Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu cầu đường bộ nối TPHCM với Đồng Nai

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong ba năm tới, ngay cả khi ba cây cầu mới, giúp kết nối TPHCM với Đồng Nai được xây dựng xong thì hai địa phương này vẫn cần thêm từ 1-2 cây cầu đường bộ, tương đương 8 làn xe mới có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Cơ quan chức năng đã đề xuất xây dựng thêm hai cầu mới, gồm cầu Phú Mỹ 2 và cầu Đồng Nai 2 để giúp việc đi lại giữa hai địa phương được tiện lợi hơn.

cầu Nhơn Trạch_Ban Mỹ Thuận
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch. Ảnh: BQL dự án Mỹ Thuận

TTXVN dẫn thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, sở này đã phối hợp cùng Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải rà soát các quy hoạch liên quan và số liệu dự báo lưu lượng giao thông kết nối giữa Đồng Nai với TPHCM.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong trường hợp khả quan nhất là đến năm 2026, cả ba cây cầu Nhơn Trạch, Phước Khánh và Cát Lái đều được xây dựng thì các cầu kết nối giữa hai địa phương sẽ có 30 làn, vẫn thiếu 8 làn xe để đáp ứng lưu lượng xe cộ tại thời điểm đó.

Ước tính, vào năm 2026, lưu lượng xe lưu thông trên các cầu kết nối giữa hai địa phương là gần 434.000 PCU/ngày đêm (đơn vị quy đổi, 1 PCU tương đương 1 xe 5 chỗ ngồi).

Đơn vị khảo sát kết luận, trong ba năm tới, ngay cả khi các cầu mới được xây dựng theo đúng quy hoạch thì Đồng Nai và TPHCM vẫn thiếu cầu đường bộ kết nối hai địa phương.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, đoạn sông khoảng 40 km tiếp giáp giữa Đồng Nai và TPHCM (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh) sẽ có 5 cầu đường bộ, với quy mô 30 làn xe gồm cầu Đồng Nai, Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái và Phước Khánh.

Đại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải cho biết, trong 5 cầu đường bộ kết nối giữa Đồng Nai và TPHCM, hiện mới chỉ có hai cầu đưa vào khai thác gồm cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1A và cầu Long Thành trên đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Cầu Nhơn Trạch (thuộc đường Vành đai 3 – TPHCM) và cầu Phước Khánh (thuộc cao tốc Bến Lức – Long Thành) dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2025. Với cầu Cát Lái, đến nay vẫn chưa ấn định thời gian triển khai.

Trong khi đó, cầu Đồng Nai và Long Thành hiện đã quá tải trầm trọng. Cầu Đồng Nai với quy mô 8 làn xe, năng lực thiết kế là 96.000PCU/ngày đêm nhưng đang khai thác với lưu lượng 216.000 PCU/ngày đêm. Cầu Long Thành với quy mô 4 làn xe, năng lực thiết kế là 48.000 PCU/ngày đêm nhưng lưu lượng hiện tại lên đến 65.000 PCU/ngày đêm.

Tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ phía Đông của TPHCM. Về địa lý, hai địa phương bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Để kết nối giao thông, các cầu đường bộ vượt sông được coi là xương sống, đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối giữa các địa phương, đặc biệt là khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, Đồng Nai đang tích cực làm việc với TPHCM nhằm sớm thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái.

Để tăng cường khả năng kết nối giao thông đường bộ giữa TPHCM và Đồng Nai, mới đây Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã đề xuất xây dựng thêm hai cầu gồm cầu Phú Mỹ 2 (kết nối khu Nam TPHCM với với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và cầu Đồng Nai 2 (kết nối thành phố Thủ Đức – TPHCM với huyện Long Thành, Đồng Nai).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới