Thiên đường du lịch Bali rao bán hàng loạt khách sạn với giá rẻ
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19 khiến Bali (Indonesia), đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng ở châu Á, rơi vào cảnh hoang vắng. Nhiều khách sạn trên đảo này đang được rao bán giá rẻ do không còn đủ sức trang trải chi phí hoạt động cơ bản.
![]() |
Khách sạn 2 sao POP! Hotel Teuku Umar với 140 phòng ở Bali đang được chào bán với giá 7,7 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Cắn răng cắt lỗ
Vắng bóng du khách Úc và các đoàn khách du lịch Trung Quốc trong nhiều tháng kể từ tháng 3, nhiều chủ khách sạn trên đảo Bali gặp khó khăn tài chính và buộc phải rao bán tài sản của họ. Với tình hình kinh doanh của ngành du lịch gần như ngưng trệ hoàn toàn, một số chủ khách sạn ở đây phải cắn răng bán lỗ.
Balangan Wave, một khu resort gồm 50 biệt thự đang được xây dựng dở dang ở bãi biển lướt sóng nổi tiếng Balangan ở đảo Bali, được ông Michael Halim (chủ đầu tư) rao bán với giá 9 triệu đô la Mỹ, giảm gần 50% so với mức giá đưa ra hồi tháng 5.
Halim nói: “Với tình hình thị trường như thế này, mọi người không thể tránh được việc bán tài sản với mức giá lỗ”.
Cũng đang tìm kiếm khách mua là khách sạn 2 sao POP! Hotel Teuku Umar. Với nội thất và các khung cửa sổ được trang trí đèn neon bắt mắt, khách sạn 140 phòng này đang rao bán với giá 7,7 triệu đô la Mỹ.
Nằm cách các bãi biển nổi tiếng Kuta và Seminyak của Bali 30 phút đi taxi và có giá phòng thấp đến 14 đô la Mỹ/đêm, POP! Hotel Teuku Umar là sự lựa chọn yêu thích của khách Tây ba lô nhưng giờ đây, điều này không còn nữa.
Meirina Rajianto, nhà môi giới bất động sản ở Công ty bất động sản Galaxy Kuta, nói: “Khách sạn này mất hẳn doanh thu nhưng phải tốn chi phí bảo dưỡng. Chủ khách sạn quyết định bán nó, thay vì chịu mất thêm tiền”.
Tình trạng gián đoạn du lịch quốc tế đã tàn phá các đảo du lịch nổi tiếng từ Hawaii cho đến Phuket ở Thái Lan nhưng Bali đang chịu tổn thương lớn hơn tất cả. Du lịch đóng góp đến 60% GDP của hòn đảo này, cung cấp việc làm cho hầu hết người dân ở đây từ các đầu bếp, người lau dọn ở các resort cho đến tài xế công nghệ và hướng dẫn viên du lịch tự do.
Năm 2019, Bali đón nhận lượng khách quốc tế kỷ lục 6,2 triệu người. Trong quí 1 năm nay, khi dịch Covid-19 chưa đến giai đoạn trầm trọng, lượng du khách đến Bali giảm 22%, xuống còn 1,04 triệu người. Từng là những nơi nườm nượp khách nhưng ngôi đền nổi tiếng Tanah Lot và các quán rượu gần sát bãi biển ở Bali giờ đây trở nên vắng vẻ lạ thường.
Trong khi các chuỗi khách sạn lớn toàn cầu như Marriott International hay Hilton Worldwide Holdings có đủ tiềm lực tài chính để trụ vững trong thời kỳ dịch bệnh, các khách sạn nhỏ ở phân khúc giá rẻ của thị trường đang phải xoay sở tìm đường sống.
Hồi đầu tháng 6, Công ty bất động sản Galaxy Kuta (Indonesia) cho biết có 47 khách sạn từ 2 sao đến 5 sao ở Bali đang rao bán, tăng 30% kể từ lúc đại dịch ập đến. Giá rao bán thấp nhất là 22 tỉ rupiah (36 tỉ đồng) thuộc về một khách sạn 2 sao. Một khách sạn 5 sao được chào bán với giá 1.500 tỉ rupiah (2.451 tỉ đồng), cao nhất trong số các khách sạn được rao bán.
Rai Suryawijaya, Chủ tịch chi nhánh của Hiệp hội Khách sạn và nhà hàng Indonesia tại huyện Badung, nơi có đảo nghỉ dưỡng Bali, cho biết trước đại dịch Covid-19, chỉ có một vài chủ khách sạn bán tài sản nhưng sau khi dịch xảy ra, số khách sạn rao bán tăng mạnh.
Ông cho rằng, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng rao bán đồng loạt này, bao gồm sự thiếu kiên nhẫn của một số doanh nhân mới vì họ không hiểu rằng kinh doanh khách sạn là một khoản đầu tư dài hạn, đôi lúc có thể mất 15 năm mới thu hồi vốn. Một số chủ khách sạn khác bán tài sản vì không đủ sức trang trải chi phí hoạt động cơ bản trong lúc mất doanh thu mất hút.
Cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn
![]() |
Balangan Wave, một khu resort gồm 50 biệt thự đang được xây dựng dở dang ở đảo Bali, được rao bán với giá 9 triệu đô la Mỹ, giảm gần 50% so với mức giá hồi tháng 5. Ảnh: Bloomberg |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư dài hạn nắm bắt cơ hội mua các cơ sở lưu trú ở thiên đường nghỉ dưỡng Bali với giá hời. Ông Chandran V.R., Giám đốc Công ty bất động sản Cosmopolitan Real Estate, nhận định: “Đây là thời khắc tốt để mua lại khách sạn. Bali sẽ hồi phục về bình thường. Khi điều đó xảy ra, giá sẽ tăng vọt trở lại”.
Corey Hamabata, Phó Chủ tịch phụ trách mảng khách sạn và nhà hàng của Tập đoàn Tư vấn đầu tư và quản lý bất động sản JLL, cho rằng khách hàng vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội mua khách sạn giá rẻ ở Bali.
Ông nói: “Chúng tôi kỳ vọng hầu hết khách mua sẽ chú trọng đến 3 điểm chính: mua khách sạn có giá bán giảm sâu, mua những khách sạn chưa được trang bị đầy đủ để nâng cấp hoặc mua các khách sạn nằm ở các địa điểm chiến lược dễ phát triển thương hiệu”.
Với 4,2 triệu dân, đảo Bali khống chế thành công sớm dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu nhưng gần đây số ca nhiễm tăng trở lại lên hơn 1.400 ca với 13 ca tử vong. Theo chiến lược ba giai đoạn, đảo Bali sẽ tái mở cửa đón du khách trong nước vào tháng 8 và du khách quốc tế vào tháng 9 nếu kế hoạch suôn sẻ.
Dù trong kịch bản tốt nhất, du khách khó có khả năng ùn ùn trở lại Bali. Úc, nước cung cấp nguồn du khách nước ngoài lớn nhất ở đảo Bali, cho biết có khả năng đóng cửa biên giới đến tận năm sau.
Điều này khiến các quyết định đầu tư khách sạn ở Bali vào thời điểm hiện nay sẽ rất rủi ro nếu không có tầm nhìn dài hạn. Sự cạnh tranh gay gắt ở phân khúc khách sạn bình dân khiến nhiều chủ khách sạn ở đây căng thẳng ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Govinda Singh, Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn và định giá khách sạn ở châu Á của Công ty tư vấn bất động sản Colliers International, nhận định: “Những chủ khách sạn ở Bali với dòng tiền còn ít, chỉ đủ trang trải chi phí trong thời kỳ phong tỏa và không thể tái cấu trúc hay gia hạn trả nợ, có thể nhanh chóng chịu sức ép lớn”.
Theo Bloomberg, BaliSun