Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường tín chỉ carbon ASEAN đã hình thành và phát triển ra sao?

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Indonesia, Campuchia đã bán tín chỉ carbon rừng trước Việt Nam. Các nước Indonesia, Thái Lan, Singapore hay Malaysia đều thành lập thị trường chính thức sớm hơn, từ năm 2022 đến nay. Nhiều chuyên gia đã nói rằng thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam, thử nghiệm hay chính thức, đang chậm chân hơn các thị trường khác trong khu vực.

Chương trình giảm phát thải tự nguyện của Thái Lan bắt đầu từ năm 2014 và thị trường tín chỉ carbon chính thức hình thành đầu năm 2023. Ảnh: The Nation

Thật không sai khi nói rằng thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam đang chậm hơn các thị trường khác trong khu vực các nước ASEAN. Tuy nhiên, khi đặt các con số của thị trường tín chỉ carbon đang trong giai đoạn chuẩn bị thử nghiệm từ năm 2025-2027 tại Việt Nam bên cạnh các thị trường ASEAN chính thức đã hình thành sớm hơn và đi trước nhiều năm, có thể thấy các thuận lợi của Việt Nam. Bên cạnh đó là các thách thức lớn.

Indonesia đang “đủng đỉnh”?

IDXCarbon, thị trường mua bán tín chỉ carbon đầu tiên của Indonesia, khai trương cuối tháng 9-2023. Thị trường này được kết nối với sàn chứng khoán IDX của xứ này.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của IDXCarbon, chỉ có 13 tín chỉ được giao dịch, với giá bán là 69.600 rupiah (4,45 đô la) mỗi tấn. Đây là phần nhỏ trong tổng số 460.000 tấn CO2 tương đương mà hãng năng lượng than và địa nhiệt PT Pertamina Geotheormal Energy phải mua. Phải đến gần ba tháng sau mới có giao dịch thứ hai.

Tờ Jakarta Globe dẫn lời ông Elen Setiadi, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Điều phối kinh tế Indonesia, nói rằng đến cuối tháng 7 vừa qua, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đạt tổng giá trị 36,7 tỉ rupiah (2,26 triệu đô la). Khối lượng giao dịch 608.000 tấn CO2 tương đương.

Dường như, các doanh nghiệp xứ vạn đảo đang rất thư thái, hay “đủng đỉnh” trước các áp lực môi trường mới, cả cơ hội mới, do các cam kết của Indonesia với cộng đồng quốc tế. Tại COP26 ở Glasglow, Indonesia nói chỉ có thể thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2060 hoặc sớm hơn, với sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng “dời lại” thời hạn thực hiện mục tiêu Net Zero đến năm 2060.

Các startup chống biến đổi khí hậu được xem là thế mạnh của startup công nghệ Indonesia. Nhưng trên thực tế, hiện các startup loại này thuộc loại “không đủ sở hụi” để hoạt động. Chẳng hạn, CarbonEthics có các dự án giúp hấp thụ 12.500 tấn CO2 qua các dự án rừng ngập mặn ở tỉnh Maluku phía Đông Indonesia và cánh đồng lúa trên đảo Java. Nhưng các hoạt động tư vấn về thị trường tín chỉ carbon và lợi nhuận từ dịch vụ đi trồng rừng là nguồn doanh thu chính của startup này, theo trang web của CarbonEthics. Startup này hy vọng sẽ sớm lên sàn giao dịch tín chỉ carbon ở Singapore và Nhật Bản từ năm 2026. Nhưng các nhà sáng lập vẫn đang lo lắng là thị trường nước ngoài có chấp nhận tín chỉ carbon từ thị trường Indonesia hay không.

Singapore: quy mô nhỏ, giấc mơ to

Singapore được xem là đi tiên phong trong việc kinh doanh tín chỉ carbon và với tham vọng trở thành trung tâm toàn cầu giải quyết các vấn đề khí hậu. Theo tờ The Straits Times, Liên minh Thị trường carbon Singapore (SCMA) thành lập ngày 31-7-2024, đóng vai trò chính trong kết nối các dự án tín chỉ carbon với các khách hàng tiềm năng tại Singapore và toàn cầu. Quy mô của thị trường này ở Singapore đạt 14,5 triệu đô la Mỹ trong năm ngoái, theo CarbonCredits.com.

Tuy nhiên, Singapore đã đưa ra kế hoạch “Green Singapore Plan 2030” vào tháng 2-2021, do năm bộ chủ chốt soạn thảo và dẫn dắt, gồm Giáo dục, Phát triển quốc gia, Phát triển bền vững và Môi trường, Thương mại và công nghiệp, và Giao thông vận tải. Kế hoạch này đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng. Chẳng hạn như trồng thêm một triệu cây xanh, tăng gấp 4 lần việc triển khai năng lượng mặt trời vào năm 2025, và giảm 30% lượng chất thải đưa đến bãi chôn lấp vào năm 2030. Các mục tiêu này nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon của Singapore và tăng cường khả năng phục hồi môi trường của quốc gia này.

Quy mô thị trường trái phiếu xanh chính phủ của Singapore hiện ở mức 6 tỉ đô la Singapore mỗi năm. Khu vực công Singapore đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể phát hành 35 tỉ đô la Singapoe trái phiếu xanh và chiếm hơn 50% lượng trái phiếu xanh của ASEAN. Các ngân hàng Singapore bắt đầu “thoái lui” trước các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu. Từ năm 2021, DBS Group Holdings Ltd., Oversea-Chinese Banking Corp. và United Overseas Bank Ltd. - ba ngân hàng lớn nhất của Singapore và cũng của ASEAN theo giá trị tài sản - đã cam kết ngừng tài trợ cho các dự án nhiệt điện than mới, chỉ tiếp tục thực hiện những cam kết trước đó.

Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đặt ra thuế carbon, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Mức thuế được áp vào thời điểm đó là 5 đô la Singapore/mỗi tấn CO2 tương đương (tCO2e). Mức thuế này được nâng lên 25 đô la Singapore trong năm nay, 45 đô la trong giai đoạn 2026-2027 và hướng đến mục tiêu 50-80 đô la vào năm 2030.

Thái Lan: thị trường “già tuổi” Đông Nam Á

Giữa tháng 2-2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) đã chi 120 triệu baht để mua 400 tín chỉ carbon với mức giá 3.000 baht/tấn khí phát thải, tức hơn 83,5 đô la Mỹ theo tỷ giá thời điểm đó. Đây là sáng kiến tín chỉ carbon rừng đầu tiên tại Thái Lan và cũng là mức giá cao nhất nước này cho một dự án như vậy, theo Carbon Herald.

Chương trình giảm phát thải tự nguyện (T-VER) của Thái Lan bắt đầu từ năm 2014, với các tập đoàn và công ty lớn đi đầu. Thị trường tín chỉ carbon Thái Lan thành lập tháng 9-2022. Đến ngày 16-1-2023, nền tảng trực tuyến giao dịch tín dụng carbon và năng lượng sạch chính thức (FTIX) khai trương ở Thái Lan, với sự hợp tác giữa Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) và Tổ chức Quản lý khí nhà kính Thái Lan (TGO). Trong 11 tháng đầu năm của năm tài chính hiện tại (từ tháng 10-2023 đến tháng 8-2024), theo TGO, số tín chỉ carbon mua bán trên thị trường T-VER là hơn 84 triệu baht, khoảng 670.000 tấn CO2 tương đương, giá trung bình 125,78 baht/tấn phát thải. Trong khi đo, sàn TFIX ghi nhận việc mua bán 1.798 tín chỉ carbon, giá trị hơn 110.000 baht, khoảng 61,35 baht/tấn.

Thị trường tín chỉ carbon Thái Lan được xem là trưởng thành hơn ở khu vực, nhưng quy mô thị trường tương đối khiêm tốn. Hồi tháng 6 vừa rồi, Thái Lan tuyên bố sẽ đánh thuế 200 baht (5,6 đô la Mỹ) với mỗi tấn CO2 tương đương với các sản phẩm dầu diesel và xăng từ năm tới. Và đây là nước thứ hai ở ASEAN áp dụng loại thuế này.

Trong báo cáo phát hành tháng 4-2024 của Ngân hàng Siam Commercial Bank (SCB), các nhà phân tích của SCB nói rằng thị trường tín chỉ carbon tự nguyện của Thái Lan đang phát triển, nhà đầu tư sẽ gặp các rủi ro trong các giao dịch, như cán cân cung cầu, giá và kênh giao dịch.

Rủi ro về cầu là sự không chắc chắn của thị trường mới, bởi bản chất là tự nguyện, nên không là lựa chọn đầu tiên của người mua tiềm năng và tệp khách này ưu tiên và tập trung hơn vào các sáng kiến giảm carbon của chính doanh nghiệp họ. Rủi ro nguồn cung là thị trường này phù hợp hơn với các nhà đầu tư quy mô lớn, không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ. Rủi ro lớn khác là giá cả do chưa có quy định rõ ràng hay hệ thống nào để duy trì sự ổn định giữa cung và cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới