Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sau cuộc sàng lọc là cơ hội cho thị trường lẫn nhà đầu tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua cuộc sàng lọc và củng cố sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội cho nhà đầu tư lẫn các doanh nghiệp làm ăn uy tín, minh bạch, thực thi tốt cam kết với trái chủ.

Trên thị trường, song song với các đợt phát hành mới đã tăng mạnh trở lại, lượng mua trái phiếu trước hạn đã bắt đầu giảm dần cho thấy áp lực đòi thanh toán trước hạn từ phía nhà đầu tư đã không còn như giai đoạn căng thẳng. Hoạt động mua lại trước hạn được cho cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cơ cấu nguồn vốn và chi phí khi lãi suất về thấp hơn.

Kiện toàn để phát triển bền vững

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam 5 năm trở lại đây đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân tốt nhưng quy mô còn khá nhỏ, chỉ khoảng 15% GDP, trong khi Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP). Những con số trên, đặt biệt khi quy mô nền kinh tế, GDP của Việt Nam ở top đầu ASEAN, cho thấy còn nhiều dư địa và yêu cầu phát triển kênh dẫn vốn này để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng.

Theo như nhận định của lãnh đạo Bộ Tài chính, trong quá trình vận hành một số lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường đã bộc lộ. Vì lẽ đó, các quy định đã được ban hành nhằm kiện toàn hơn nữa hoạt động thị trường.

Đáng chú ý, những vụ việc đáng tiếc xảy ra trên thị trường thời gian, gây hệ lụy cho các nhà đầu tư, trái chủ, đã được sàng lọc mạnh mẽ. Những vụ án như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát được xác định chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, đang đi đến hồi kết sau khi cơ quan chức năng điều tra có kết luận để xử lý và đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ.

Những nỗ lực kiện toàn khung pháp lý của trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc ban hành các quy định mới của cơ quan chức năng, cùng sự vận hành của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ từ cuối tháng 7-2023, ADB đánh giá là “sẽ tạo động lực mới cho trái phiếu doanh nghiệp thị trường bằng cách cải thiện tính thanh khoản, tính minh bạch và tốt hơn tiếp cận vốn” (*).

Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư mới về việc cơ cấu lại thời hạn thanh toán nợ và việc mua lại trái phiếu của các ngân hàng. Trong đó, Thông tư số 2 nhằm nới lỏng áp lực trả nợ cho người đi vay bằng cách cho phép các khoản tín dụng mới hoặc tái cấp vốn cho khách hàng đủ điều kiện. Thông tư số 3 đình chỉ hiệu lực của Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16 (ngày 10,11-2021) từ ngày 24-4-2023 đến ngày 31-12-2023, cho phép tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài chi nhánh mua lại ngay doanh nghiệp chưa niêm yết trái phiếu có xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất mà không cần đợi 12 tháng sau mới bán.

"Thông tư số 3 nhằm mục đích ổn định tâm lý thị trường giữa các tổ chức phát hành và nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tăng cường sự phục hồi của thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ADB nhận định.

Như vậy, việc kiện toàn các quy định cũng như các chính sách hỗ trợ thị trường đã và đang phát huy tác dụng khơi thông trở lại kênh vốn huy động trung và dài hạn quan trọng nhất, cũng là cơ sở để nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự an toàn, minh bạch trên thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp: Sau cơn mưa trời lại sáng

Thực tế, việc loại bỏ những “con sâu” đơn lẻ làm xấu thị trường bất động sản, tài chính vừa qua đã giúp môi trường đầu tư bắt đầu trở nên lành mạnh, minh bạch hơn, bớt rủi ro hơn. “Tất cả các thị trường đang vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, rủi ro và cơ hội đan xen lẫn nhau. Trong ngắn hạn, nhu cầu đầu tư vào các tài sản như chứng khoán, bất động sản vẫn sẽ sụt giảm và kênh đầu tư trở nên hấp dẫn, an toàn cao hơn lúc này là trái phiếu và gửi tiết kiệm”, TS. Ngô Ngọc Quang, Đại học Ngân hàng TPHCM từng nhận định.

Theo đánh giá của chuyên gia, hoạt động nào cũng có rủi ro nhất định, đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ có lúc thị trường tăng, cổ phiếu tốt, nhưng cũng không ít cổ phiếu sụt giảm giá trị và thậm chí mất thanh khoản. Đầu tư TPDN về mức độ rủi ro thấp hơn cổ phiếu, thu nhập cố định cao hơn gửi tiết kiệm; trong khi đó sàn giao dịch thứ cấp tập trung cho thị trường TPDN đã vận hành cũng tăng thêm ưu thế và lợi ích ở kênh đầu tư này về tính thanh khoản.

Việc phát triển kênh trái phiếu một mặt giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống; mặt khác, mở ra kênh đầu tư hấp dẫn hơn thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư cũng như tổ chức, từ đó nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.

Sau giai đoạn này, nhà đầu tư cũng rút ra được kinh nghiệm cần có khi muốn sở hữu TPDN thì phải tìm hiểu chất lượng trái phiếu, uy tín của doanh nghiệp phát hành. Trên thị trường, đang có những doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy nợ thấp, một số đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt và dòng tiền trả nợ được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu, thực thi đầy đủ cam kết với trái chủ.

Sau cơn mưa trời sẽ sáng. Thị trường TPDN đang ấm lại, dự báo tăng trưởng và ngày càng lành mạnh hơn; lợi ích của nhà đầu tư, của doanh nghiệp sẽ càng được củng cố và nâng cao. Cơ hội về thanh khoản, đầu tư mới lợi ích tốt, đảm bảo thanh khoản và an toàn cũng đang rất lớn khi tới đây 1.300 mã trái phiếu sẽ đăng ký trên sàn, tạo một hệ thống giao dịch thanh khoản, khởi đầu giai đoạn mới của TPDN với tiềm năng và giá trị cần có.

(*) Nguồn: Báo cáo giám sát trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á ban hành tháng 8-2023

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới