(KTSG Online) - Trong bối cảnh hoạt động cho vay tiêu dùng suy giảm vì kinh tế khó khăn, thị trường tài chính tiêu dùng đang có những thay đổi đáng chú ý. Không chỉ là những người chơi mới xuất hiện, các mô hình cho vay dựa vào công nghệ cũng ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, câu chuyện pháp lý về mô hình thu hồi nợ vẫn còn là một dấu hỏi.
- Khai thác dữ liệu: Ngân hàng và fintech đang làm gì với dữ liệu người dùng?
- Những cơ hội cho Fintech Việt Nam
Khối ngoại đánh giá cao
Trung tuần tháng 8, KBank, ngân hàng có quy mô tài sản lớn thứ ba tại Thái Lan (tính đến cuối năm 2022) đang đàm phán mua lại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam, theo thông tin từ Reuters. Hồi tháng 5, chi nhánh ngân hàng ngoại này tại Việt Nam vừa tăng vốn điều lệ từ mức 80 triệu đô la Mỹ lên 285 triệu đô la (hơn 6.500 tỉ đồng), nằm trong nhóm 3 ngân hàng ngoại có vốn lớn nhất.
Phân khúc được lãnh đạo KBank cho biết hướng đến trong đợt tăng vốn khi đó là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng trong đó cũng có mục tiêu phát triển sản phẩm liên quan đến ngân hàng số, tiện ích vay dành cho khách hàng cá nhân. Tham vọng của KBank là tăng số lượng người dùng ứng dụng của mình lên gấp 2,7 lần vào cuối năm 2023, tương ứng 1,3 triệu người dùng.
Trong khi đó, Home Credit là nền tảng cho vay theo mô hình trả góp, được giới thiệu có khoảng 12 triệu khách hàng. Việc nhắm đến công ty này xếp thứ hai về thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sau FE Credit, cho thấy nhà đầu tư Thái Lan đánh giá cao tiềm năng cho vay tiêu dùng từ góc nhìn của các công ty tài chính, vốn có điểm khác biệt với hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng.
Thương vụ trên vẫn chưa có thông tin chính thức, nhưng một điểm chắc chắn là một ngân hàng Thái Lan khác sẽ tăng cường mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Hồi tháng 5, Ngân hàng SHB công bố hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ Công ty tài chính tiêu dùng SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), phần còn lại sẽ chuyển nhượng sau ba năm theo thỏa thuận đã ký.
Trước đó, đơn vị dẫn đầu thị trường vay tiêu dùng là FE Credit cũng đã được bán 49% cổ phần cho đối tác Nhật Bản hồi cuối năm 2021. Đối tác mua lại tập đoàn tài chính Nhật Bản SMBC, là đơn vị có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này ở nhiều thị trường tại châu Á.
Hiện tại, có thể xem Nhật Bản và Thái Lan hiện được xem là các nhà đầu tư mới và năng động hướng đến thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, còn trong giai đoạn 2015-2019, các nhà đầu tư Hàn Quốc mới là người nổi bật.
Chẳng hạn như tập đoàn Shinhan mua lại Prudential Finance, đổi tên và phát triển đồng thời với ngân hàng Shinhan Việt Nam để đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng cho người Việt. Tương tự, tập đoàn Lotte cũng mua lại công ty tài chính từ Techcombank. Tâp đoàn Mirae Asset tuy không có ngân hàng, nhưng lại tập trung vào mảng chứng khoán và công ty cho vay tiêu dùng Mirae Asset cũng hoạt động sôi nổi không kém, chủ yếu đi vào phân khúc cho vay người lao động bao phủ các khu công nghiệp.
Nhiều ngân hàng ngoại hướng đến mảng tiêu dùng của người Việt, nhưng trong đó cũng “kèm” thêm phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc phân khúc doanh nghiệp khối FDI để phục vụ cho dòng chảy thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia.
Trên thực tế, thị trường cho vay tiêu dùng phân khúc công ty tài chính là không quá lớn đối với quy mô tài sản của các nhà băng. Ước tính quy mô dư nợ nhóm 16 công ty tài chính được cấp phép chỉ chiếm khoảng 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế tính đến cuối 2022.
Tuy vậy, phân khúc này vẫn có chỗ đứng riêng vì phục vụ nhóm đối tượng yếu thế hơn về khả năng tiếp cận kênh tài chính chính thức. Do đó, kênh này cũng được xem là “công cụ” giúp đẩy lùi tín dụng đen lan tràn khắp nơi như trong thời gian qua, không chỉ ở kênh ngoại tuyến mà còn trực tuyến thông qua các ứng dụng vay nhanh vay nóng.
Thị trường nội đang chuyển mình
Hiện nay, thị trường cho vay tiêu dùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Sau hai năm dịch Covid-19, rồi đến khủng hoảng khiến thu nhập người vay giảm mạnh, nợ xấu tăng cao. Lộ trình phục hồi gặp thách thức khi bản thân công ty tài chính cũng gặp tác động kép khi lãi suất cao (chi phí vốn công ty tài chính cao hơn nhiều so với ngân hàng), đồng thời hoạt động thu hồi nợ vấp phải rào cản pháp lý. Lãnh đạo nhiều công ty tài chính cũng đau đầu cho biết tình trạng chây ì trả nợ tăng mạnh trong thời gian qua cũng ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động chung, cuối cùng chính bản thân các nhà cho vay này chỉ còn tập trung khai thác nhóm khách hàng tốt, hạn chế cho vay và người ảnh hưởng là các khách hàng tiềm năng.
Với một số nhà băng, trong giai đoạn 2010-2019, công ty tài chính đóng vai trò trọng yếu trong việc phát triển với trụ cột là các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đẩy mạnh mảng này, sau đó bán cho khối ngoại để tận dụng nguồn vốn, kinh nghiệm và sự cộng hưởng giá trị từ đối tác. Góc độ này có thể kể đến như HD Saison của HDBank, FE Credit của VPBank, sau có thêm MCredit của MB. Tuy nhiên cũng có một số nhà băng đẩy mạnh phát triển công nghệ, sau đó chỉ tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng dựa trên các sản phẩm truyền thống của ngân hàng.
Dù vậy, trong vài năm trở lại đây, các mô hình cho vay mới dựa trên sự thay đổi về công nghệ liên tục ra đời và dần lấn sân sang các mảng cho vay truyền thống của ngân hàng. Thậm chí nhiều nền tảng cho vay trực tuyến lách luật cho vay dưới mô hình cầm đồ, cho vay ngang hàng,…
Mô hình cho vay tài chính tiêu dùng hiện vẫn được nhắc đến nhiều ở phân khúc “dưới chuẩn”, tức không đủ chuẩn tiếp cận vốn ở ngân hàng. Với đặc thù rủi ro cao, ít có ngân hàng nào mạnh dạn tiếp cận từ hướng này. Trước đó có VPBank nhưng trong vài năm gần đây đã chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm từ ngân hàng mẹ. Các nhà băng hiện đang đẩy nhanh phát triển các sản phẩm tiêu dùng với giá trị cao hơn, từ việc mua trả góp đồ gia dụng sang mua trả góp ô tô, bất động sản. Số lượng và doanh số tiêu dùng thẻ tín dụng cũng tăng vọt trong 2 năm qua, đủ hấp dẫn các ngân hàng và chính các công ty tài chính bước chân vào cuộc đua phát triển thẻ.
Điều này dẫn đến sự thay đổi về mặt sản phẩm. Mặt khác, bối cảnh ngày nay cũng đã khác trước rất nhiều khi trước đây các công ty tài chính được cho là linh hoạt hơn ngân hàng, nhưng sự thay đổi về công nghệ đã thay đổi đáng kể bức tranh cạnh tranh.
Xét riêng về các ngân hàng, thị trường cho vay trực tuyến trong thời gian tới cũng sẽ biến chuyển đáng kể. Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây đã đưa vào một số nội dung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng cho rằng quy định này sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở để các ngân hàng triển khai công nghệ vào quy trình cho vay. Hiện nay, một số nhà băng đang triển khai thử nghiệm như áp dụng quy trình thẩm định, phê duyệt và giải ngân tự động qua nền tảng điện tử, sử dụng chữ ký điện tử, tự động chấm điểm mức độ tín nhiệm, cho vay thấu chi tự động,….
Trong khi đó, các mô hình cho vay “thế hệ mới” ở phân khúc thấp hơn vẫn đang nỗ lự bao phủ thị trường. Trong đó có không ít fintech chấm điểm tín dụng để “giới thiệu” người muốn vay vốn cho các bên cấp vốn, hay tích hợp tiện ích vay, mua trả góp vào các ứng dụng, nền tảng khác như thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe, ví điện tử,…
Nhìn chung, có thể nói môi trường “khuyến khích vay” hiện đang xuất hiện ở khắp mọi nơi. Các kênh vay tiêu dùng chính thức đem lại nhiều lợi ích, trong đó có cả việc chống tín dụng đen, nhưng đôi lúc cũng có thể là “bẫy tiêu dùng”. Người cho vay hiện cần cơ chế pháp lý vững chắc hơn cho mình, còn người đi vay cũng cần phải cẩn thận trong chuyện chi tiêu.
“Các công ty tài chính tiêu dùng trẻ hơn với mô hình kinh doanh tinh gọn hơn và chuyển đổi mô hình kinh doanh kịp thời sẽ có cơ hội để vượt lên”, báo cáo thị trường tài chính tiêu dùng năm 2023 của FiinGroup có đoạn, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm mà cuộc chơi cho vay tiêu dùng sẽ thay đổi.