(KTSG) - Gần 250.000 tỉ đồng là giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được phát hành trong tám tháng đầu năm nay, tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, bất chấp những rủi ro liên tục được cảnh báo trong thời gian qua. Nhìn về tương lai, tiềm năng phát triển của thị trường này vẫn khá rộng mở. Đâu là những yếu tố thúc đẩy khiến kênh đầu tư này ngày càng gia tăng sức hút?
Vẫn đầy sức hút
Rủi ro doanh nghiệp phát hành TPDN không có khả năng trả lãi suất định kỳ, mất khả năng chi trả nợ gốc, phá sản... là những cảnh báo liên tục được phát đi trong thời gian qua, từ các chuyên gia phân tích cho đến chính các cơ quan quản lý. Trong bối cảnh thị trường TPDN duy trì mức tăng trưởng nóng liên tục trong những năm gần đây, dễ hiểu vì sao nhiều người lo ngại sự bùng nổ này có thể dẫn đến những rủi ro ngoài tầm kiểm soát.
Không dừng lại ở việc cảnh báo, cơ quan quản lý cũng ngày càng thắt chặt các quy định về việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, thông qua hàng loạt văn bản luật, nghị định và thông tư. Có thể kể đến như Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 81/2020/NĐ-CP nâng cao các điều kiện, tiêu chí phát hành; Nghị định 153/2020/NĐ-CP xác định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được đầu tư vào TPDN phát hành riêng lẻ; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Dù vậy, sau giai đoạn trầm lắng trong những tháng đầu năm nay, thị trường TPDN đã bùng nổ trở lại từ đầu quí 2 bất chấp dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Thống kê cho thấy trong tám tháng đầu năm nay (tính đến ngày 28-7), tuy chỉ có khoảng 411 đợt phát hành nhưng giá trị TPDN được phát hành lên tới 248.707 tỉ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cần lưu ý rằng trong giai đoạn cùng kỳ này năm trước, các doanh nghiệp đã tăng cường phát hành TPDN để “chạy” trước thời điểm Nghị định 81 có hiệu lực. Vì vậy, việc kết quả phát hành trong tám tháng đầu năm nay vẫn giữ được sự tăng trưởng so với cùng kỳ cho thấy mức độ bùng nổ trở lại của kênh đầu tư này như thế nào.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp và không còn đủ sức hấp dẫn, thị trường cổ phiếu đang được đánh giá có độ rủi ro khó lường khi ở vùng đỉnh cao như hiện nay, các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội, thì kênh đầu tư TPDN hấp dẫn trở lại, nhất là khi việc đầu tư hiện nay dễ dàng hơn rất nhiều thông qua mạng lưới phân phối của các công ty chứng khoán và ngân hàng.
Chu trình khép kín và sự thuận tiện
Theo quy định hiện hành, chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược mới được tham gia đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ, nhưng điều đó dường như cũng không ảnh hưởng mấy đến thị trường này. Thực tế hiện nay là có ngày càng nhiều quỹ đầu tư trái phiếu được thành lập bởi các công ty chứng khoán. Thời gian qua, các công ty này ra sức kêu gọi nhà đầu tư cá nhân thay vì rót tiền trực tiếp mua TPDN thì có thể đầu tư thông qua các quỹ này.
Nói cách khác, các TPDN phát hành riêng lẻ hiện nay gần như nằm trong một chu trình khép kín dưới “bàn tay” của các công ty chứng khoán. Cụ thể, các công ty chứng khoán tổ chức tư vấn, định giá và bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp, sau đó cũng chính các công ty chứng khoán này phân phối đến nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư (bao gồm cả các quỹ do chính mình thành lập). Nếu không phân phối hết thì công ty chứng khoán trực tiếp bao tiêu phần còn lại. Sau đó, khi nhà đầu tư cá nhân muốn bán lại trước hạn cũng có thể thông qua các công ty chứng khoán.
Với nguồn vốn kinh doanh ngày càng gia tăng mạnh mẽ thông qua tăng vốn điều lệ, tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, sự lớn mạnh của các công ty chứng khoán đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPDN trong thời gian qua, cũng như cho giai đoạn tới. Đó là chưa nói đến sự tham gia của chính các ngân hàng, vốn cũng đẩy mạnh đầu tư vào TPDN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh cộng thêm lãi suất cho vay liên tục phải điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây.
Các TPDN phát hành riêng lẻ hiện nay gần như nằm trong một chu trình khép kín dưới “bàn tay” của các công ty chứng khoán.
Phát triển thị trường TPDN luôn là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ, nhằm giảm bớt sức ép lên vai trò dẫn vốn của hệ thống ngân hàng, dù các cơ quan quản lý vẫn phải có trách nhiệm cảnh báo song song đến nhà đầu tư để đề phòng rủi ro. Nhất là khi, các quy định giám sát và quản lý dù được nâng cao nhưng rõ ràng khó có thể theo sát với tình hình phát triển trong thực tiễn, cũng như các chiêu trò mà một số doanh nghiệp vì quá cần vốn nên bất chấp để hút vốn của nhà đầu tư.
Thống kê cho thấy so với các nước trong khu vực, quy mô thị trường TPDN của Việt Nam đang rất nhỏ, chỉ xấp xỉ 17% GDP, dù tỷ trọng này đã duy trì sự tăng trưởng trong suốt gần 10 năm qua. Trong khi thị trường cổ phiếu đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn một năm, từ điểm số cho đến thanh khoản, rõ ràng việc phát triển thị trường TPDN cần phải tiếp tục được quan tâm nhiều hơn.
Tương lai vẫn đầy tiềm năng tăng trưởng?
Ngoài sự tham gia tích cực của các tổ chức trung gian phát hành vốn đang ngày càng lớn mạnh, tiềm năng tăng trưởng của kênh đầu tư này được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ nhu cầu của người mua lẫn người bán trong tương lai.
Đầu tiên, đứng ở vị thế người bán là các doanh nghiệp, dù lãi suất vay vốn trong một năm qua đã giảm đáng kể, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng có lẽ không còn dễ dàng như giai đoạn trước, bởi các điều kiện tín dụng được thắt chặt hơn để hạn chế bớt rủi ro trong tình hình nền kinh tế hiện nay, cũng như tình hình mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm ngày càng bị kiểm soát chặt hơn.
Ngoài ra, để mở rộng các hoạt động đầu tư, sản xuất, doanh nghiệp luôn cần phải có nguồn vốn dài hạn, trong khi các ngân hàng ngày càng bị hạn chế ở hoạt động cho vay trung và dài hạn. Đầu tháng 10 tới đây, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng phải giảm từ 40% về chỉ còn 37%, và sẽ phải tiếp tục giảm xuống trong hai năm kế tiếp theo lộ trình đã được đặt ra.
Đó là chưa nói đến các doanh nghiệp bất động sản cũng ngày càng bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, khi định hướng của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng vốn rót vào chứng khoán hay bất động sản. Vì vậy, không có gì lạ khi nhóm doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng cường huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu, nhất là khi nguồn vốn này đáp ứng được kỳ hạn dài để phục vụ cho các dự án kinh doanh dài hơi. Cụ thể, nếu tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư TPDN so với dư nợ ngân hàng chiếm khoảng 12% nhưng tính trên phần dư nợ trung và dài hạn thì chiếm khoảng hơn 30%
Ở vị thế người mua, trước dự báo mặt bằng lãi suất thấp sẽ còn duy trì trong một thời gian dài để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trở lại, rõ ràng dòng tiền gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó dĩ nhiên sẽ có thị trường TPDN. Với những rủi ro tín dụng, khả năng chi trả, thanh toán đến từ các doanh nghiệp phát hành, thời gian tới các nhà đầu tư cá nhân sẽ phần nào yên tâm hơn khi có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, thay vì phải phụ thuộc vào đánh giá của chính các tổ chức bảo lãnh phát hành như ngân hàng hay công ty chứng khoán.
Theo quy định, từ đầu năm 2023, tất cả các TPDN phát hành thông qua hình thức chào bán ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng do Bộ Tài chính phê duyệt. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hai tổ chức đáp ứng được các điều kiện đặt ra của cơ quan quản lý trong việc cung ứng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, gồm Sài Gòn Thịnh Phát và Fiin Rating thuộc Fiin Group.