Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu hướng dẫn, ngân hàng tạm dừng bán bảo hiểm

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một số ngân hàng thương mại đã tạm dừng triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm từ ngày 1-7-2024, thời điểm Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, vì chưa có văn bản hướng dẫn và bối rối với quy định cấm ngân hàng gắn bảo hiểm với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ dưới mọi hình thức.

Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội xem xét thông qua vào thời điểm bảo hiểm nhân thọ vướng nhiều vụ việc lùm xùm. Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm do chưa xử lý được các vấn đề phát sinh giữa nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm với khách hàng.

Cũng có ý kiến đề nghị cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại hoặc dự thảo luật cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà các tổ chức tín dụng làm đại lý để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Từ đề xuất của đại biểu Quốc hội, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định: ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng (điều 113). Đồng thời, bổ sung quy định cấm “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức” (khoản 5, điều 15).

Mong muốn của các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm là NHNN sớm có văn bản hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm cũng như làm rõ quy định cấm ngân hàng gắn kèm sản phẩm bảo hiểm với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ để có cơ sở pháp lý triển khai, thực hiện.

Như vậy, theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, các ngân hàng thương mại vẫn được triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã tạm dừng triển khai hoạt động này từ ngày 1-7-2024, tức từ thời điểm Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, vì chưa có thông tư hướng dẫn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng đang rất lúng túng, bối rối với quy định cấm ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ dưới mọi hình thức.

Gần đây, Hiệp hội Ngân hàng có cuộc họp với hơn 20 ngân hàng thương mại, và liên quan đến khoản 5, điều 15 nói trên thì mỗi ngân hàng đang hiểu theo một ý khác nhau. Rất nhiều câu hỏi đặt ra như: Thế nào là “sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc”? Thế nào là “gắn” việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ? “Mọi hình thức” ở đây là gì, có bao gồm hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm không?...

Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc chỉ gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trong hoạt động tín dụng của ngân hàng, để bảo đảm an toàn hoạt động, trên thế giới và ở Việt Nam đều đang quy định: tất cả tài sản bảo đảm thế chấp tại ngân hàng đều phải được tham gia bảo hiểm. Ở góc độ này, đây lại là một sản phẩm bảo hiểm bắt buộc. Vậy các sản phẩm bảo hiểm này có thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 5, điều 15 hay không, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank Lê Thị Quỳnh Hoa nêu vấn đề.

“Chúng tôi đã hỏi các chuyên gia luật, đã thảo luận với nhau để xác định thế nào là “gắn” kèm sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc nhưng không ai đưa ra được câu trả lời thỏa mãn tất cả”, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank, xác nhận.

Việc các ngân hàng tạm dừng triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm vì thiếu văn bản hướng dẫn đã ngay lập tức ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm. Đại diện Bảo hiểm BIDV cho biết, trong hai ngày đầu tiên của tháng 7, doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng của công ty này giảm tới 50%. Tình hình này nếu kéo dài thì không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt ở khu vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Mong muốn của các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm là NHNN sớm có văn bản hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm cũng như làm rõ quy định cấm ngân hàng gắn kèm sản phẩm bảo hiểm với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ để có cơ sở pháp lý triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, vướng mắc lớn ở đây là Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 không giao Thống đốc NHNN quy định chi tiết về hành vi cấm gắn kèm bảo hiểm. Thẩm quyền giải thích pháp luật, theo Hiến pháp, thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bối rối của các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm về khoản 5, điều 15 của Luật các tổ chức tín dụng một lần nữa cho thấy, vấn đề đáng quan ngại trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay là hạn chế về kỹ thuật lập pháp. Một khía cạnh điển hình là sử dụng ngôn ngữ pháp lý thiếu rõ ràng, thiếu chính xác, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong thực thi.

Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội, thông qua các ủy ban chuyên môn, nên tập trung một số chuyên gia để chỉnh sửa dự thảo về cấu trúc luật, về diễn giải luật, bảo đảm tính kỹ thuật của luật, để một quy định không được hiểu đa nghĩa, cũng như tránh các khoảng hở, khoảng chồng chéo. Thực tế, chúng ta đã huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia trong xây dựng luật. Tuy vậy, việc này cần thực chất hơn nữa thông qua việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của một số chuyên gia để xây dựng dự thảo luật chuyên nghiệp, chất lượng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới