Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiết bị trợ thở, máy thở cần như thế nào trong điều trị Covid-19?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiết bị trợ thở, máy thở cần như thế nào trong điều trị Covid-19?

Tiến sĩ Đoàn Đức Hoằng(*)

(TBKTSG Online) – Covid-19 là loại bệnh lý hô hấp, có thể dẫn đến viêm phổi (pneumonia), vì vậy nó có thể gây khó thở và suy hô hấp. Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao máy thở là rất cần thiết trong điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm loại virus này.

Máy thở cho bệnh nhân Covid-19: Một góc nhìn khác

Thiết bị trợ thở, máy thở cần như thế nào trong điều trị Covid-19?
Sơ đồ nguyên lý máy thở hiện đại (vùng mờ biểu thị luồng dẫn khí trong thì thở vào).

Thời gian này, đại dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu đã làm cho ngành y tế trên toàn cầu trở nên bị quá tải, trong đó, sự thiếu hụt số lượng máy thở đang là một vấn đề bức thiết ngay cả ở những nước có nền y học phát triển như Mỹ và Châu Âu. Chiến lược tăng sản xuất máy thở đang được triển khai tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19, các kỹ thuật hỗ trợ hô hấp (respirator) và thở máy (mechanical ventilator – thông khí cơ học), là hai phương tiện phổ biến và rất cần thiết trong điều trị bệnh lý suy hô hấp cấp. Ngoài ra, ở mức độ tổn thương phổi nghiêm trọng hơn, một số bệnh nhân bị suy hô hấp có thể không còn đáp ứng với hai kỹ thuật thường qui này, thì việc áp dụng kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (extra-corporeal membrane oxygenation – ECMO) được xem như là giải pháp hỗ trợ sự sống ngoài cơ thể thể (extra-corporeal life support – ECLS) trong thời gian chờ hồi phục chức năng phổi.

Thiết bị hỗ trợ hô hấp (máy trợ thở – respirator)

Máy trợ thở là loại thiết bị giống như một mặt nạ, thường được làm bằng loại gạc chuyên dụng để che phủ lên miệng, hoặc cả mũi lẫn miệng nhằm ngăn ngừa hít phải các chất độc hại. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe thường mang mặt nạ trợ thở (thường gọi khẩu trang) để lọc bỏ các loại virus có thể xâm nhập, và nhờ vậy họ mới tránh được nhiễm Covid-19 trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (center for disease control – CDC) đặc biệt khuyến cáo nhân viên y tế sử dụng loại mặt nạ trợ thở N95 (N95 respirators). Sử dụng loại mặt nạ này thường dễ ôm khít với khuôn mặt, mũi và miệng hơn so với loại mặt nạ y tế thường qui hoặc loại mặt nạ phẫu thuật. Một loại mặt nạ khác có thể được sử dụng là PAPR, là mặt nạ có gắn máy lọc sạch làm không khí tinh khiết (powered air-purifying respirators), loại mặt nạ này bao phủ toàn bộ phần đầu và được gắn một máy quạt gió để lọc sạch không khí.

Mặt nạ trợ thở được xem là thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE – personal protective equipment). Một số thiết bị bảo hộ cá nhân khác để ngăn ngừa Covid-19 như kính bảo hộ, găng tay và loại áo choàng chuyên dụng dành cho nhân viên y tế.

Đối với bệnh nhân, ngoài mục đích phòng ngừa hít phải các chất độc hại và ngăn cản sự phóng thích các tác nhân lây nhiễm ra môi trường xung quanh qua các giọt bắn hô hấp, thì mặt nạ hỗ trợ hô hấp còn là thiết bị được thiết kế thêm phần trợ thở qua đó giúp cung cấp luồng khí ôxy một cách chủ động theo chỉ định cụ thể của liệu pháp oxy trong điều trị suy hô hấp. Hình vẽ bên dưới là loại mặt nạ ôxy thường được sử dụng nhất cho những bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp tại các buồng bệnh nội trú.

Loại mặt nạ trợ thở thường sử dụng theo chỉ định liệu pháp ôxy khi điều trị suy hô hấp.

Thông khí cơ học bằng máy thở

Trong y khoa, máy thở (ventilator) là máy hỗ trợ thêm sức cho người bệnh thở. Máy thở giúp bơm luồng khí ôxy (O2) vào trong phổi và loại thải khí cacbonic (CO2) qua một ống thở được luồn vào trong khí quản của người bệnh. Khái niệm thở máy (ventilate) có nghĩa là mang oxy (oxygenating) thêm vào máu (hay còn gọi là cung cấp oxy) hoặc có nghĩa là trợ giúp thở cho người bệnh bởi một máy thở (mechanical ventilator).

Loại máy thở sử dụng trong các đơn vị hồi sức cấp cứu (ICU) khi phổi của người bệnh có thể được thông khí nhân tạo bằng cách làm giảm áp lực lồng ngực (thông khí áp lực âm) trong thì thở ra hoặc bằng cách làm tăng áp lực trong đường thở (thông khí áp lực dương) trong thì hít vào (hình vẽ).

Biểu đồ thể tích phổi và lưu lượng khí trong một chu kỳ hô hấp tạo bởi loại máy thở được thiết kế theo nguyên lý tạo nguồn áp lực bơm khí và tạo dòng lưu lượng dẫn khí hô hấp.

Đa số các loại máy thở ngày nay đều có công nghệ tương tự nhau. Luồng dẫn khí hô hấp được nén trong buồng tạo áp lực sau đó được bơm vào phổi của người bệnh thông qua một van thở vào. Van thở vào được thiết kế giúp kiểm soát lưu lượng thở vào thông qua một bộ phận điều khiển điện tử. Áp lực và lưu lượng đường thở của luồng khí bơm vào phổi của người bệnh được theo dõi bởi các bộ phận nhận cảm (sensors) ghi nhận giá trị áp lực và lưu lượng khí thở vào. Lưu lượng khí thở ra cũng có thể được theo dõi nhằm phát hiện sự thất thoát (dò) khí và phát hiện mỗi khi mất kết nối đoạn dây thở nối từ máy thở đến bệnh nhân. Đây là kiểu thiết kế hiện nay cho các loại máy thở hoạt động theo nguyên lý tạo áp lực hoặc nguyên lý tạo lưu lượng.

Chọn máy thở nào?

Khả năng tương thích giữa người bệnh với máy thở là vấn đề quan trọng luôn được các bác sĩ hồi sức cân nhắc làm sao để đạt được hiệu quả hỗ trợ chức năng hô hấp một cách cao nhất. Không những vậy, việc sử dụng loại máy thở không đạt chuẩn thiết kế hoặc kiểu thở không phù hợp với tình trạng bệnh đều có tác động ngược lại có thể gây hại cho người bệnh. Dựa trên ý tưởng của nhiều chuyên gia trong thực hành lâm sàng, nhà sản xuất đã cải tiến nhiều để đưa vào sử dụng nhiều loại máy thở hiện đại được thiết kế những chức năng tạo những kiểu thở phù hợp nhu cầu của những bệnh cảnh đặc hiệu.

Trường hợp viêm phổi nặng hoặc hội chứng hủy hoại hô hấp cấp (ADRS) do Covid-19, nếu như chỉ sử dụng máy trợ thở mà không đạt hiệu quả, thì chỉ định thở máy giúp chủ động cung cấp oxy nhằm duy trì chức năng các tạng (tim, gan, thận, não…) tránh bị suy yếu do tình trạng thiếu ôxy (hypoxia).

Các kiểu thở máy cơ học mà có thể dung nạp với những hoạt động thở sinh tồn ở người bệnh được gọi là những kiểu thở có tác động hỗ tương với người bệnh. Những tác động hỗ tương này được khởi phát từ những nhịp thở sinh tồn của người bệnh dù rất yếu nhờ máy thở được thiết kết các bộ phận nhận cảm (sensors). Từ các sensors này, bộ phận điều khiển sẽ kích hoạt các nhịp thở của máy do đó sẽ tạo sự tương thích tối ưu nên thườngđạt hiệu quả thở máy rất cao. Kiểu thở có tác động hỗ tương này giúp cho hệ cơ hô hấp của người bệnh được “tập luyện”, và đây chính là mấu chốt của vấn đề. Hệ cơ hô hấp trong trường hợp này sẽ không bị mỏi (chống lại với kiểu thở máy không phù hợp) và hoàn toàn ở trong tình trạng sinh lý, đặc biệt rất phù hợp khi sử dụng kiểu thở này ở giai đoạn hồi phục bệnh.

