(KTSG Online) – Hàng hóa trả lại ở Mỹ, đặc biệt là những món đồ đặt mua từ các kênh thương mại điện tử, gia tăng mạnh trong thời kỳ dịch bệnh, đạt giá trị hơn 700 tỉ đô la trong năm 2021. Điều này tạo ra cơn bùng nổ trên thị trường kinh doanh hàng thanh lý, nơi người tiêu dùng cá nhân và các doanh nghiệp khác săn lùng những sản phẩm còn tốt với giá bán rẻ.
Mỗi tỉ đô la doanh thu phát sinh 166 triệu đô la hàng trả lại
Bên trong nhà kho rộng 120.000 mét vuông của Công ty Liquidity Services ở Garland, bang Texas, các gian hàng chất đầy các sản phẩm mà khách hàng gửi trả cho các nhà bán lẻ như Amazon, Target, Sony, Home Depot, Wayfair...Tất cả chúng đều trong quá trình thanh lý.
“Những công ty thanh lý đến đây mua tất cả sản phẩm này với số lượng lớn. Sau đó, họ sẽ đóng gói chúng để bán lại trên các trang web như eBay hoặc Poshmark”, Sonia Lapinsky, Giám đốc phụ trách mảng bán lẻ của Công ty tư vấn AlixPartners, cho biết.
Thị trường thanh lý hàng trả lại ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008, đạt con số khổng lồ 644 tỉ đô la vào năm 2020, theo dữ liệu của một nhóm nghiên cứu ở Đại học bang Colorado.
Nhưng trong năm 2021, tổng giá trị hàng hóa trả lại tăng mức kỷ lục 16,6%, từ mức 10,6% vào năm 2020, lên con số 761 tỉ đô la Mỹ, theo Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF). Đối với hàng hóa mua trực tuyến, tỷ lệ trả lại trung bình thậm chí còn cao hơn, đến 20,8%, tăng so với mức 18% vào năm 2020.
Theo cuộc khảo sát của NRF, đối với cácnhà bán lẻ ở Mỹ, trung bình cứ mỗi 1 tỷ đô la doanh thu sẽ phát sinh 166 triệu đô la hàng hóa trả lại, tức chiếm 16,6%. Các danh mục có tỷ lệ trả lại cao nhất gồm phụ tùng ô tô (19,4 %), quần áo (12,2 %) và đồ gia dụng (gần 11,5 %). Việc xử lý hàng trả lại có thể khiến các nhà bán lẻ tốn kém đến 66% giá gốc của một mặt hàng, theo Công ty tư vấn Optoro.
“Mọi người hiện đang rất lo lắng về việc giá cả tăng. Tôi cho rằng một phần của đà tăng lạm phát hiện nay là số lượng hàng trả lại khổng lồ phải bán lỗ, làm giảm lợi nhuận thông thường của các công ty bán lẻ, khiến họ phải tăng giá bán các mặt hàng hiện tại để bù đắp”, Tony Sciarrotta, Giám đốc điều hành Hiệp hội Logistics đảo ngược, một tổ chức tư vấn xử lý hàng hóa trả lại, nói.
Ngoài ra, hàng trả lại cũng gây tổn hại lớn cho môi trường. Các mặt hàng trả lại không đủ tiêu chuẩn để thanh lý thường bị tiêu hủy bằng cách đốt hoặc đưa đến các bãi chôn lấp. Optoro ước tính hàng hóa trả lại ở Mỹ tạo ra 16 triệu tấn khí thải carbon và 2,9 triệu tấn chất thải chôn lấp mỗi năm.
Hàng trả lại là cơn đau đầu đối với với các nhà bán lẻ nhưng đang trở thành mảng kinh doanh béo bở đối với các công ty thanh lý. Hiện nay, có hàng ngàn công ty như vậy đang hoạt động ở Mỹ.
Bill Angrick, Giám đốc điều hành Liquidity Services, cho biết: “Nền kinh tế vòng tròn tồn tại để đảm bảo những mặt hàng thanh lý này tìm thấy bến đỗ mới, thay vì bị đưa đến bãi rác”.
