Thị trường thiết bị y tế hơn 1,1 tỉ đô la nhưng nhập khẩu trên 90%
Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam hiện hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ và có mức tăng trưởng bình quân 18% mỗi năm trong vòng 5 năm qua, nhưng hơn 90% tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ của thị trường này là phải nhập khẩu.
![]() |
Ông Hứa Phú Doãn (phải) cùng đại diện Ban tổ chức triển lãm chia sẻ thông tin với báo chí -Ảnh: Hùng Lê |
Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thiết bị Y tế TPHCM (HMEA) chia sẻ thông tin trên tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược lần thứ 18 tại TPHCM (Vietnam Medi-Pharm Expo) vào ngày 24-7.
Theo ông, trong giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm thị trường trang thiết bị y tế trong nước có mức tăng trưởng khoảng 18%/năm và thị trường này đã vượt hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ doanh thu vào năm ngoái, so với con số khoảng 950 triệu đô la Mỹ của năm 2016. Điều này cho thấy thị trường trang thiết bị y tế đang có mức tăng trưởng nhanh và khá hấp dẫn với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo ông Doãn, trên 90% giá trị doanh thu này là hàng hóa nhập khẩu, các nhà sản xuất trang thiết bị y tế của Việt Nam chỉ chiếm được dưới 10% thị phần thị trường nội địa và chủ yếu là những mặt hàng đơn giản, không có nhiều giá trị gia tăng.
Nếu phân chia thị trường này theo chủng loại hàng hoá thì thị trường thiết bị y tế Việt Nam đang tập trung vào các thiết bị chẩn đoán hình ảnh (Xquang, siêu âm, MRI, CT scancer), thiết bị phòng mổ, theo dõi bệnh nhân, thiết bị khử khuẩn, nội soi, xét nghiệm, xử lý chất thải y tế,...
Ông Doãn nhận định, kinh tế trong nước đang tăng trưởng nhanh thì thị trường này sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, ông dự báo trong những năm tới thị trường trang thiết bị tế Việt Nam sẽ tăng lên hơn 20% mỗi năm.
Sự tăng trưởng này được lý giải, là do chi tiêu cho y tế tăng lên, đi kèm với nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế ngày càng tăng lên. Mặt khác, do mô hình dịch tễ thay đổi, nhu cầu đầu tư trang thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do chi phí y tế tăng, nhu cầu thay thế các máy móc thiết bị cũ, lạc hậu nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác khám chữa bệnh đang ngày càng phổ biến.
Việc xây mới bệnh viện công và tư, phòng khám chữa bệnh gia đình, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện... cũng được dự báo có chiều hướng tăng cao trong thời gian tới. Xu hướng đầu tư trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công (chiếm 70%) đang dần đi vào tự chủ tài chính, cùng với đó các bệnh viện tư nhân ngày càng nhiều hơn. Bởi trên thực tế, hệ thống y tế công cộng của Việt Nam vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội... thường xuyên trong tình trạng quá tải và có bệnh viện phải hoạt động 200% công suất trong giờ cao điểm.
Đáng chú ý, việc đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao sẽ tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn ở thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… Riêng TPHCM, từ nay đến 2020 ước tính sẽ đầu tư chừng 900 triệu đô la Mỹ để nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Mặc dù thị trường trang thiết bị y tế được nhận định là còn rất tiềm năng, nhưng Việt Nam hiện chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế được Bộ Y tế cấp phép, và phần lớn những doanh nghiệp này đều sản xuất những mặt hàng đơn giản, nên không đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
Theo ông Doãn, những sản phẩm trong ngành này đòi hỏi những công nghệ, thiết bị cao hơn cả ngành sản xuất ô tô cũng như yêu cầu có sự phát triển về linh kiện, nhưng công nghiệp hỗ trợ cho ngành này trong nước hiện còn kém hơn cả ngành công nghiệp ô tô.
Để giảm nhập khẩu, đòi hỏi phải phát triển được ngành sản xuất này. Tuy nhiên, theo giới trong ngành, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm thiết bị này hiện đang được áp mức 0% nên để kêu gọi đầu tư phát triển cho ngành sản xuất này hiện rất khó khăn.
Ngoài ra, khi mà nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng đòi hỏi cao, thì các bệnh viện, cơ sở y tế trong nước cũng phải tăng việc đầu tư, áp dụng các sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao, nên xu hướng nhập thiết bị, công nghệ từ nước ngoài sẽ được các bệnh viện, cơ sở y tế lựa chọn cao.