà phân tích đang đặt cược rằng giá ngũ cốc và các hàng hóa khác sẽ giảm vào năm 2023 khi lãi suất tiếp tục tăng.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 12, Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa trưởng của Công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London, nhận định: “Chúng tôi cho rằng hầu hết giá hàng hóa sẽ giảm trở lại vào đầu năm 2023, thời điểm cao trào của cơn suy kinh tế toàn cầu và chu kỳ thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn”.
Nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ ngũ cốc hàng đầu thế giới cũng sẽ tác động đến triển vọng của thị trường nông sản năm 2023. Bắc Kinh gần đây đã hủy bỏ hầu hết biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát sự lây lan của Covid-19.
“Trung Quốc sẽ chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng kinh tế đáng kể vào năm 2023, nhưng tăng trưởng sẽ bị hạn chế trong nửa đầu năm do tốc độ lây lan nhanh chóng của Covid-19”, Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng về hàng hóa của Công ty dịch vụ tài chính StoneX Group nói.
Tuy nhiên, nông dân trồng ngũ cốc trên khắp thế giới cũng đang đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn, bao gồm chi phí phân bón và thiết bị nông nghiệp. Điều đó cũng có thể khiến giá ngũ cốc tăng cao.
“Các mặt hàng ngũ cốc thường có xu hướng giao dịch bằng hoặc gần bằng chi phí sản xuất, nhưng trong lịch sử hiếm khi chúng giao dịch dưới chi phí sản xuất”, Jake Hanley, Giám đốc Teucrium Trading, công ty quản lý các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tập trung vào nông sản nói.
Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu hàng hóa DTN, giá các thành phần của phân bón như urê đã giảm từ mức cao kỷ lục được ghi nhận vào hồi đầu năm 2022 nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mức giá trung bình 5 năm. Giá khí đốt tự nhiên, nguyên liệu để sản xuất phân bón, giảm mạnh trong tháng qua, nhưng còn cao hơn so với một năm trước.
Theo WSJ