Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu hụt hàng hóa hôm nay có thể dẫn đến dư thừa trong tương lai

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lịch sử cho thấy tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng của hàng hóa hiện nay trên thế giới có thể thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng công suất, để rồi dẫn đến sản lượng dư thừa trong tương lai.

Một số kệ hàng trống trơn ở một siêu thị của Sainsbury’s tại London (Anh) hồi tháng Mười. Nhiều mặt hàng hóa rơi vào tình trạng thiếu hụt ở các nước phương Tây do các căng thẳng trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động ở một số ngành. Ảnh: Getty

Trong khi chật vật ứng phó với cú tăng sốc của giá cả hàng hóa, đặc biệt là ở Mỹ, do nguồn cung thiếu hụt trong thời gian gần đây, thật khó để mọi người, ngay cả các chuyên gia kinh tế, nhớ đến một bài học lặp đi lặp lại: Tình trạng thiếu hụt đột nhiên chuyển sang dư thừa.

Sự kết hợp giữa vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ ở Mỹ đã đẩy giá tất cả các loại mặt hàng lên cao hơn và một số mức tăng giá gây sốc nhất diễn ra ở các sản phẩm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 10, do Bộ Lao động Mỹ công bố, cho thấy giá máy giặt và máy sấy tăng 30,1% kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong đó giá các mặt hàng nội thất tăng 12% và giá ô tô, xe tải mới tăng 11,3%.

Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng sản xuất công nghiệp đang gây ra lạm phát ở những những lĩnh vực khác. Chẳng hạn, do thiếu linh kiện chip, sản lượng xe ở Mỹ bị kìm hãm, khiến các công ty cho thuê xe khó mua xe mới  để bổ sung đội xe. Đó là lý do khiến chi phí thuê xe hơi hoặc xe tải trong tháng 10 ở Mỹ tăng cao hơn 49,2% so với trước đại dịch. Đáng chú ý, giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng cũng tăng đến 44% vì khi các công ty cho thuê xe không thể mua đủ số xe mới, họ sẽ tiếp tục sử dụng xe cũ, thay vì thanh lý.

Đối với nhiều người, lập luận cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời đã không còn đứng vững nữa. Hồi đầu năm, các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế nói rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ bắt đầu lắng dịu vào mùa thu năm nay. Nhưng hiện nay, họ thay đổi quan điểm và dự báo gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài cho đến năm sau. Với lượng hàng tồn kho thấp và nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ vẫn mạnh, rất dễ để hình dung giá cả sẽ tiếp tục tăng.

Nhưng việc dự báo tình trạng mất cân bằng cung cầu sẽ kéo dài và sau đó nhận ra rằng điều đó không xảy ra, là một câu chuyện thường thấy trong quá khứ. Khi giá thịt heo và thịt bò tăng cao và nguồn cung thiếu hụt, những hộ chăn nuôi heo và chủ trang trại chăn nuôi gia súc phản ứng bằng cách gia tăng sản lượng nuôi. Để rồi sau đó dẫn đến một chu kỳ suy giảm giá heo hơi và gia súc.

Hồi tháng 5-2021, khi giá gỗ xẻ ở Mỹ tăng vọt do nhu cầu xây nhà bùng nổ, không ai nghĩ rằng giá mặt hàng này sẽ giảm mạnh trong thời gian ngắn. Nhưng giờ đây, giá gỗ xẻ đã giảm hơn 50% so với 6 tháng trước.

Trong năm tới, nếu như một số vấn đề trong chuỗi cung ứng dịu lại chút ít, điều này cũng có thể có tác động đáng kể đến giá cả hàng hóa. Ví dụ, có rất nhiều xe đã được lắp ráp gần xong ở các nhà máy của các hãng xe trên toàn cầu. Chỉ cần nguồn cung chip ô tô cải thiện, hàng loạt xe sẽ được phân phối tới các đại lý.

Trong một lưu ý gần đây, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), một tổ chức đại diện cho các ngân hàng trung ương trên thế giới, đã chỉ ra rằng việc một số nhà sản xuất thiết lập các kho dự trữ linh kiện khổng lồ để đề phòng tình trạng thiếu hụt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.  Hiện tượng này cũng có thể vẽ nên bức tranh sai lệch về nhu cầu cơ bản trên thị trường. Đầu mùa thu này, nhiều nhà bán lẻ ở Mỹ kêu gọi người tiêu dùng mua sắm sớm trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, kẻo nguồn cung cạn kiệt.

Tuy nhiên, tuần trước, các chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ như Walmart, Target và TJX đều cho biết kho hàng của họ vẫn dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho ngày hội mua sắm Black Friday,rơi vào ngày 26-11 tới.

Trong gần 2 năm qua, người Mỹ đã dồn dập mua hàng hóa, đặc biệt là hàng gia dụng khi họ ở nhà nhiều hơn vì dịch bệnh Covid-19. Điều này cũng có nghĩa là nhu cầu sắp tới của họ sẽ chững lại. Chẳng hạn, trong năm ngoái, đơn hàng mua hàng hóa bền (các sản phẩm có thời hạn sử dụng ít nhất 3 năm như xe đạp, tivi, tủ lạnh) của người dân Mỹ tăng 7,7% so vớ năm 2019. Và mức tăng này trong chín tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019 là 26,6%.

Nếu tình hình dịch Covid-19 giảm trong những tháng tới, thì có thể người tiêu dùng ở Mỹ và các nước phương Tây khác sẽ chuyển sang chi tiêu cho dịch vụ nhiều hơn. Rủi ro Covid-19 suy giảm cũng sẽ giúp giảm bớt một số khó khăn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các nước cung cấp hàng hóa và linh kiện cho Mỹ. Ít nhất, giá một số mặt hàng có thể ngừng tăng và trở thành lực cản của lạm phát. Và giá một số hàng hóa, chẳng hạn như ô tô đã qua sử dụng, chiếm đến 1 điểm phần trăm trong mức tăng CPI 6,9% của Mỹ trong tháng 10, có thể giảm mạnh.

Justin Lahart, cây bút bình luận thị trường tài chính và chính sách kinh tế của Wall Street Journal, nhận định vào thời điểm này năm sau, lạm phát có thể không phải là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách như hiện tại.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới