Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu dầu diesel làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo đà tăng giá quá mạnh của dầu diesel do nguồn cung thiếu hụt có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Thị trường dự kiến ​​sẽ thắt chặt hơn nữa khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với diesel nhập khẩu từ Nga có hiệu lực vào tháng 2-2023.

Một trạm xăng dầu của BP ở thành phố Nice, Pháp đã tạm nghỉ bán hồi đầu tháng 10 do nguồn cung nhiêu liệu thiếu hụt sau khi xảy ra đình công ở một số nhà máy lọc dầu tại nước này. Ảnh: EPA/EFE

Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng công bố hôm 15-11, IEA nhận định tình trạng thiếu hụt dầu diesel có thể là “điểm đau” tiếp theo trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu diesel của Nga sắp triển khai dự kiến sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên một thị trường vốn đã thắt chặt.

Theo IEA, giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 10 và hiện cao hơn 70% so với một năm trước. Trong khi đó, mức chênh lệch giữa giá dầu diesel và giá dầu thô ở khu vực này cũng đang cao hơn 425% so với cùng kỳ năm ngoái.

IEA, có trụ sở tại Paris, cho biết: “Giá dầu diesel cao đang thúc đẩy lạm phát, gây thêm áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu thế giới”.

Một khi lệnh cấm vận của EU đối với hoạt động nhập khẩu dầu diesel và các chế phẩm dầu mỏ khác từ Nga được thực hiện vào tháng 2-2023, thị trường sẽ thắt chặt hơn nữa, IEA nhận định.

Theo IEA, trong thời gian tới, sự cạnh tranh đối với các thùng dầu diesel không phải của Nga sẽ rất khốc liệt. Các nước EU sẽ phải đấu giá mua diesel từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ để giành nhiên liệu này từ những khách hàng truyền thống của họ.

IEA nhận định: “Việc tăng công suất nhà máy lọc dầu cuối cùng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn cung dầu diesel. Tuy nhiên, nếu giá diesel tăng quá cao, điều không thể tránh khỏi là nhu cầu sẽ phá hủy để giúp cân bằng thị trường”.

Áp lực tăng giá đối với dầu diesel, loại nhiên liệu quan trọng để vận hành các hoạt động kinh tế, đã duy trì trong phần lớn năm nay.

IEA cho biết thị trường dầu diesel đã căng thẳng trước khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra do công suất lọc dầu toàn cầu suy giảm 3,5 triệu thùng/ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến. Nhu cầu nhiên liệu phục hồi ở thời kỳ hậu Covid-19 cùng với tình trạng gián đoạn các lô hàng diesel của Nga và mức xuất khẩu diesel thấp hơn bình thường của Trung Quốc càng làm thắt chặt thêm nguồn cung trên thị trường.

Các vấn đề về nguồn cung diesel trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây bởi các cuộc đình công đòi tăng lương ở các nhà máy lọc dầu của châu Âu. IEA cho biết các cuộc đình công ở một số công ty lọc dầu của Pháp đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp miền bắc nước này trong tháng 10. Tác động của hành động đình công có lúc đã đẩy giá dầu diesel tại Rotterdam (Hà Lan), trung tâm giao dịch diesel của châu Âu, lên cao hơn 80 đô la Mỹ so với giá dầu thô.

Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, các hoạt động đình công được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra. Người lao động tại nhà máy lọc dầu Fawley (Anh) của ExxonMobil, có công suất 270.000 thùng/ngày, đã tuyên bố đình công vào cuối tháng 11. Trong khi đó, người lao động tại một nhà máy lọc dầu có công suất 380.000 thùng/ngày của Tập đoàn BP ở Rotterdam cũng đe dọa sẽ đình công.

Theo IEA, giá dầu diesel cao kết hợp với nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và đồng đô la Mỹ mạnh, đang gây áp lực lên nhu cầu dầu thô. IEA dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong quí 4 sẽ giảm 240.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến tháng 10, các nước EU đã giảm nhập khẩu dầu thô và dầu diesel từ Nga lần lượt 1,1 triệu thùng/ngày và 50.000 thùng/ngày. Khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ của Nga lần lượt có hiệu lực vào tháng 12-2022 và tháng 2-2023, châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung thay thế thêm 1,1 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và 1 triệu thùng/ngày đối với dầu diesel, naphtha và dầu nhiên liệu, theo tính toán của IEA.

IEA cho biết, dù Nga đã chuyển hướng tất cả các lô hàng dầu thô bị châu Âu từ chối sang châu Á, nhưng nước này buộc phải cắt giảm xuất khẩu các chế phẩm dầu mỏ khoảng 400.000 thùng/ngày kể từ đầu năm.

Nỗ lực áp trần giá dầu Nga do Mỹ dẫn đầu sẽ cho phép duy trì một số giao dịch mua dầu từ nước này và có thể giúp giảm bớt căng thẳng nguồn cung sau lệnh cấm vận của EU.

“Tuy  nhiên, vẫn còn vô số bất ổn và thách thức về hậu cần. Thương mại của một số chế phẩm dầu mỏ cụ thể đang phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn”, IEA cảnh báo.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới