(KTSG Online) – Cơ hội định cư ở Úc rộng mở hơn đối với người nước ngoài sau khi chính phủ Úc quyết định nâng hạn mức nhập cư diện thường trú hàng năm thêm hơn 20% để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở trong nước. Bên cạnh đó, Canberra cũng ủng hộ tăng mức lương tối thiểu cho những người nhập cư có kỹ năng đến Úc làm việc theo diện tạm thời.
Đại dịch Covid-19 đã đóng cửa biên giới Úc trong gần hai năm và cùng với làn sóng hồi hương của khách du lịch ba lô kết hợp lao động và sinh viên nước ngoài khiến các doanh nghiệp Úc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên để duy trì hoạt động.
Đó chính là lý do chính phủ Úc chủ trì hội nghị thượng đỉnh về kỹ năng và việc làm trong hai ngày 1 và 2- 9 tại tòa nhà quốc hội ở Canberra để tìm giải pháp cho thị trường việc làm. Đây là lần thứ hai Úc tổ chức hội nghị thượng đỉnh việc làm kể từ lần đầu tiên vào năm 1983, khi cựu Thủ tướng Bob Hawke dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên cải cách công nghiệp và tập hợp các công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia để thảo luận phương án tăng năng suất và giải quyết thị trường lao động eo hẹp của đất nước.
Hội nghị việc làm lần này đưa ra 36 sáng kiến để xây dựng một đội ngũ lao động hiệu quả hơn, được đào tạo tốt hơn, lớn mạnh hơn đồng thời tăng lương, cải thiện mức sống và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người lao động Úc.
Một trong những sáng kiến đáng chú ý là nâng chỉ tiêu nhập cư diện thường trú (permanent immigration) lên mức 195.000 người/năm, tăng 35.000 người (hơn 20%) so với trước đây. Quyết định này nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cũng như giảm sự phụ thuộc vào lực lượng lao động nước ngoài diện tạm trú. Hạn ngạch nhập cư diện thường trú mới sẽ có hiệu lực trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 6-2023.
“Không có ý nghĩa gì khi đưa người nước ngoài đến vào làm việc trong vài năm, sau đó lại tiếp tục đón được một nhóm người nhập cư mới để thích nghi lại từ đầu với môi trường làm việc của Úc”, Thủ tướng Anthony Albanese nói với các phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh về việc làm khi ám chỉ đến những người đến Úc làm việc theo các diện thị thực ngắn hạn.
Chính Úc cũng công bố khoản đầu tư lên đến 1,1 tỉ đô la Úc để hỗ trợ đào tạo nghề ở trong nước. Chính phủ yêu cầu sửa đổi đạo luật làm việc công bằng nhằm củng cố sự tiếp cận đối với các hình thức lao động linh động, tăng cường bảo vệ người lao động chống lại phân biệt đối xử và tình trạng quấy rối nơi lạm việc. Một sáng kiến nữa là mở rộng thị thực và nới lỏng các hạn chế lao động đối với sinh viên quốc tế,
Bộ trưởng Nhập cư, Andrew Giles cho biết chính phủ sẽ phân bổ 36,1 triệu đô la Úc cho Bộ Nội vụ để tuyển thêm 500 công chức giúp tăng tốc độ xử lý hồ sơ xin thị thực cho các doanh nghiệp đang đỏ mắt tìm nhân viên. Tính đến tháng 5, lượng hồ sơ xin cấp thị thực không thuộc diện lý do nhân đạo còn tồn đọng lên đến 962.000.
Ông Giles cho biết hội nghị thượng cũng đạt được đồng thuận về việc nâng ngưỡng thu nhập tối thiểu cho người nhập cư có tay nghề đến Úc lao động theo diện tạm thời (TSMIT). Hiện nay, TSMIT chỉ ở mức 53.000 đô la Úc/năm, không tăng kể từ năm 2013. Các công đoàn và doanh nghiệp vẫn chưa thống nhất về mức tăng ngưỡng thu nhập này. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Úc, Andrew McKellar, đề xuất một mức tăng khiêm tốn lên khoảng 59.000-60.000 đô la Úc. Trong khi đó, Thư ký liên bang của Hiệp hội Hộ sinh và Điều dưỡng Úc, Annie Butler cho biết TSMIT tăng lên 90.000 đô la Úc/năm là điều cần thiết.
Tỷ lệ thất nghiệp của Úc đã chạm mức thấp nhất trong vòng 50 năm là 3,4% vào tháng 7 do nền kinh tế khởi sắc sau khi kết thúc các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), nền kinh tế dự kiến sẽ tăng 3,25% trong năm nay, trước khi tăng chậm lại vào năm 2023.
Nhưng tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở Úc, chỉ đứng thứ hai sau Canada trong nhóm các nền kinh tế tiên tiến của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khiến nhiều doanh nghiệp không thể tìm được nhân viên, buộc họ phải tăng lương mức cao nhất trong gần một thập niên.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh việc làm, Bộ trưởng Nội vụ Úc, Clare O’Neil cho biết đất nước đang bước vào một “cuộc chiến toàn cầu để tìm kiếm nhân tài”. Thủ hiến bang New South Wales, Dominic Perrottet nói với hội nghị rằng cải thiện thời gian xử lý thị thực là một vấn đề liên quan đến khả năng cạnh tranh nhân tài quốc tế.
Scott Farquhar, Giám đốc điều hành Công viên phần mềm Atlassian, cho biết doanh nghiệp của ông dự kiến sẽ tuyển dụng hơn 1.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển tại Úc trong năm tới. Tuy nhiên, công ty ông sẽ buộc phải tìm kiếm lao động nước ngoài nếu không tìm được nhân công trong nước. Ông nói: “Chúng ta nên nỗ lực mang những gì tốt nhất và sáng giá nhất từ nước ngoài đến và xây dựng thị trường xuất khẩu của chúng ta ở đây”.
Andrew McKellar, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và công nghiệp Úc, nói: “Với tình trạng thiếu hụt lao động và kỹ năng ở mức nghiêm trọng nhất trong 48 năm qua, việc nâng cao lượng người lao động nhập cư và rút ngắn thời gian xử lý thị thực kéo dài sẽ là điều cần thiết để giải quyết nhu cầu lao động chưa được đáp ứng. Khi cuộc chạy đua toàn cầu nhằm thu hút những người di cư có tay nghề cao đang nóng lên, chúng ta không thể mạo hiểm tụt hậu”.
Zali Steggall, một nghị sĩ độc lập, cho biết Úc có nguy cơ bị “chảy máu chất xám” trừ khi cải thiện hệ thống thị thực. Bà nói: “Hiện tại chúng tôi có quá nhiều kỹ sư làm tài xế Uber, nhưng chúng tôi lại thiếu lực lượng lao động kỹ năng”.
Úc đang cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển khác, như Canada và Đức, để thu hút nhiều người nhập cư có kỹ năng cao hơn. Tháng trước, Canada cho biết nước này đang trên đà vượt qua mục tiêu cấp thị thực diện thường trú nhân cho hơn 430.000 người trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu của Úc. Trong lúc đó, Đức có kế hoạch cải cách để khiến mình trở nên hấp dẫn hơn đối với lao động có tay nghề cao.
Theo Financial Times, Reuters, AFR