Thị trường “vàng xanh” cobalt sụp đổ
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Giá của cobalt, kim loại quý có màu xanh da trời đặc trưng còn được gọi là “vàng xanh”, một thành phần quan trọng để sản xuất pin xe điện và điện thoại thông minh (smartphone), lao dốc mạnh trên thị trường do nhu cầu không như kỳ vọng và nguồn cung dư thừa vì tích trữ quá lớn.
![]() |
Chỉ trong vòng một năm qua, giá cobalt lao dốc từ mức đỉnh trên 90.000 đô la tấn, xuống còn khoảng 26.000 đô la/tấn. Ảnh: Bloomberg |
Cobalt là một trong những kim loại định hình nên thế giới hiện đại. Trước đây, kim loại này chủ yếu được sử dụng để nhuộm màu thủy tinh và đồ gốm.
Người Ai Cập cổ đại sử dụng các hợp chất cobalt trong các tác phẩm điêu khắc của họ cách đây 2.600 năm.
Nhưng đến thế kỷ 20, cobalt được phát hiện là sở hữu những đặc tính quan trọng đối với hầu hết các công nghệ tân tiến nhất. Kết hợp cobalt với các kim loại khác sẽ tạo ra các hợp kim siêu bền và ổn định, có thể chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt và chống ăn mòn.
Vì vậy, cobalt được sử dụng để sản xuất động cơ máy bay, tên lửa, các nhà máy điện hạt nhân, tuốc bin, máy cắt, thậm chí cả các khớp háng nhân tạo. Chỉ riêng đặc tính này đã đủ để giúp cobalt có giá trị cao. Nhưng điều khiến kim loại này trở nên đặc biệt quý giá đối với giới đầu tư và cả những nhà đầu cơ là vai trò thiết yếu của nó để tạo ra cực âm của các bộ pin lithium-ion.
Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi giới đầu tư gọi kim loại có màu xanh da trời đặc trưng này là “vàng xanh”.
Từ năm 2008, sự phổ dụng của smartphone đã đẩy tăng nhu cầu pin lithium-ion ở mức nhanh chưa có tiền lệ.
Cách đây 4 năm, các nhà đầu tư cobalt bắt đầu nhận ra rằng nhu cầu xe điện bùng nổ sẽ càng khiến cobalt ngày càng trở nên quí hiếm vì mỗi bộ pin xe điện cần đến một lượng cobalt lớn, lên đến vài kg, thay vì chỉ vài chục gram như ở pin smartphone.
Từ năm 2016 đến năm 2018, giá cobalt tăng phi mã từ mức 26.000 đô la/tấn lên mức hơn 90.000 đô la/tấn.
Giờ đây, sản xuất pin điện chiếm hơn 50% nhu cầu cobalt toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều phân loại cobalt là vật liêu thô tối quan trọng.
Nhưng vào năm ngoái, giá cobalt bất thình lình sụp đổ từ đỉnh cao chót vót. Đến nay, giá cobalt rơi về mức 26.000 đô la/tấn, tức quay trở lại vạch xuất phát trước cơn bùng nổ giá trong những năm vừa qua.
![]() |
Mỏ Mutanda, mỏ khai thác cobalt lớn nhất thế giới ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã tạm thời đóng cửa. Ảnh: Telegraph |
Thị trường cobalt sụp đổ vì tăng trưởng quá nóng và do hoạt động găm hàng đầu cơ trong khi kỷ nguyên xe điện chỉ mới ở giai đoạn đầu và chưa thực sự nóng đến mức như những gì diễn ra trên thị trường cobalt trong các năm gần đây.
Một nguyên nhân nữa là một số công ty chế biến quặng cobalt, chủ yếu ở Trung Quốc và châu Phi, tích trữ cobalt với hy vọng sẽ kiếm đậm lên khi giá cobalt tăng cao. Nhưng trong vòng một năm qua, họ bắt đầu bán tháo cobalt khi nhận thấy rằng nhu cầu xe điện không như mong đợi.
Song hầu hết giới phân tích cho rằng các yếu tố cơ bản giúp cobalt tăng giá vẫn chưa biến mất bởi nguồn cung cobalt không ổn định vì nó là một nguyên tố hóa học không tồn tại độc lập trong tự nhiên. Nó thường nằm lẫn trong quặng đồng và nickel, do vậy cần phải sử dụng axít và nhiệt độ để tách cobalt khỏi các khối quặng này.
Trong tuần trước, tập đoàn khai khoáng Glencore (Thụy Sĩ) quyết định tạm đóng cửa mỏ Mutanda ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Đây là mỏ cobalt lớn nhất thế giới. Lý do đóng cửa mà Glencore đưa ra là mỏ này “không còn tính khả thi kinh tế”
Hơn 60% nguồn cung cobalt toàn cầu đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Giờ đây, khi Glencore đang đóng cửa mỏ Mutanda, khoảng 25.000 tấn cobalt sẽ bị rút ra khỏi nguồn cung toàn cầu. Điều này có thể giúp thị trường cobalt ổn định trở lại.
George Heppel, Giám đốc bộ phân tích cobalt và lithium ở công ty CRU International, nhận định thị trường xe điện sẽ bắt đầu nóng lên rõ rệt vào năm 2020 và 2021. “Đó sẽ là thời điểm căng thẳng đối với nhu cầu cobalt toàn cầu khi các hãng xe lớn như BMW, Volkswagen, Ford và Daimler đều đẩy mạnh sản xuất xe điện”, ông cho biết và dự báo, nhu cầu cobalt để sản xuất pin xe điện sẽ tăng từ 24-35% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2023. Đến lúc đó, dù Glencore vận hành mỏ Mutanda trở lại, nguồn cung cobalt vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo BBC