Hơn nữa, việc huy động những nhịp thở sinh tồn tự nhiên của người bệnh chính là đem lại kiểu thở có tính tự nhiên làm người bệnh dễ thích nghi do đó giúp làm giảm hoạt động phản xạ chống máy thở, giảm nhu cầu sử dụng thuốc an thần hoặc các thuốc dãn cơ (loai thuốc cần thiết sử dụng cho bệnh nhân thở máy). Kiểu thở này được xuyên suốt trong cả 3 pha của hoạt động thở trên bệnh nhân thở máy đó là: khởi phát nhịp thở; hỗ trợ lưu lượng khí thở từ máy và điều hòa nhịp thở người bệnh phù hợp với tình trạng tổn thương phổi qua đó giúp đạt được khả năng phổi sẽ hồi phục cao nhất.

Thở máy xâm nhập ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong thời gian kéo dài thường tiềm ẩn nguy cơ bội nhiễm các loại vi khuẩn khác và xảy ra biến chứng đáng kể ảnh hưởng đến tỉ lệ sống còn.

Chiến lược sản suất máy thở không chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng bệnh nhân có chỉ định thở máy đang tăng do đại dịch Covid-19 mà còn phải đảm bảo những tiêu chí cần thiết mới đem lại hiệu quả giúp hạn chế các biến chứng suy đa tạng do thiếu oxy và giảm tỉ lệ tử vong.

Trong thực tiễn, có nhiều loại máy thở được thiết kế cải tiến theo các nhà lâm sàng nhằm đạt sự tương thích tối ưu giữa hoạt động máy với hoạt động thở của người bệnh càng giúp các tổn thương phổi chóng bình phục, tuy nhiên, chỉ định kiểu thở phù hợp và kinh nghiêm sử dụng máy thở của bác sĩ chuyên khoa giữ vai trò rất quan trọng.

Suy hô hấp nặng quá thì sao?

Mặc dù đa số các bệnh nhân nhiễm Covid-19 chỉ có biểu hiện với những triệu chứng ở mức độ vừa phải và hồi phục nhanh chóng, nhưng một số bệnh nhân có thể bị suy hô hấp nặng và có thể tiến triển đến hội chứng hủy hoại hô hấp cấp tính (acute respiratory distress syndrome – ARDS) thường cần phải nhập khoa hồi sức tích cực (ICU). 

Tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân Covid-19 được điều trị với thở máy vẫn còn khá cao, và kỹ thuật ECMO được sử dụng đúng thời điểm giúp cứu sống cho những ca thể bệnh nặng của ARDS. Ngoài ra, ECMO đặc biệt hiệu quả cho những trường hợp tổn thương tim và hoặc phổi vốn đã trơ với điều trị thở máy tích cực.

ECMO (Extra-Corporeal Membrane Oxygenation) là một kỹ thuật hỗ trợ cơ học đồng thời chức năng tim và/hoặc chức năng phổi thông qua một hệ thống tim phổi nhân tạo. Nguyên lý ECMO là sử dụng một bơm bên ngoài (loại bơm ly tâm hoặc loại bơm con lăn đặt bên ngoài cơ thể) để bơm máu tĩnh mạch (chưa được oxy hóa) của bệnh nhân qua một màng phổi nhân tạo (oxygenator) để giúp cung cấp O2 đồng thời đào thải CO2, sau đó bơm máu giàu oxy trở lại hệ tuần hoàn của người bệnh (hình vẽ).

 

Nguyên lý kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO.

Hiệp hội các nhà hồi sức cấp cứu thế giới cũng đã công bố chính thức về khuyến cáo điều trị cho những bệnh nhân Covid-19, trong đó có khuyến cáo sử dụng ECMO khi mà các phương thức điều trị thường qui bị thất bại. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần sẵn có đội ngũ được đào tạo về kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể và chuyên khoa hồi sức theo chương trình ECMO của mỗi quốc gia, vì đa số các trường hợp đều là cấp cứu khẩn cấp, cần triển khai rất nhanh để tránh nguy cơ suy đa tạng do thiếu ôxy cấp tính. Đây là giải pháp sống còn trong điều trị những ca Covid-19 có tổn thương chức năng hô hấp đặc biệt nghiêm trọng.

Chiến lược sản xuất và sử dụng các thiết bị trợ thở, máy thở có thiết kết đạt chuẩn với mục tiêu bảo vệ phổi và kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể cần được triển khai và thực hiên nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Đây đang là mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong chiến dịch điều trị Covid-19, vì cho đến nay, trong bối cảnh vẫn chưa có thuốc điều trị đích hay vaccin để phòng ngừa Covid-19 thì việc điều trị cứu sống những ca bệnh suy hô hấp từ mức độ vừa cho đến nặng là rất quan trọng.

(*) Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Phụ trách Bộ môn Gây mê hồi sức khoa y trường Đại học Phan Châu Trinh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới