Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường sản phẩm Halal: Chờ doanh nghiệp Việt khai thác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường sản phẩm Halal: Chờ doanh nghiệp Việt khai thác

Vũ Yến

(TBKTSG Oniline) - Malaysia có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm Halal, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp Việt Nam có chứng nhận này, có sản phẩm đủ điều kiện để xuất khẩu vào Malaysia, ông Zukarnine Shah Zainal Abidin, đại diện Hala International Selangor chia sẻ tại hội thảo Cơ hội đưa hàng vào thị trường Malaysia diễn ra sáng 22-5 tại TPHCM.

Thị trường sản phẩm Halal: Chờ doanh nghiệp Việt khai thác
Công nhân một công ty ở An Giang đang sản xuất sản phẩm Halal xuất khẩu. Ảnh: Tư liệu.

Cụ thể, ông Zukarnine Shah Zainal Abidin cho biết, nếu năm 2016, thị trường sản phẩm Halal của Malaysia đạt 90,2 tỉ đô la Mỹ thì ước tính tới năm 2030 thị trường này sẽ đạt 228,5 tỉ đô la. Trong mối tương quan với thị trường sản phẩm Halal toàn cầu vào năm 2030 (sẽ tăng lên 30,6 nghìn tỉ đô la) và tính riêng khu vực thị trường châu Á – Thái Bình Dương (1,1 ngàn tỉ đô la) thì thị trường Malaysia chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Vì vậy, ông cho rằng, để đưa được nhiều hơn các sản phẩm vào thị trường Malaysia các doanh nghiệp Việt Nam cần có chứng nhận Halal.

“Hiện nay, một hai đơn vị tại Việt Nam cũng đã được cấp giấy chứng nhận Halal cho các sản phẩm, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể liên hệ để được tư vấn, đánh giá. Doanh nghiệp cũng có thể liên hệ trực tiếp với các tổ chức tại Malaysia nhưng như thế chi phí sẽ cao hơn”, ông Zukarnine Shah Zainal Abidin nói thêm.

Cũng theo ông Zukarnine Shah Zainal Abidin, các sản phẩm Halal rất phong phú, không chỉ có thực phẩm và nước uống theo như nhiều người hiểu. Thị trường sản phẩm Halal còn gồm có các loại mỹ phẩm, dược phẩm, nguồn nguyên liệu và cả dịch vụ… Nếu đưa được các sản phẩm này vào thị trường Malaysia thì cơ hội bán hàng không chỉ ở Malaysia mà còn mở rộng ra các nước khác bởi Malaysia là cửa ngõ đưa sản phẩm tới cộng đồng người hồi giáo - chiếm đến 1/4 dân số thế giới.

“Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”. Những sản phẩm, thực phẩm chỉ được xác nhận là Halal khi không có các thành phần bị cấm (theo quy định của đạo Hồi) và đảm bảo sự tinh khiết trong suốt quá trình sản xuất. Đây cũng là các sản phẩm đại diện cho sự an toàn, chất lượng, tốt cho sức khỏe, phát triển bền vững”, ông Zukarnine Shah Zainal Abidin giải thích.

Theo thông tin tại hội thảo, tính lũy kế đến ngày 20-12-2018 Malaysia đã có 586 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt 12,478 tỉ đô la, đứng thứ 8 trong tổng số 129 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Trong tháng 4-2019 kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 1.006 triệu đô la Mỹ, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2018.

“Dự kiến 2020 con số này sẽ lên 15 tỉ đô la”, ông Faizal Izany Mastor, tham tán thương mại Malaysia tại TPHCM cho biết.

Cũng theo ông thế mạnh của Việt Nam là ở các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, trong khi đó Malaysia có thế mạnh ở ngành dịch vụ, hai nước có thể dựa vào thế mạnh riêng để hợp tác, phát triển.

Tuy nhiên, ngoài chứng nhận Halal, để đưa sản phẩm thế mạnh của Việt Nam vào Malaysia, ông Faizal Izany Mastor cho rằng doanh nghiệp Việt nên hiểu thị hiếu, văn hóa bản địa của Malaysia cũng như có sự đầu tư kỹ năng marketing.

Các đại diện tới từ Malaysia nhân dịp này cũng đã giới thiệu về hội nghị thượng đỉnh kinh doanh quốc tế Selangor lần thứ ba, diễn ra từ ngày 10 tới ngày 13-10-2019.

Theo họ, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham dự, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình. Năm ngoái có 8 doanh nghiệp Việt Nam tham dự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới