Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu cát cho công nghiệp nghĩ đến tương lai thu hút đầu tư ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cát khan hiếm không chỉ ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà còn tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư khi các dự án hạ tầng công nghiệp cũng bị đình trệ. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cho các bên liên quan giải quyết để cải thiện môi trường đầu tư cho khu vực trong thời gian tới

VSIP Cần Thơ thiếu cát và tác động tiềm tàng

Cơ chế đặc thù về sử dụng cát cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở ĐBSCL, nhất là các tuyến cao tốc đã phần nào giải quyết được chuyện thiếu nguồn vật liệu. Tuy nhiên, với các dự án hạ tầng khác, bao gồm khu/cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị vẫn đang gặp khó…

Tại hội nghị “Triển khai, quán triệt Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ” diễn ra vào năm 2022, ông Lê Quang Mạnh, là bí thư Thành uỷ thành phố Cần Thơ thời điểm bấy giờ cho biết, khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP Cần Thơ) là một trong ba dự án quy mô lớn được địa phương tập trung nhằm tạo động lực phát. “Nhà đầu tư cam kết sau 12 tháng kể từ ngày khởi công làm hạ tầng sẽ lắp đầy 50% khu 290 héc ta (giai đoạn 1)”, ông nhấn mạnh tại hội nghị lúc bấy giờ.

Cát đang thiếu hụt phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp ở ĐBSCL. Trong ảnh là nguồn cát Campuchia đưa vào tỉnh An Giang để mua bán. Ảnh: Trung Chánh

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tức sau gần một năm khởi động (khởi động ngày 9-9-2023), dự án VSIP Cần Thơ vẫn đang “vướng” nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng để hoàn thiện hạ tầng đưa vào khai thác.

Việc chậm trễ chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và phát triển kinh tế của địa phương, thậm chí từ câu chuyện thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng của VSIP Cần Thơ có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL trong tương lai.

Tại buổi làm việc với Thành uỷ, UBND thành phố Cần Thơ cùng các sở ngành của địa phương mới đây, ông Nguyễn Thế Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ thừa nhận, hơn một năm qua, cát san lấp mặt bằng ở ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng biến động rất lớn, cả về nguồn cung cấp lẫn giá bán.

Chính vì vậy, VSIP Cần Thơ đã chủ động tìm nguồn thay thế bằng tro xỉ nhà máy nhiệt điện Trà Vinh, thậm chí nhiều lần làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ.  “Chúng tôi sẽ thuê đơn vị tư vấn để xây dựng một quy trình thí điểm sử dụng tro xỉ, từ vận chuyển đến san lấp và theo dõi”, ông Vũ đề xuất hướng tháo gỡ.

Còn với phương án sử dụng cát biển, theo ông Vũ, được đề cập rất nhiều, nhưng chưa có quy chuẩn cụ thể để sử dụng. “VSIP thử nghiệm sủ dụng cát biển cho 3 héc ta không thành vấn đề, nhưng việc này cần các sở, ngành có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng quy định”, ông cho biết.

Ông Vũ thông tin thêm, có người đề xuất VSIP Cần Thơ đăng ký trữ lượng cát biển của Sóc Trăng, nhưng việc đăng ký này không có ý nghĩa, bởi chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn để triển khai. “Ví dụ, thi công sâu bao nhiêu mét, bao nhiêu lớp, trên lớp đó (cát biển) phủ lớp gì nữa hay không, lu lèn bao nhiêu, cao bao nhiêu để cho phù hợp?”, ông nêu một loạt vấn đề chưa có hướng dẫn.

Từ câu chuyện của VSIP Cần Thơ, trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI ĐBSCL) cho rằng, việc thu hút đầu tư vào vùng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đây là thách thức có thể chúng ta chưa lường trước được.

Theo ông, nguồn vật liệu xây dựng là câu chuyện đầy áp lực cho khu vực tư nhân ở ĐBSCL, bởi đường cao tốc hay hạ tầng do Chính phủ đầu tư có thể huy động nguồn lực bằng cơ chế đặc thù, nhưng tư nhân đang khó. Đơn cử như VSIP Cần Thơ, họ phải chờ chính quyền hỗ trợ, nhưng để đẩy nhanh cũng như tạo thuận lợi là vô cùng khó khăn. Dự án cũng kỳ vọng sớm vượt khó và hoàn thành vì là công trình trọng điểm của thành phố.

Trong khi đó, TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế khu vực ĐBSCL cũng cho biết, câu chuyên VSIP Cần Thơ chắc chắn sẽ có tác động đến việc thu hút đầu tư, bao gồm cả tác động tiềm tàng và trực tiếp.

Tác động trực tiếp, đó là thiếu vật liệu xây dựng/giá vật liệu tăng đã đẩy chi phí đầu tư dự án tăng cao. “Rõ ràng, với VSIP Cần Thơ, theo tính toán ban đầu và giá vật liệu tăng cao như hiện nay, đã đẩy chi phí đầu tư tăng khoảng 800 tỉ đồng”, ông cho biết.

Thực tế, theo ông Vũ của VSIP Cần Thơ, với giá cát hiện nay, việc san lấp dự án sẽ khiến đơn vị này chi thêm 800 tỉ đồng so với phương án ban đầu. Nếu lấy 800 tỉ đồng chia đều ra, thì giá cho thuê có thể tăng thêm. Ngoài ra, bất cập cung/cầu vật liêu xây dựng đẩy các nhà đầu tư rơi vào cảnh rủi ro lớn, làm sai lệch bài toán kinh doanh, thậm chí gánh thêm chi phí lãi vay và nhiều vấn đề khác có liên quan...

Lớn hơn, thiếu vật liệu xây dựng, dẫn đến nhiều công trình đầu tư hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ, khiến nhà đầu tư không dám bỏ vốn vào. "Do đó, chuyện thiếu cát nhìn rộng ra là môi trường đầu tư bị tác động rất lớn”, ông nhấn mạnh.

Thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng từ việc thiếu vật liệu san lấp cho công nghiệp. Trong ảnh là một doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

Nên sớm thí điểm chuyển đổi vật liệu

Từ vấn đề nêu trên, ông Lam của VCCI ĐBSCL cho rằng, giữa các địa phương ĐBSCL, trong quy hoạch cần phải tính dự án nào làm trước, dự án nào được ưu tiên vì nếu địa phương nào cũng phát triển khu công nghiệp, trong khi nguồn vật liệu ngày càng khó khăn sẽ càng dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau.

Trong khi đó, ông Hiệp đề xuất, cần tiếp tục thử nghiệm sử dụng cát biển cho vùng ngọt (đã thử nghiệm cho vùng mặn) nhằm tìm câu trả lời có ảnh hưởng hay không để nhà đầu tư/địa phương an tâm sử dụng. Tất nhiên việc này phải được trả lời bằng công nghệ, kỹ thuật, số liệu, chứ không chỉ là cam kết/lời nói.

Trước mắt, với những dự án lớn như VSIP Cần Thơ, cần phải có cơ chế đặc thù để đây nhanh. Bởi nhà đầu tư không làm được, mà cần có sự vào cuộc của chính quyền, các ngành để hỗ trợ thực hiện. Còn về lâu dài, theo ông, phải giải quyết được bài toán tổng thể về cung/cầu vật liệu xây dựng mà trong đó cát vẫn là thành tố quan trọng.

Cụ thể, với công trình giao thông cần tiếp tục ý tưởng đề xuất của các nhà khoa học, đó là xây dựng đường trên cao nhằm giảm bớt áp lực san lấp cũng như giúp đảm bảo môi trường vì công trình giao thông không chia cắt ĐBSCL. “Muốn vậy, phải có chính sách khuyến khích công nghệ xây dựng ít sử dụng cát san lấp, trong đó quan trọng là chính sách thuế”, ông Hiệp gợi ý.

Bên cạnh đó, cần giải quyết bài toán cần bằng cung/cầu, tức bên cạnh tìm nguồn cung mới, thì cần giảm cầu bằng công nghệ, kỹ thuật xây dựng mới trong xây dựng hạ tầng công nghiệp, đô thị và cả dân dụng. Vấn đề này nếu không tập trung tháo gỡ nó sẽ là điểm vướng rất lớn đối với ĐBSCL trong thu hút đầu tư.

Việc tháo gỡ “điểm nghẽn” thu hút đầu tư chính là bài toán giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần kéo 1,3 triệu người trở về lại ĐBSCL. “Thực trạng xuất cư cao là đáng suy ngẫm, chúng ta kêu gọi người dân trở về, nhưng phải có việc làm, có sinh kế thì những kỳ vọng về phát triển kinh tế của địa phương mới thành hiện thực”, ông Hiệp nhấn mạnh.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cát không thiếu. Lượng cát Cam đổ về rất nhiều. Dư sức cho việc sử dụng. Thứ cần là cơ cấu là chính sách để có thể sử dụng cho các dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới