(KTSG) - Mặc dù xuất khẩu lao động mang lại lợi ích và cơ hội kinh tế ngắn hạn cho lao động, nhưng nó giống như một thứ “doping” cần được quản lý thận trọng và không phù hợp để phụ thuộc về lâu dài.
- Ưu tiên xuất khẩu lao động sang thị trường có thu nhập cao
- Xử phạt 4 doanh nghiệp xuất khẩu lao động với số tiền hơn 600 triệu đồng
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp, xuất khẩu lao động trở thành điểm sáng cho nước nhà. Trong năm 2023, Việt Nam nhận được lượng kiều hối cao kỷ lục 16 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 4% GDP, nhờ thu nhập từ người lao động ở nước ngoài. Đây là mức tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương với hai phần ba tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân (23,2 tỉ đô la Mỹ). Trong khu vực Đông Nam Á, lượng kiều hối của nước ta cao thứ hai, chỉ sau Philippines.
Xuất khẩu lao động không chỉ mang lại lợi ích cho kinh tế vĩ mô mà còn là cơ hội đổi đời cho nhiều lao động trẻ, được trải nghiệm môi trường làm việc đa dạng ở nước ngoài và tích lũy một khoản tiền tiết kiệm đáng kể sau những năm tháng làm việc vất vả. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng rằng lao động xuất khẩu hồi hương sẽ mang lại những kỹ năng và kinh nghiệm quý giá, gia nhập vào lực lượng lao động đang rất cần nhân sự có tay nghề cao.
Hơn nữa, xuất khẩu lao động cũng có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong hai lần nâng cấp ngoại giao lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc (2022) và Nhật Bản (2023), xuất khẩu lao động là chủ đề được các bên hết sức quan tâm. Lao động Việt Nam gần đây đã thay thế lao động Trung Quốc để trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc (trừ người Hàn Quốc có quốc tịch Trung Quốc), với số lượng lần lượt là 512.000 và 113.000 người.
Xuất khẩu lao động, mặc dù mang lại nhiều tác động tích cực, nhưng nên được tiếp cận như một đòn bẩy tạm thời thay vì là động năng tăng trưởng lâu dài.
Vì lý do đó, Chính phủ coi trọng xuất khẩu lao động và từ lâu nhìn nhận đây là giải pháp then chốt để phát triển nhân lực, giải quyết vấn đề thất nghiệp, tạo kiều hối và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Kết quả là kể từ năm 2010, hơn 1,4 triệu lao động đã ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng ngắn hạn. Quốc hội đã ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vào năm 2020 để điều chỉnh lĩnh vực đang bùng nổ này.
Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu lao động không chỉ toàn màu hồng. Đầu tiên, hoạt động này có thể cạnh tranh với thị trường lao động trong nước. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động do nhiều người chọn cơ hội làm việc ở nước ngoài thay vì trong nước. Chỉ riêng năm 2023, có 155.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài, tương đương gần một phần ba số lao động mới tham gia thị trường lao động. Cùng với làn sóng FDI tăng vọt vào Việt Nam trong thời gian qua, điều này sẽ đặt thêm nhiều sức ép về nguồn cung lao động cho ngành sản xuất trong nước.
Thứ hai, xuất khẩu lao động tạo ra những hệ quả xã hội to lớn. Tương tự như Philippines, ở nước ta, các địa phương có nhiều lao động ở nước ngoài gặp nhiều vấn đề với sự tan rã của cấu trúc gia đình truyền thống, tỷ lệ ly hôn cao và tệ nạn xã hội gia tăng. Các công nhân ở nước ngoài cũng đối diện với nhiều rủi ro hơn ở trong nước. Việc mong muốn có thu nhập cao hơn - một phần là để trả các khoản phí môi giới rất cao - khiến nhiều người lựa chọn trốn ra làm việc bất hợp pháp, ở lại quá thời gian cho phép, vi phạm hợp đồng, và dễ rơi vào các cạm bẫy lừa đảo. Điều này làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội ở nước sở tại và cũng khiến hình ảnh Việt Nam bị ảnh hưởng. Từ năm 2018-2022, Việt Nam đã xử lý hơn 800 trường hợp người Việt tham gia hoạt động tội phạm ở nước ngoài, tiếp nhận khoảng 25.000 người bị trục xuất. Hơn nữa, xuất hiện thêm nguy cơ nạn buôn người khi nhiều người Việt vì không đủ điều kiện ký hợp đồng chính thức, cố gắng nhập cư vào nước sở tại thông qua các con đường bất hợp pháp.
Thứ ba, xuất khẩu lao động, tương tự như tài nguyên thiên nhiên, có thể dẫn đến tình trạng mà các nhà kinh tế gọi là “lời nguyền tài nguyên”, khi một quốc gia bị lệ thuộc vào một nguồn tài nguyên và khiến nền kinh tế không thể phát triển. Việt Nam đã đi qua được một nửa “cơ cấu dân số vàng”, khi cứ hai người trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi trở lên mới có một người phụ thuộc. Đối với hầu hết các quốc gia, đây là cơ hội chỉ có một lần để thoát “bẫy thu nhập trung bình” nhờ cơ cấu tuổi thuận lợi. Trường hợp của Hàn Quốc và Philippines minh họa hai cách tiếp cận tương phản nhau nhằm tận dụng “lợi tức dân số” để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hàn Quốc, từng là nước xuất khẩu lao động lớn với ước tính khoảng 1,6 triệu lao động hợp đồng từ năm 1963-1987, đã tận dụng thành công xuất khẩu lao động để tài trợ cho quá trình công nghiệp hóa trong những năm 1970. Đến những năm 1990, khi đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao, Seoul dần chuyển hướng từ xuất khẩu sang nhập khẩu lao động giá rẻ phục vụ cho ngành sản xuất trong nước.
Trong khi đó, Philippines xây dựng chính sách xuất khẩu lao động cùng thời điểm nhưng vẫn chưa thể thoát bẫy thu nhập trung bình. Sau hơn 40 năm, kiều hối và các ngành công nghiệp hỗ trợ mang lại cho nền kinh tế nước này 37,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,5% GDP vào năm 2023 và nước này trở thành quốc gia xuất khẩu lao động lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, thay vì đóng vai trò thúc đẩy, kiều hối lại trở thành “lời nguyền” đối với Philippines, làm giảm nguồn cung lao động, tạo ra văn hóa phụ thuộc và thúc đẩy tiêu dùng phô trương, kìm hãm tăng trưởng kinh tế đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.
Sự tương phản của hai quốc gia trên đưa ra bài học quý giá cho Việt Nam. Xuất khẩu lao động, mặc dù mang lại nhiều tác động tích cực, nhưng nên được tiếp cận như một đòn bẩy tạm thời thay vì là động năng tăng trưởng lâu dài. Việt Nam cần xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu lao động, thay vào đó tập trung phát triển thị trường lao động trong nước mang tính cạnh tranh cao hơn. Thêm vào đó, cần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, khi chỉ một phần tư lao động hiện đã được đào tạo đầy đủ, cũng như tăng cường cơ hội việc làm phù hợp cho các lao động trở về từ nước ngoài. Một báo cáo năm 2022 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy chỉ 26% lao động trở về từ Nhật Bản trong vòng một năm tìm được việc làm.
Mặc dù xuất khẩu lao động mang lại lợi ích và cơ hội kinh tế ngắn hạn cho lao động, nhưng nó giống như một thứ “doping” cần được quản lý thận trọng và không phù hợp để phụ thuộc về lâu dài. Chưa có quốc gia nào vượt qua bẫy thu nhập trung bình thành công chỉ nhờ xuất khẩu lao động, và Việt Nam có lẽ không phải là ngoại lệ.