Hàng điện tử tân trang bán chạy vì tắc nghẽn chuỗi cung ứng
Liquidity Services bán hàng hóa trả lại trên nhiều nền tảng thị trường trực tuyến. Nền tảng Liquidation.com là nơi bán đấu giá các thùng hàng trả lại và một số mặt hàng riêng lẻ cho bên bên trả giá cao nhất, là những doanh nghiệp mua với số lượng lớn để bán lại. Nền tảng Secondipity.com bán trực tiếp các mặt hàng riêng lẻ cho khách hàng cá nhân và GovDeals.com, nền tảng bán đấu giá các mặt hàng đặc biệt cho các chính quyền và tổ chức.
Trong lĩnh vực thiết bị điện tử, nhiều mặt trả lại bị hỏng và không thể bán lại ngay được. Liquidity Services đã tân trang hàng trăm chiếc tivi trả lại mỗi ngày để bán lại với giá giảm từ 60% -70% so với giá gốc.
Các thiết bị điện tử tân trang đang bán rất chạy khi vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến hàng hóa mới thiếu hụt. Tai nghe chống ồn và tivi tân trang lại đang có nhu cầu cao, và cả những mặt hàng tân trang trị giá hàng triệu đô la, như máy móc sản xuất chip đã qua sử dụng, cũng bán rất chạy.
“Chúng tôi nhận thấy các công ty trong danh sách Fortune 500 (500 công ty có doanh thu lớn nhất Mỹ) cũng tìm mua thiết bị đã qua sử dụng trên nền tảng thị trường của chúng tôi vì thời gian vận chuyển hàng trong nền kinh tế vòng tròn ngắn hơn so với quy trình vận chuyển hàng hóa mới: đưa tàu container, di chuyển qua đại dương, đến một cảng ở Mỹ rồi có nguy cơ bị mắc kẹt ở đó từ 6-8 tháng”, Angrick nói.
Năm 2006, Liquidity Services đưa cổ phiếu lên sàn. Sau khi giá lập đỉnh vào năm 2012, cổ phiếu của Liquidity Services trượt vào xu hướng giảm trong 7 năm tiếp theo, rồi tăng mạnh trở lại trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Nhiều nhà bán lẻ hiện đang trực tiếp các mặt hàng tân trang khi nhu cầu về đồ cũ ngày càng tăng. Nền tảng thương mại của Amazon có những mục bán hàng dành riêng cho những món đồ này, chẳng hạn như Warehouse Deals, chuyên bán hàng đã qua sử dụng, Amazon Renewed dành cho những món đồ tân trang, và Amazon Outlet dành cho hàng tồn kho lâu ngày.
Best Buy hiện có một cửa hàng trực tuyến chuyên tivi và các thiết bị gia dụng đã mở hộp. HP cũng có cửa hàng trực tuyến bán máy tính và nhiều mặt hàng được tân trang lại.
Cơn bùng nổ hàng thanh lý cũng tạo ra một xu hướng khác. Hàng trăm cửa hàng bán các thùng hàng trả lại với giá rẻ mọc lên trên khắp đất nước, với những cái tên như Dirt Cheap và Treasure Hunt Liquidators. Khách hàng sẽ lùng sục các thùng hàng này để tìm kiếm các mặt hàng thịnh hành mà họ có thể bán lại để kiếm lời.
“Các cửa hàng như Big Lots, Bargain Hunt, Ollie’s Bargain Outlet và sau đó là eBay, thậm chí cả Amazon đều nhập cuộc. Họ bán những mặt hàng trả lại cho người tiêu dùng vì 90% lượng hàng này hoàn toàn không bị lỗi”, Sciarrotta, Giám đốc điều hành Hiệp hội Logistics đảo ngược, nói.
Liquidity Services cũng gia nhập xu hướng bán hàng thanh lý trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhà kho AllSurplus Deals của công ty này ở Phoenix, bang Arizona là điểm nhận hàng cho những khách hàng đấu giá mua hàng thanh lý trực tuyến thành công. Angrick cho biết mô hình bán hàng này rất hữu ích vì chi phí vận chuyển những món hàng cồng kềnh rất tốn kém.
Theo CNBC