Thiệt hại khó nhìn thấy
![]() |
(SGTO) – Thiệt hại cho ngân sách từ đề án 112, hoặc như thiệt hai cho cổ đông ở trường hợp Đạm Phú Mỹ mới đây không chỉ tính ra được bằng số liệu cụ thể mà còn có thêm những thiệt hại khó lường khác.
1. Vụ Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 112) lại rộ lên từ cuối tuần trước sau khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban Điều hành Đề án 112. Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam là một số nhân vật có liên quan.
Có lẽ phải đợi thêm một thời gian nữa sau khi cơ quan điều tra kết thúc vụ án mới biết chính xác con số thiệt hại và lãng phí cho ngân sách nhà nước mà đề án này gây ra. Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn cả và khó lượng định hơn cả chính là sự chững lại của quá trình tin học hóa quản lý hành chính ở cả Trung ương và địa phương do hiệu ứng từ vụ án này. Chắc chắn những thất bại của Đề án 112 như việc đào tạo tin học cho hàng chục ngàn cán bộ, việc mua sắm trang thiết bị, soạn phần mềm dùng chung sẽ làm chùn tay những ai sẽ phải ký duyệt các đề án tương tự trong tương lai. Những người thật sự có tâm huyết trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cho các bộ, ngành và các địa phương cũng sẽ có tâm lý e dè trong đề xuất và thực hiện. Trong khi đó, việc ứng dụng tin học vào quản lý hành chính công, một công cụ mà nhiều nước đang tận dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh, không thể dừng lại chờ.
Xuất phát điểm của Đề án 112 là nhu cầu tin học hóa công việc quản lý hành chính nhưng khi quá trình cải cách hành chính chưa “thấm đều” ở các bộ, ngành hay các địa phương, chưa nhận ra nhu cầu bức thiết tận dụng công cụ tin học để cải tiến hiệu quả làm việc, việc lãng phí đương nhiên sẽ diễn ra và những người như ông Vũ Đình Thuần hay Lương Cao Sơn mới có cơ hội “tác oai, tác quái”. Chỉ cần dạo nhanh một vòng quanh các website của nhiều cơ quan và địa phương, chứng kiến những trang web không chịu cập nhật thông tin, nội dung nghèo nàn sẽ thấy ngay điều đó.
Giả thử một tình huống ngược lại: cơ quan quản lý – dù là một địa phương hay một ngành nào đó – nhận ra tác dụng tích cực của việc tin học hóa, sẽ chủ động xây dựng một đề án rõ ràng, chi tiết, sẽ đấu tranh để đề án của mình được phê duyệt, thậm chí có thể tìm cách có ngân sách đối ứng. Vì đó là dự án của chính mình, người chủ dự án sẽ gọi thầu công khai để tìm nơi cung ứng tốt nhất với giá thấp nhất và sẽ theo dõi sít sao quá trình triển khai nhằm nhanh chóng đưa ứng dụng vào hoạt động phục vụ cho công việc của họ. Nên nhớ, tin học chỉ là công cụ, khi chưa hình dung nhu cầu của đơn vị mình cần tin học hóa khâu nào, quy trình ra sao thì việc mua sắm máy móc tân kỳ đến đâu, phần mềm có tài tình đến đâu cũng sẽ xếp xó. Để tránh lãng phí, Nhà nước sẽ xây dựng một bộ khung chung với các nguyên tắc, định hướng chung, ngay cả những mô-đun phần mềm bắt buộc phải dùng chung cho mọi ngành và địa phương dựa vào để xây dựng đề án riêng của mình. Giả thử đó là một đề án quy mô quốc gia, khi lợi ích của dự án có thể không trùng khớp với lợi ích của người triển khai đề án, Chính phủ phải xây dựng một quy chế giám sát chặt chẽ, minh bạch hóa các khâu, từ thẩm định đến gọi thầu thực hiện. Có như vậy mới tránh được các đề án loại “112” trong tương lai.
2.Một thiệt hại khác cũng khó nhìn thấy ngay là cách ứng xử của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro VN) đối với Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) sẽ gây ra cho tâm lý đại đa số cổ đông nhỏ trong các công ty đã cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn chiếm cổ phần chi phối. Chủ tịch Petro VN, ông Đinh La Thăng, ký văn bản yêu cầu Đạm Phú Mỹ bàn giao quyền sử dụng 8 héc ta đất cho Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Dầu khí để triển khai dự án sản xuất cồn sinh học ethanol. Văn bản này còn thòng thêm chuyện với 20 héc ta đất còn lại của Đạm Phú Mỹ thì đơn vị nào của Petro VN có nhu cầu cứ đăng ký để tập đoàn phê duyệt.
Sở dĩ Petro VN ra một văn bản mang tính “chỉ đạo” như thế là vì tập đoàn này hiện đang sở hữu 60% cổ phần của Đạm Phú Mỹ. Thế nhưng Petro VN quên mất một chuyện rất cơ bản: một khi Đạm Phú Mỹ đã cổ phần hóa thì nó đã trở thành một pháp nhân độc lập trong quan hệ với Petro VN. Cho dù Petro VN có sở hữu đến 99% cổ phần của Đạm Phú Mỹ, tập đoàn này cũng không có quyền gì ra văn bản chỉ thị cho Đạm Phú Mỹ được. Ở đây chúng ta chưa bàn đến chuyện đúng sai ở khía cạnh kinh doanh của quyết định này nhưng chắc chắn về mặt pháp luật, Petro VN đã làm sai, một cái sai xuất phát từ tư duy “chủ quản” hiện vẫn còn khá phổ biến. Một công ty quốc doanh trực thuộc một bộ nay đã cổ phần hóa thì dù bộ này vẫn còn chiếm giữ 70-80% cổ phần cũng không thể trực tiếp ra lệnh cho công ty phải làm việc này, việc kia được. Cách làm khả dĩ là Petro VN chỉ thị trực tiếp cho những người đang đại diện cho phần góp vốn của mình ở Đạm Phú Mỹ, đang có chân trong Ban điều hành hay Hội đồng quản trị của Đạm Phú Mỹ để những người đó thực hiện “ý đồ” của mình.
Đến đây lại nảy sinh một vấn đề khác. Liệu một cổ đông chiếm cổ phần chi phối có thể đưa ra những quyết định có hại cho công ty (và có lợi cho họ hay tổ chức, doanh nghiệp họ đại diện) mà không ai làm gì được chăng? Luật Doanh nghiệp đã trù liệu chuyện đó và đã quy định thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác có nghĩa vụ “thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty; trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông của công ty; không… lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác”.
Như vậy nếu thành viên Hội đồng quản trị của Đạm Phú Mỹ đại diện cho phần góp vốn đa số của Petro VN có quyết định giả thử sẽ phương hại đến lợi ích của Đạm Phú Mỹ theo chỉ đạo của Petro VN ắt đã vi phạm Luật Doanh nghiệp và có khả năng bị cổ đông kiện ra tòa.
Cho dù điều này không xảy ra, cổ đông Đạm Phú Mỹ ắt sẽ “khiếu kiện” bằng cách bán cổ phiếu của công ty này để tránh thiệt hại và thị trường cũng khó lòng chấp nhận một Đạm Phú Mỹ vỏ là công ty niêm yết nhưng ruột vẫn là công ty quốc doanh.
Những vụ việc như Đạm Phú Mỹ là phép thử cho tính minh bạch, công bằng và liêm chính của thị trường chứng khoán nước ta. Nếu những nhà quản lý có trách nhiệm không lên tiếng, không có biện pháp ngăn chặn sự “lạm quyền” của Petro VN, chắc chắn đây là tiền lệ xấu, gây mất lòng tin ở nhiều nhà đầu tư khác, ở các công ty cổ phần hóa khác.
VÂN CẦM