Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thích ứng với AI vì tương lai bền vững

Dạ Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo khi chứng kiến tốc độ phát triển nhanh trong thời gian ngắn của trí tuệ nhân tạo (AI), như nguy cơ AI đưa ra những câu trả lời sai một cách thuyết phục, đặc biệt sự xuất hiện của hình thức dữ liệu “deepfake” do AI tạo ra và họ kêu gọi xây dựng các quy định về sử dụng AI dựa trên những nguyên tắc phổ quát về nhân quyền, tính bền vững, mức độ minh bạch và năng lực quản trị rủi ro.

Các chuyên gia công nghệ trao đổi trong khuôn khổ hội thảo về GenAI do CIO Việt Nam tổ chức hôm 24-4-2024 tại TPHCM. Ảnh: Đỗ Ân

Nhiều năm nay, những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển AI không còn quá lạ lẫm với công chúng ở Việt Nam và trên thế giới. AI đã dần bước ra khỏi khuôn khổ của một thuật ngữ chuyên ngành thuần túy để hiện diện nhiều hơn trong những câu chuyện đời sống, phổ biến như trợ lý ảo trên điện thoại thông minh hay những hệ thống tự động hóa ở các nhà máy, xí nghiệp.

Theo các chuyên gia, bước ngoặt quan trọng của AI chỉ đến sau khi AI tạo sinh (Generative AI - Gen AI) xuất hiện và được phổ biến rộng rãi. Nhờ khả năng sáng tạo và thay đổi sâu sắc trải nghiệm người dùng, GenAI, một lĩnh vực nhỏ nhưng đầy hứa hẹn của công nghệ AI, đang là hạt nhân thúc đẩy những chuyển biến căn bản của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Bên cạnh tiềm năng lớn, các thách thức đi kèm với sự phát triển chưa có tiền lệ của AI cũng đặt ra những yêu cầu bắt buộc với người lao động muốn định vị lại vai trò của mình trong các ngành sản xuất - dịch vụ, với các doanh nghiệp muốn nâng cao lợi thế cạnh tranh, và với các quốc gia muốn vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguồn sáng tạo và lực đẩy hiệu suất

Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google và Microsoft đầu tư mạnh vào AI, bao gồm các sản phẩm GenAI như Gemini và Copilot. Được xem là một đột phá về công nghệ, sức mạnh của GenAI là sự kết hợp của nhiều thành tựu AI quan trọng, trong đó có mô hình ngôn ngữ lớn (Large language models - LLMs) và mô hình khuếch tán (Diffusions models).

LLMs cho phép GenAI tăng năng lực hiểu ngôn ngữ tự nhiên để “giao tiếp” với con người. Trên cơ sở đó, mô hình khuếch tán đóng vai trò sáng tạo ra dữ liệu mới dựa trên các tác vụ được giao, bao gồm hình ảnh và video. Tất cả dữ liệu nói trên được người dùng phổ thông tiếp cận thông qua các giao diện trực quan, dễ sử dụng, trên ứng dụng điện thoại thông minh hay các trình duyệt web. Điều này cho phép sự hình thành các đoạn đối thoại theo thời gian thực, cũng như khả năng trực tiếp đặt yêu cầu cho máy dưới dạng “prompts” - một tập hợp các từ khóa để con người cho AI biết thứ mình muốn và giải thích việc AI cần làm.

Phát biểu trong một hội thảo về AI do CIO Vietnam tổ chức gần đây tại TPHCM, ông Lê Trọng Hùng, CEO của Công ty NamiQ AI, nhấn mạnh mức độ hiệu quả và tính dễ tiếp cận của GenAI, với khả năng xử lý công việc nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, nhất là với tác vụ lặp đi lặp lại. Quan trọng hơn, GenAI có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa năng suất với nguồn lực tối thiểu, cả về nhân lực và vật lực.

Theo ông Hùng, những người chưa được trang bị kỹ năng lập trình vẫn có thể tự tạo và huấn luyện các mô hình AI để tối ưu hóa công việc. Họ có thể là các kiến trúc sư, những nhà thiết kế nội thất muốn giới thiệu phương án và giải pháp công trình trực quan cho khách hàng trong những buổi thảo luận. Họ cũng có thể là tiểu thương muốn trình bày sản phẩm trên các nền tảng số, trong điều kiện hạn chế về không gian và bối cảnh quay dựng.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia thừa nhận những hạn chế của AI trong việc thể hiện những chi tiết nhỏ và phức tạp, dù cảm quan tổng thể ở các sản phẩm do AI tạo ra là tương đối tốt. Thực tế này đặt ra thách thức đối với các ngành như sản xuất - kinh doanh đồ nội thất, trang sức, thiết kế, vốn đòi hỏi mức độ chi tiết và tính thẩm mỹ cao trong kết cấu, vật liệu.

Dù sao, với các doanh nghiệp, khả năng sáng tạo dường như không giới hạn của GenAI mở ra nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Trong các lĩnh vực mới nổi như nội dung số, ông Juan Mendoza, CEO của trang tin công nghệ The Martech Weekly, cho biết sức ảnh hưởng và vai trò to lớn của AI được thể hiện trong hầu như toàn bộ quá trình sáng tạo, từ khâu lên ý tưởng, triển khai các chi tiết tới giai đoạn hoàn thiện và đánh giá thành phẩm.

Với các công cụ AI, dường như thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chuyển giao quan trọng trong cách làm việc, gần giống thập niên 1980-1990, khi nhiều người bắt đầu làm quen và học cách sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản và bảng tính của Microsoft thời điểm đó. Theo thời gian, các công cụ trong bộ Office lạ lẫm ngày nào dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội tại nhiều quốc gia, và giờ đây AI có khả năng để làm điều tương tự.

Trách nhiệm và rủi ro

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều cảnh báo khi chứng kiến tốc độ phát triển nhanh trong thời gian ngắn của AI. Bà Maurya Velpula, Giám đốc khu vực về Dữ liệu và Quyền riêng tư của CNAV Business Value (Vietnam), kêu gọi xây dựng các quy định về sử dụng AI dựa trên những nguyên tắc phổ quát về nhân quyền, tính bền vững, mức độ minh bạch và năng lực quản trị rủi ro. Theo bà, các hướng dẫn công nghệ liên quan đến AI nên gắn bó chặt chẽ với các khía cạnh an ninh mạng, vốn là yếu tố then chốt trong việc ứng dụng AI một cách an toàn.

Ông Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ tại Tập đoàn Sơn Kim, đồng thời là Chủ tịch tại CIO Vietnam, cảnh báo về nguy cơ GenAI đưa ra những câu trả lời sai một cách thuyết phục. Vấn đề này, có thể xuất phát từ sai sót trong dữ liệu hay lỗi logic của thuật toán, đòi hỏi người dùng tiến hành các bước đối chiếu và xác thực thông tin để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với mục đích sử dụng.

Quan trọng hơn, sự sai lệch không chỉ giới hạn trong các đoạn văn bản do AI tạo ra, mà có thể xuất hiện ở mọi loại hình dữ liệu trong khả năng sáng tạo của AI, với “deepfake” là một ví dụ điển hình. Theo nhà chức trách tại Mỹ, “deepfake” cho phép máy tính học hỏi các mô thức phức tạp từ dữ liệu để tạo ra video, hình ảnh và các đoạn âm thanh giả mạo, phục vụ mục đích lừa đảo và phổ biến thông tin sai lệch một cách tinh vi(1). Tại Việt Nam, vào tháng 11-2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã cảnh báo “deepfake” có thể tạo ra các đoạn video giả mạo người dùng với độ chân thực lên đến 70-80%, hầu hết để chiếm đoạt tài sản trong các vụ lừa đảo trực tuyến(2).

Để giải quyết các thách thức chung, sự phối hợp chặt chẽ ba bên giữa các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ là cần thiết. Việc xây dựng các khuôn khổ quy định phạm vi và mức độ sử dụng AI trong từng lĩnh vực cụ thể, đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức của người dùng về “deepfake” và phát triển các giải pháp chống “deepfake” cũng là những yêu cầu cấp bách.

Con người là chủ thể

Trong khuôn khổ hội thảo của CIO Vietnam, một câu hỏi quan trọng đã được nêu ra: Liệu AI có khả năng thay thế vai trò chiến lược của lãnh đạo doanh nghiệp hay không?

Theo các chuyên gia, AI thực sự là công cụ hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò chiến lược của những người dẫn dắt công ty. Khác với AI được xây dựng dựa trên khả năng xử lý lượng thông tin lớn, năng lực của doanh nhân còn bao gồm yếu tố cảm xúc để nhận thức về các hành vi xã hội và khả năng đánh giá sâu sắc các rủi ro tiềm ẩn đằng sau mỗi quyết định.

Hơn nữa, khi triển khai các dự án GenAI, doanh nghiệp cần xác định cụ thể tính chất và mức độ trải nghiệm khách hàng mong muốn xây dựng vì GenAI, xét cho cùng, là cách mạng về trải nghiệm người dùng. Các chiến lược về GenAI cũng nên có nội dung phù hợp với mục tiêu và giá trị thương hiệu, có thể sớm đánh giá hiệu quả với thời gian triển khai ngắn (2-4 tuần) và các tiêu chí rõ ràng.

Các chuyên gia nhấn mạnh AI không phải là “đầu tàu” của chuyển đổi số, mà chỉ là “chiếc siêu xe” giúp hiện thực hóa mục tiêu của con người trên hành trình đó. Ở cấp độ doanh nghiệp, thích ứng với AI trước hết đòi hỏi ở khả năng thích ứng về mặt tư duy, nghĩa là sẵn sàng để AI thực hiện các tác vụ mà công nghệ có thể tối ưu hiệu quả công việc. Trong kỷ nguyên AI, một đội ngũ giàu sức cạnh tranh là đội ngũ có thể sử dụng AI một cách hiệu quả, với những cá nhân biết tạo “prompt” đúng nhu cầu, đánh giá được chất lượng dữ liệu do AI cung cấp và tinh chỉnh những sản phẩm từ AI một cách phù hợp cho mục đích sử dụng.

(1)https://www.dhs.gov/sites/default/files/publications/increasing_threats_of_deepfake_identities_0.pdf

(2) https://tuoitre.vn/deepfake-ngay-cang-tinh-vi-giong-that-den-80-20231107065239354.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Từ khi AI bùng nổ, gần như đã và đang hình thành một dạng tâm lý mặc định: những gì do AI cung cấp là những thứ cứ khiến mọi người tin rằng hiển nhiên/ khả thi/ đúng đắn…? Thực tế này vô cùng nguy hại. Một mặt, cho thấy con người ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, máy móc, thay vì chủ động phát huy tiềm năng tư duy, tính sáng tạo của mình. Mặt khác, một bộ phân giới tinh hoa công nghệ đang ra sức quảng bá những thành quả “thần thánh/ thần bí” của AI, không vì mục tiêu nhân văn, mà chạy theo tối đa hóa lợi nhuận. Ở đời là vậy, sớm nở tối tàn, dục tốc bất đạt. Sự tỉnh giác và sâu lắng, lúc này cần thiết hơn bao giờ hết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới