Chủ Nhật, 11/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu công cụ quản lý doanh nghiệp nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu công cụ quản lý doanh nghiệp nhà nước

Tư Giang

Thiếu công cụ quản lý doanh nghiệp nhà nước
Tập đoàn Sông Đà lại được đưa về Bộ Xây dựng quản lý. Ảnh TL..

(TBKTSG Online) - Chính phủ đang thiếu trầm trọng công cụ pháp lý để giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong bối cảnh khu vực kinh tế này đã phình to và đầu tư thiếu hiệu quả.

Đây là đánh giá của công trình nghiên cứu “giám sát đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố sáng 22-11.

Ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp của CIEM nói: “Vấn đề trầm trọng là không có cơ quan hay bộ nào chịu trách nhiệm chính trong giám sát doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”.

Lý do chính, theo ông là sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Nghị định 25 của Chính phủ, các quyết định phê duyệt điều lệ công ty mẹ tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91.

Ông Trung cho biết, theo quy định hiện nay, các DNNN phải nộp báo cáo tài chính quí và năm đến cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký kinh doanh và đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có tới 80% doanh nghiệp không gửi báo cáo này cho hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh.

“Doanh nghiệp không báo cáo, thì cơ quan nhà nước cũng chịu”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Tiến Cường, chuyên gia về cải các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ khó mà giám sát được khu vực này do hệ thống văn bản về giám sát và đánh giá doanh nghiệp nhà nước đã bị phá vỡ.

Lý do là Luật DNNN đã hết hiệu lực kể từ 1/7/2010 trong khi chưa có các văn bản khác thay thế.

Ông Cường nói: “Trong các văn bản pháp quy không có quy định nào quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính”.

Theo ông, đây là lý do mà không cơ quan nhà nước nào bị quy trách nhiệm vì sự đổ vỡ của Vinashin, Vinalines và một số doanh nghiệp nhà nước khác.

Trong khi đó, trả lời Thời báo Ngân hàng ngày 22-11, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc Văn phòng Chính phủ - ông Phạm Viết Muôn cho rằng Thủ tướng cũng không quản lý các tập đoàn, tổng công ty.

Ông nói: “Thủ tướng không quản lý doanh nghiệp (nhà nước). Không có doanh nghiệp (nhà nước) nào trực thuộc Thủ tướng. Không có văn bản nào, không có quy định nào quy định doanh nghiệp (nhà nước) trực thuộc ai. Chưa bao giờ và ở đâu có quy định rằng, tập đoàn trực thuộc Thủ tướng”.

Ông Muôn phàn nàn rằng, lâu nay người ta nói “Thủ tướng quản lý các tập đoàn”, hay “tập đoàn trực thuộc Thủ tướng” là cách nói “nôm na”, chứ không có cơ sở.

Theo Bộ Tài chính, tổng tài sản của 91 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 2.093.907 tỉ đồng năm 2011, tăng 16% so với năm 2010. Nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty lên tới gần 1,3 triệu tỉ đồng trong năm 2011, tăng gần 19% so với năm 2010.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới