Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu hụt niềm tin nơi người tiêu dùng – ‘rào cản’ cho sản phẩm hữu cơ phát triển

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bên cạnh giá bán cao, người tiêu dùng chưa có lòng tin đối với sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, kể cả sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP..., chính là “rào cản” gây khó cho sự phát triển của phân khúc sản phẩm này.

Các địa biểu tham dự diễn đàn trực tuyến vào chiều nay. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp.

Tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” diễn ra chiều 28-9, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, quy mô thị trường sản phẩm hữu cơ của Việt Nam là khá nhỏ.

Cụ thể, theo ông Tiến, trước năm 2018, quy mô thị trường sản phẩm hữu cơ Việt Nam chỉ khoảng 30-40 triệu đô la Mỹ, thì hiện nay cũng chỉ nằm trong khoảng 50-60 triệu đô la Mỹ. “Dù thị trường nhỏ như vậy, nhưng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm hữu cơ, kể cả sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam, thế giới) vẫn là một câu chuyện nan giải (hàm ý người tiêu dùng không tin vào loại sản phẩm này-PV)”, ông cho biết.

Theo ông Tiến, vụ việc một số chuỗi phân phối mới đây, kể cả với sản phẩm VietGAP, khi các nhà phân phối, kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng, đã dẫn đến việc họ không có niềm tin vào sản phẩm hữu cơ. “Sản phẩm có chứng nhận hữu cơ/theo hướng hữu cơ, có giấy xác nhận, nhưng chưa chắc đã hữu cơ, thì tác động với người tiêu dùng là rất lớn”, ông nói.

Ông Tiến gợi ý, cần đưa ra giải pháp hệ thống phân phối để từng bước chúng ta mở rộng được thị trường hữu cơ trong nước. “Sản phẩm hữu cơ không thể bán, kinh doanh, phân phối như kênh thông thường, mà cần phải có kênh chuyên biệt”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Tiến, cần đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng hiểu được giá trị của sản phẩm hữu cơ mang lại, đó là không chỉ đối với sức khoẻ của người sử dụng, mà còn là trách nhiệm của họ đối với môi trường và hệ sinh thái.

Trong khi đó, ở góc độ xuất khẩu, theo ông, quy mô thị trường sản hữu cơ phẩm toàn cầu đã có sự tăng trưởng rất mạnh thời gian gần đây.

Cụ thể, nếu như những năm 2000 quy mô sản phẩm hữu cơ toàn cầu là trên dưới 20 tỉ đô la Mỹ, thì đến năm 2010 đạt 60 tỉ đô la Mỹ, tức tăng khoảng 3 lần so với 10 năm trước.

Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, theo ông Tiến, con người đã cảm nhận được sự tương tác giữa tiêu dùng với thiên nhiên. “Con người cảm nhận được sự bất thường, cho nên đã thay đổi thói quen, hành vi ứng xử để hài hoà với thiên nhiên. Từ đó, họ đã chuyển sang xu hướng tiêu dùng xanh, nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn Covid-19 nhiều hơn”, ông cho biết và dẫn chứng, đến năm 2020 sản phẩm hữu cơ toàn cầu đã lên đến 218 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2030 dự kiến sẽ vượt mức 300 tỉ đô la Mỹ.

Theo ông Tiến, trên phạm vi toàn cầu, hiện có 74 triệu héc ta diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó, Úc là quốc gia chiếm gần 50%, với 34-35 triệu héc ta. Trong khi đó, đối với Việt Nam, đến thời điểm này, cả nước có khoảng 174.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tức chiếm một con số rất nhỏ so với thế giới.

Ngoài ra, cả nước có 555 cơ sở sản xuất sản phẩm hữu cơ, trong đó, có 55-60 doanh nghiệp, tập đoàn lớn xuất khẩu với kim ngạch sản phẩm hữu cơ chỉ khoảng 335 triệu đô la Mỹ, trong đó, tập trung vào một số sản phẩm như gạo, gia vị, các loại hạt.

Theo ông Tiến, nhu cầu của thị trường thế giới với sản phẩm hữu cơ tập trung vào các loại sản phẩm như: rau, trái cây, gia vị, các loại hạt. “Đây chính là những sản phẩm Việt Nam có lợi thế”, ông nhấn mạnh và cho rằng, cơ hội cho Việt Nam “chinh phục” thị trường thế giới vẫn còn rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics (Úc) cho biết, Úc cũng nhập khá nhiều sản phẩm hữu cơ từ các quốc gia khác. “Trên thị trường có hơn 1.000 dòng sản phẩm được phân bổ ở các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, quán cà phê và cửa hàng thức ăn nhanh”, ông cho biết.

Theo ông Kiền, những mặt hàng được Úc nhập từ các quốc gia khác, bao gồm cà phê, trà, dừa, cây gia vị, gạo, lúa mì và các sản phẩm chế biến. “Việt Nam trong danh sách vào thị trường Úc, thì trong 5 năm qua, quan sát của tôi tại các cửa hàng châu Á và siêu thị cho thấy các mặt hàng của Việt Nam vào cũng khá nhiều”, ông cho biết nhưng nói rằng, mặt hàng hữu cơ vào Úc còn rất khiêm tốn.

Ông Kiền cho biết, các sản phẩm nước chấm, trái cây đóng hộp, rau quả đông lạnh, trái cây sấy khô, hạt điều, hạt mắc ca, gạo và các sản phẩm từ gạo như bún, mì là những loại sản phẩm Úc có nhu cầu trong phân khúc sản xuất hữu cơ. “Việt Nam nổi tiếng nhất là mì, phở, trong đó, có nhiều nhà hàng Việt Nam mở tại Úc cũng là lợi thế lớn”, ông nói và cho biết, thuỷ sản, nước cốt dừa, đường thốt nốt, mật hoa dừa, tiêu, cà phê và các loại thảo mộc..., cũng là sản phẩm Việt Nam có tiềm năng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới