Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiệt hại do bão: Nhà đầu tư thoát hàng nhưng sẽ sớm tìm kiếm cơ hội ở nhóm ngành hưởng lợi

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi các điều kiện vĩ mô đang cải thiện, những ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão và hoàn lưu sau bão Yagi đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và quyết định thoát hàng. Tuy nhiên, dòng tiền có thể sẽ sớm tìm kiếm cơ hội ở những nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ quá trình tái thiết sau bão.

Chứng khoán là một trong hai nhóm bị rút tiền nhiều nhất. Ảnh: LÊ VŨ

Tiền lại rút ra?

Giảm gần 12,5 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này (16-9-2024), tương đương giảm gần 1%, chỉ số VN-Index đã rớt về dưới mốc 1.240 điểm và không loại trừ khả năng một lần nữa “viếng thăm” lại mốc ám ảnh 1.200 điểm. Đây cũng là phiên giảm mạnh thứ 2 chỉ trong vòng chưa đến một tuần, khi trước đó vào ngày 10-9 chỉ số này giảm đến 15 điểm. Còn nếu so với thời điểm cuối tháng 8-2024, VN-Index đã giảm xấp xỉ 45 điểm, tương đương giảm 3,5%.

Khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp hơn bình quân, chỉ đạt từ 500-600 triệu cổ phiếu/phiên trên sàn HOSE, cho thấy nhà đầu tư đang khá phân vân với xu hướng thị trường hiện nay. Như trong tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 17% về còn 537 triệu đơn vị/phiên, trong khi giá trị giao dịch giảm mạnh hơn 22% về còn 12.300 tỉ đồng/phiên. Đáng lưu ý, dòng tiền bị rút ra rộng khắp ở nhiều nhóm ngành, trong đó cổ phiếu bất động sản và chứng khoán là hai nhóm bị rút tiền nhiều nhất.

Cụ thể, sau khi có chuỗi tăng gần 14% trong vòng một tháng từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9, chỉ số nhóm cổ phiếu bất động sản đã điều chỉnh giảm hơn 5% kéo dài từ tuần trước đến đầu tuần này. Chỉ số nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm 3,6% trong cùng khoảng thời gian. Tương tự, nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn là ngân hàng giảm gần 3,3% trong nửa đầu tháng 9 này, còn nhóm bảo hiểm giảm 5,6%.

Trong khi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất đang mang đến một sự hứng khởi nơi các nhà đầu tư, cùng với các điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục cải thiện tích cực, từ phía cung sản xuất cho đến cầu tiêu dùng, cũng như các biến số quan trọng như lạm phát, lãi suất hay tỷ giá đã hạ nhiệt, việc thị trường điều chỉnh trong những ngày gần đây khiến không ít người cảm thấy thất vọng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại 40.000 tỉ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến tăng trưởng GDP quí 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quí 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Theo đó, GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quí 2 (6,8-7%).

Tuy nhiên, có lẽ các nhà đầu tư đang lo ngại những thiệt hại từ cơn bão số 3 mang tên Yagi - được xem là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, dù đã đi qua nhưng để lại những hậu quả nặng nề. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại 40.000 tỉ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến tăng trưởng GDP quí 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quí 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Theo đó, GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quí 2 (6,8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Hệ lụy lâu dài

Trước tình hình này, các nhà đầu tư nhạy cảm với thông tin đã nhanh chóng thoát hàng và gây áp lực lên thị trường, trong bối cảnh lực cầu vẫn đang ở mức thấp trong thời gian qua. Thực tế không chỉ các doanh nghiệp có địa bàn kinh doanh ở khu vực miền Bắc gánh chịu thiệt hại, mà những doanh nghiệp tại các địa bàn khác cũng có thể chịu ảnh hưởng lây lan khi có thị trường tiêu thụ hàng hóa hoặc phụ thuộc vào nguồn cung đầu vào ở các tỉnh miền Bắc.

Những con số bồi thường được các công ty bảo hiểm đưa ra đã phần nào khắc họa thiệt hại nặng nề sau cơn bão lần này. Thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến ngày 12-9, tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỉ đồng. Đây mới chỉ là những số liệu sơ bộ ban đầu, hiện vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.

Khi doanh nghiệp gặp thêm khó khăn, ngành ngân hàng không chỉ đang phải giảm lãi suất hỗ trợ, mà còn phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng và phải tiếp tục tái cơ cấu nợ. Trong những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đã thông tin về số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, cùng những chính sách giảm lãi suất cho vay để cùng đồng hành giúp khách hàng vượt qua khó khăn.

Trước đó, vào ngày 9-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Văn bản 741 chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.

Và theo báo cáo của NHNN, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỉ đồng. Điều này cũng phần nào lý giải cho sự sụt giảm ở giá cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm trong những ngày qua.

Đặc biệt, điều nhiều người lo ngại là không biết liệu có thêm các cơn bão nào tương tự sẽ đến trong thời gian tới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn. Ngoài ra, trong tình hình ngập lụt kéo dài sau bão, rất nhiều vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn tới nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ các bệnh dịch truyền nhiễm bùng phát. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý cảnh báo gần đây.

Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành miền Bắc bị phá hủy nghiêm trọng, trong khi mưa lũ kéo dài khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, có thể gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất và thiếu hụt hàng hóa, kéo theo áp lực lạm phát gia tăng trở lại. Cụ thể, sản lượng nông nghiệp trong các tháng tới dự kiến giảm mạnh, đặc biệt là sản lượng lúa.

Theo báo cáo chiến lược tháng 9 từ Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS Research), thiệt hại từ cơn bão này sẽ kéo dài đến hết quí 3-2024, khiến nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt trầm trọng. Việc phục hồi sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với việc giá nguyên liệu tăng cao, các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu chi phí sản xuất lớn hơn, tạo ra hiện tượng lạm phát chi phí đẩy.

Bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực do bão, cũng có những ngành có thể hưởng lợi từ cơ hội tái thiết sau bão. Đó có thể là nhóm ngành nông nghiệp hưởng lợi từ giá thực phẩm tăng cao. Ngành sản xuất phân bón và vật liệu xây dựng hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trong quá trình tái thiết. Tương tự, ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu sửa chữa và tái thiết hạ tầng sau bão.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới