Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ ra sao?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khó khăn sẽ còn tiếp diễn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 khi niềm tin của nhà đầu tư cá nhân chưa quay lại, trong khi các cơ quan quản lý chưa xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các định chế tài chính lớn tham gia vào thị trường này.

Hoạt động giao dịch trái phiếu qua hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dần sôi động hơn khi có nhiều mã được giao dịch trên sàn. Ảnh minh hoạ: H.T

Phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn rủi ro

Các chuyên gia cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam dần thay đổi theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc.

Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm thuộc Khối thông tin tài chính của FiinGroup, cho biết hoạt động phát hành TPDN trên thị trường sơ cấp 6 tháng cuối năm có sự phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, giá trị phát hành trong quí 3và nửa đầu quý 4-2023 là hơn 161.000 tỉ đồng, tương đương 70% tổng giá trị phát hành từ đầu năm 2023. Với riêng quí 3-2023, giá trị phát hành TPDN thị trường sơ cấp tăng 180% so với cùng giai đoạn năm 2022.

Về cơ cấu nhà phát hành, những đợt phát hành này chủ yếu từ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản (BĐS). Theo đó, các ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với 110.248 tỉ đồng trong 11 tháng của năm 2023, BĐS đứng thứ hai với 73.856 tỉ đồng, theo thống kê của FiinGroup.

Về lãi suất huy động, trái phiếu do các ngân hàng phát hành có lãi suất bình quân là 6,98%, BĐS là 12% - phần nào cho thấy mức độ rủi ro của từng nhóm ngành khác nhau.

Với thị trường thứ cấp, ông Việt cho biết hoạt động phát hành đã trở nên sôi động hơn rất nhiều từ khi có sàn giao dịch TPDN riêng lẻ hồi giữa tháng 7-2023. Cụ thể, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng rất mạnh, khoảng 1.000-2.000 tỉ đồng mỗi ngày trong giai đoạn từ giữa tháng 10-2023 tới nay. Ngoài ra, gần 700 mã TPDN riêng lẻ được đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch, góp phần làm tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng trưởng mạnh mẽ.

Chuyên gia này cho rằng, khi thanh khoản của thị trường gia tăng, giao dịch đa dạng về số lượng và giá trị, lợi suất đầu tư sẽ dần được hình thành, là cơ sở để xây dựng đường cong lợi suất chung của toàn thị trường, đặc biệt khi kết hợp với hoạt động xếp hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 rất lớn với khoảng 330.000 tỉ đồng, chưa bao gồm cộng số trái phiếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.

Theo ông Việt, ba nhóm TPDN có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay là bất động sản, vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo. Hiện đang có 147 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả lãi, gốc. Tỷ lệ trả chậm chung toàn thị tường trái phiếu phi ngân hàng ở mức ở mức 20%.

Một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là VIS Rating cũng cung cấp số liệu tương tự với 148 trái phiếu có tổng giá trị 36.000 tỉ đồng đã lùi ngày đáo hạn, 75% số đó chỉ đạt được sự đồng ý của trái chủ trong vòng hai tháng trước ngày đáo hạn.

“Đây là một chỉ báo cho thấy việc gia hạn trái phiếu chủ yếu để tránh tình trạng chậm trả gốc/lãi và chúng tôi cho rằng cơ chế này giúp cho tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh cũng như dòng tiền của họ”, đại diện VIS Rating phân tích.

Cũng theo VIS Rating, giá trị trái phiếu chậm trả gốc và lãi tính đến tháng 9-2023 là 175.000 tỉ đồng và sẽ tăng lên 195.000 tỉ đồng vào cuối năm. Trong đó, phần lớn là các trái phiếu chậm trả đến từ các ngành hàng đang gặp khó khăn là bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo.

Thực tế, ngoài các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo huy động vốn qua kênh trái phiếu ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, BB Power Holdings và Điện Gia Lai (GEC) là ba công ty có tổng nợ phải trả vượt 10.000 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, chỉ GEC kinh doanh có lãi trong nửa đầu năm 2023, sở hữu hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 1,86 lần. Hai doanh nghiệp còn lại ghi nhận mức lỗ hàng trăm tỉ đồng, sở hữu hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức 4,7 lần.

Dự báo thị trường TPDN năm 2024, ông Trần Phú Việt cho rằng việc nhận diện được 147 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi giai đoạn 2022-2023 sẽ giúp thị trường xác định nhóm các tổ chức phát hành có tài chính lành mạnh. Do đó, nợ xấu dự báo cho năm 2024 sẽ ko có quá nhiều bất ngờ, hay biến động cho thị trường.

“Việc thị trường có nhận thức, nhận định về những rủi ro này trong năm 2024 là cơ sở và tiền đề cho việc khôi phục hoạt động phát hành TPDN của nhóm tổ chức phát hành nói trên và thị trường nói chung. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng và BĐS đã chiếm 70% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, nên 30% còn lại sẽ không tạo ra áp lực quá lớn cho thị trường vốn của năm tới”, ông Việt nhận định.

Cũng theo vị này, việc các tổ chức phát hành yếu kém bộc lộ đã giúp thị trường sàng lọc và khoanh vùng nhóm các tổ chức phát hành theo mức độ rủi ro khác nhau. Những doanh nghiệp có lịch sử trả nợ gốc và lãi TPDN sẽ là điểm sáng của thị trường, thu hút nhà đầu tư.

Ngoài ra, các nhóm ngành nghề rủi ro cao cũng đã bộc lộ, giúp nhà đầu tư có góc nhìn chính xác hơn về rủi ro tín dụng từng nhóm ngành. Do đó, mức độ ảnh hưởng của những vi phạm trong việc phát hành TPDN tới thị trường thời gian tới sẽ thấp hơn, thị trường cũng sẽ ít biến động hơn.

“Nhà đầu tư có thể dựa vào lịch sử trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp để nhận định, đánh giá được doanh nghiệp nào tốt, nhóm ngành nào ít rủi ro để giải ngân đầu tư TPDN”, ông Việt khuyến nghị.

Tuy nhiên, ông Việt cũng lưu ý, môi trường kinh doanh có thể tiếp tục khó khăn, dẫn đến triển vọng kinh doanh của các tổ chức phát hành, đặc biệt một số doanh nghiệp ngành BĐS, năng lượng tái tạo có thể sẽ không đủ dòng tiền để trả nợ gốc, lãi trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới.

Còn đại diện VIS Rating cho rằng phương án gia hạn trái phiếu tiếp tục là lựa chọn thích hợp được các tổ chức phát hành đề nghị với trái chủ.

Theo đơn vị này, đây là phương án ít phức tạp chỉ cần sự tham gia của hai phía và không gặp phải những vướng mắc về pháp lý hơn so với các phương án khác được Nghị định 08 cho phép thực hiện. Ngược lại, các phương án khác như hoán đổi tài sản hay thanh lý tài sản đảm bảo đều cần đến sự tham gia của bên thứ ba để thực thi các nghiệp vụ phức tạp như định giá tài sản, xử lý tài sản thế chấp, chuyển giao quyền sở hữu tài sản...

Với bối cảnh trên, ông Trần Phú Việt cho rằng thị trường vẫn cần có thêm một thời gian dài đề hồi phục hoàn toàn, cũng như chứng tỏ được vai trò tích cực của kênh dẫn vốn an toàn, minh bạch để nhà đầu tư quay trở lại thị trường.

Kỳ vọng về chính sách thu hút nhà đầu tư tổ chức

Với dự báo thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, thị trường năng lượng tái tạo chưa có đột phá về chính sách, dẫn tới rủi ro nợ xấu trái phiếu với các doanh nghiệp thuộc hai nhóm ngành này tiếp tục gia tăng, các chuyên gia cho rằng kịch bản doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới để huy động vốn sẽ khó xảy ra do niềm tin của nhà đầu tư chưa hồi phục và thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân muốn mua TPDN phải tuân thủ các điều kiện khắt khe tại Nghị định số 65/2022 từ tháng 1-2024, tức phải sở hữu danh mục chứng khoán niêm yết nắm giữ với giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng, được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Điều này khiến phần lớn nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp bị loại khỏi thị trường trái phiếu.

Yếu tố này khiến không ít chuyên gia lo ngại về viễn cảnh sụt giảm thanh khoản với thị trường trái phiếu năm 2024.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần cân nhắc thêm việc có nên áp dụng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân ngay từ đầu năm 2024 hay gia hạn thêm một thời gian nữa, bởi việc áp dụng ngay có thể sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của những trái phiếu đã phát hành trước đây.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, đánh giá kênh huy động vốn trung - dài hạn trong nước vẫn bế tắc khi thị trường TPDN vẫn đang gặp khó khăn, kỳ hạn phát hành ngắn, với mục đích chủ yếu là cơ cấu nợ hoặc phát hành của nhóm ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư lớn của Mỹ sang tìm hiểu thị trường trái phiếu Việt Nam, nhưng thị trường trong nước chưa thể thu hút nhóm này do phần lớn TPDN chưa được xếp hạng tín nhiệm. Còn với nhà đầu tư cá nhân, TPDN không còn là lựa chọn phổ biến, dù lợi suất từ kênh này vẫn khá hấp dẫn so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay.

“Để khôi phục thị trường TPDN không chỉ siết lại các quy định về phát hành như thời gian qua, mà quan trọng hơn là phải phát triển cơ sở nhà đầu tư, nhất là thị trường nhà đầu tư tổ chức”, ông Thuân nhấn mạnh.

Góp ý, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI, cho ràng các nhà đầu tư cá nhân gánh chịu thiệt hại từ TPDN là nạn nhân, đồng thời cũng là thủ phạm tự đẩy mình trở thành nạn nhân. Do đó, cần khung khổ pháp lý mới nâng cao quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tuy vậy, cùng với sự siết chặt điều kiện của nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, cần có giải pháp thu hút sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức mua TPDN trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư tổ chức trên thị trường là các ngân hàng, vốn chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định của NHNN.

Với các công ty bảo hiểm - hiện quản lý khoản khoảng 30 tỉ đô la Mỹ vào TPDN, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm với nội dung “không cho phép đầu tư vào TPDN được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ” cũng làm hạn chế sự tham gia của nhóm nhà đầu tư này vào kênh TPDN.

“Cơ chế quỹ đầu tư nội tham gia ở thị trường hiện nay tương đối hạn chế. Tôi đề xuất cho phép nhà đầu tư cá nhân được phép ủy thác cho công ty quản lý quỹ để đầu tư trái phiếu riêng lẻ và không cần là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời, các quỹ đầu tư trái phiếu trên thị trường hiện nay, theo quy định, được khoảng 10% tham gia trái phiếu riêng lẻ thì bây giờ có thể nâng lên 30% hoặc 40%. Khi đó, chúng ta mới xây dựng được hệ thống nhà đầu tư chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp trên thị trường TPDN. Ngoài ra, có thể đưa ra một số ưu đãi về phí lưu ký và phí của trung tâm lưu ký thu trong từng giao dịch trái phiếu để hỗ trợ các giao dịch lớn của TPDN”, bà Ngọc Anh kiến nghị.

Với nhóm quỹ đầu tư, gồm quỹ đầu tư TPDN, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, các chính sách hiện nay cần rà soát tạo lợi thế cho các quỹ này phát triển nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp thông qua các đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp được cấp phép và quản lý bởi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Hiện quy mô tài sản của 87 quỹ đầu tư do UBCKNN nước cấp phép đạt mức 73.400 tỉ đồng tính tới cuối năm 2022, nhưng phân bổ tài sản vào TPDN vẫn hạn chế và chưa phát triển.

Về trung và dài hạn, chuyên gia này cho rằng nên xem xét các giải pháp để phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, thu hút nguồn vốn từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đơn vị quản lý vốn nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào trái phiếu. Việc tham gia của các định chế nhà nước này sẽ góp phần cải thiện niềm tin của công chúng vào kênh đầu tư TPDN và đây là thông lệ của các thị trường trong khu vực.

Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro mất vốn Nhà nước, cần có các quy định cụ thể về tỷ lệ phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp và các quy định quản trị rủi ro tương ứng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới