Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu muối thiếu mỡ, hư bột hư đường!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu muối thiếu mỡ, hư bột hư đường!

BS. Lương Lễ Hoàng (*)

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Natri là yếu tố giữ vai trò quyết định trong tiến trình dẫn truyền thần kinh và biến dưỡng tế bào. Sẽ không lạ nếu nhiều bệnh chứng nghiêm trọng thành hình chỉ vì khẩu phần thiếu muối ăn. Chất béo, bên cạnh chất đạm và chất đường, là dưỡng chất tối cần thiết cho tất cả tiến trình biến dưỡng, nội tiết, miễn dịch…

Mọi hình thức kiêng khem, nếu thái quá, phiến diện, đơn điệu đều có hại cho sức khỏe vì chính nạn nhân thông qua cách ăn uống không đúng cách lại tự gây rối loạn biến dưỡng.

Cuộc sống hiện đại dường như càng lúc càng lắm điều nghịch lý! Nếu tưởng nhiều người có huyết áp cứ là đà ngọn cỏ vì thiếu ăn thiếu mặc thì hố nặng.

Thống kê qua mấy trăm thành viên của giới má hồng đang có công ăn việc làm ngon ơ cho thấy hơn phân nửa chóng mặt, mệt mỏi… vì là nạn nhân thường xuyên của tình trạng huyết áp thấp. Khi tiến hành xét nghiệm chất điện giải (còn gọi là ion đồ) của nhóm này lại bật thêm một kết quả bất ngờ. Gần hai phần ba trong số đó có lượng khoáng tố natri trong máu rất thấp! Do đó không lạ gì nếu huyết áp cất đầu không lên.

Khi quan sát “phạm trường” mới vỡ lẽ chẳng qua vì nhiều bà, nhiều cô ăn rất lạt! Lý do là nhiều người tuy chưa bị cao huyết áp nhưng vừa sợ bệnh lại thêm sợ mập nên quyết định cữ muối cho chắc ăn. Chẳng những kiêng cho mình mà họ còn thường xuyên kiêng giùm cho người thân, nên cả nhà đều đồng lòng… tụt huyết áp!

Quyết định của bà “tổng quản” tuy không sai trên lý thuyết vì người bị cao huyết áp, người bệnh tim mạch đúng là không nên ăn mặn để tránh tình trạng muối ăn giữ nước trong cơ thể và gây thêm gánh nặng cho trái tim, nhưng điều đó không có nghĩa là kiêng không ăn muối khi chưa bệnh!

Nhiều người hiện nay sở dĩ có khuynh hướng nấu ăn nhạt đến thế là do ảnh hưởng của những bản tin y học đổ hết tội cho muối ăn. Bằng chứng là ngay cả món ăn trong nhiều nhà hàng ở TPHCM cũng không còn được nêm nếm “mạnh tay”, cứ như sợ khách ăn vào thì lên huyết áp trước khi thanh toán hóa đơn! Kẹt một nỗi là việc kiêng ăn muối tốt đến thế nào về sức khỏe thì chưa dám chắc 100%.

Bằng chứng là người sợ muối hơn sợ kẹt xe vẫn bệnh, chưa kể đến chuyện món ăn nuốt không trôi vì mất đi khẩu vị độc đáo. Không cần dông dài thì ai cũng hiểu bún mắm còn gì là “mắm” nếu nước lèo không… mặn, thịt kho không thể là kho nếu nước kho thịt có thể dùng thay… canh! Nếu tưởng khẩu vị không quan trọng thì lầm. Nấu một món ăn gọi là phục vụ sức khỏe để làm gì khi thực khách nuốt không vô, hay tệ hơn nữa là nuốt trôi rồi bỗng sinh thêm bệnh tức… cành hông!

Cho dù có cố tình bỏ qua một bên chuyện ngon miệng, nếu chỉ xét về cơ sở khoa học thì quan điểm ăn quá lạt như biện pháp thiết yếu phòng chống bệnh tim mạch từ nhiều năm đã không còn đứng vững sau khi người ta chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây là:

Người nén lòng ăn quá lạt ngay từ khi còn trẻ cũng không phòng ngừa bệnh tim mạch được bao nhiêu nếu so với người hiểu cách nêm muối vừa phải nhưng có nếp sinh hoạt còn nhớ đến trái tim.

Chế độ dinh dưỡng gọi là ăn lạt tuyệt đối không giúp ích cho người đang được điều trị vì cao huyết áp, suy tim… Trái lại, nếu đúng thầy, đúng thuốc thì người bệnh vẫn có thể yên tâm nêm thêm chút muối cho đời bớt tẻ nhạt khi cuộc đời đàng nào cũng đến ngã ba chưa biết về đâu.

Trái với định kiến trước đây, người sau cơn nhồi máu cơ tim nếu có chút muối trong khẩu phần lại dễ hồi phục và ít bị tái phát hơn người bị thầy thuốc bắt ăn lạt.

Tỷ lệ mắc bệnh “quên ráo” Alzheimer của người cao tuổi thuộc nhóm có chế độ dinh dưỡng kiêng ăn muối lúc còn trẻ cao gấp ba lần số đối tượng thuộc nhóm “không mặn không về”!

Kết quả điều trị bệnh trầm uất được cải thiện thấy rõ khi tăng lượng muối ăn trong khẩu phần của người gặp chuyện gì cũng buồn.

Các dẫn chứng kể trên không có gì khó hiểu, thậm chí hoàn toàn thuận lý. Nếu natri là nhân tố giữ vai trò quyết định trong tiến trình dẫn truyền thần kinh và biến dưỡng tế bào thì không lạ gì nếu nhiều bệnh chứng nghiêm trọng thành hình chỉ vì khẩu phần thiếu muối ăn. Thực trạng đó càng đáng được lưu tâm hơn nữa ở xứ mình, nơi người dân khó tránh đổ mồ hôi do khí hậu oi bức.

Ăn mặn, nói đúng hơn, ăn cho đủ muối trong bữa cơm, nếu có hại cho sức khỏe là vì nhiều người vô tình tiếp tay tăng lượng muối thu nhập qua thói quen quên uống nước cho đủ trong và sau bữa ăn. Đừng mang muối vào cơ thể mà quên đổ nước pha loãng rồi sau đó đổ tội một cách oan uổng cho món ăn mặn mòi.

Nếu chuyện gì cũng nên ở mức trung dung thì ăn mặn cũng vậy. Tất nhiên không nên ăn quá mặn làm chi để đời con chưa kịp khát nước thì cha đã vào… bệnh viện! Nếu thậm chí đến vẻ đẹp kiêu sa còn phải nhường ít bước cho nét đẹp “mặn mà” thì món ăn cũng thế.

Tất nhiên không nhất thiết lúc nào cũng phải “thêm mắm dặm muối” làm chi cho chuyện nhỏ dễ xé ra to, nhưng thử hỏi làm sao hợp lý nếu người ăn lạt để bảo vệ sức khỏe lại nuốt không trôi món ăn vì khử… muối?! Cần gì phải dẫn chứng đến món ăn nhạt nhẽo, ngay cả tình người xưa nay cũng thế, hễ nhạt sớm muộn cũng phai! Nếu cá không ăn muối cá ươn, con bệnh thiếu muối cuối đường cũng… ươn!

Hết muối đến mỡ

Quả thật không quá lời với nhận xét là nhiều bà, nhiều cô hiện nay sợ mỡ tăng cao trong máu, cụ thể là tăng cholesterol, còn hơn sợ… ma, dù là chưa hề gặp ma! Nỗi lo vì máu bỗng béo ngậy tất nhiên hợp tình, nhất là khi cholesterol là đề tài liên tục bị bi thảm hóa trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến thầy thuốc vững bụng vì không ế khách, hãng thuốc vui vẻ vì không ế hàng, cửa hàng ăn kiêng phấn chấn nhờ vốn ít lời cao…

Đáng nói chỉ ở điểm chất mỡ không đồng nghĩa với chất độc, như định kiến của nhiều người. Trái lại, chất béo, bên cạnh chất đạm và chất đường, là dưỡng chất tối cần thiết cho tất cả tiến trình biến dưỡng, nội tiết, miễn dịch… Nói cách khác, thừa hay thiếu mỡ đều khó khỏe. Oái oăm là nhiều người càng thiếu mỡ càng vui!

Đáng tiếc vì nếu bàn tay có ngón dài ngón ngắn thì mỡ trong máu cũng có loại xấu loại tốt. Đừng vội vàng hốt hoảng nếu cholesterol toàn phần trong máu tăng chút ít, nhưng các loại chất béo độc hại như LDL, triglyceride… vẫn trong định mức bình thường. Hơn thế nữa, đừng quá vui nếu thiếu cholesterol. Trái lại, thừa cholesterol một chút thậm chí là dấu hiệu khả quan vì cơ thể không thể tổng hợp kháng thể, nội tiết tố… nếu thiếu chất béo. Không ít quý bà, quý cô đang làm ốm bằng mọi giá, đang mừng húm vì thiếu chất mỡ trong máu mà không ngờ là nguy cơ bội nhiễm vì thiếu kháng thể, rối loạn kinh nguyệt do thiếu nội tiết tố sớm muộn không mời cũng đến!

Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó. Không ít người đang thắc mắc đến mất ngủ vì tuy không béo phì, thậm chí ốm tong teo nhưng vẫn tăng mỡ trong máu. Nếu tưởng phải béo phì, phải ăn nhiều mỡ mới tăng chất béo trong máu thì sai cỡ vài… cây số! Nếu mập nên dư mỡ thì hoàn toàn thuận lý, nghĩa là không khó chữa. Nghịch lý là nhiều người mình hạc xương mai nhưng lại thừa mỡ trong máu! Kết quả nghiên cứu thậm chí cho thấy nhiều đối tượng thuộc nhóm này có lá gan nhiễm mỡ nặng hơn người béo phì!

Đáng nói hơn nữa là chất mỡ tăng trong máu toàn là loại gây xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, cho dù nạn nhân cương quyết nói không với món ăn béo bở, dù thèm muốn chết! Các loại chất béo độc hại dù vậy vẫn bội tăng là do cơ thể tự tổng hợp bất kể nạn nhân kiêng cữ thế nào. Khổ hơn nữa cho nhiều người là càng kiêng khem càng tăng mỡ trong máu, cứ như chất mỡ chơi thân với… thầy thuốc!

Nếu dựa vào phân tích nêu trên để quả quyết là ăn uống kiêng cữ thường khi có hại hơn ăn nhậu thả giàn thì sai! Không riêng gì với chất béo, mọi hình thức kiêng khem nếu thái quá, nếu phiến diện, nếu đơn điệu đều có hại cho sức khỏe vì chính nạn nhân thông qua cách ăn uống không đúng cách lại tự gây rối loạn biến dưỡng. Người bệnh vì thế cần sự hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc đang trực tiếp điều trị căn bệnh để qua đó hiểu rõ nên “bắt đầu kiêng cữ ra sao?”, và “chấm dứt kiêng khem lúc nào?”. Tuyệt đối không nên nhẹ dạ nhịn ăn theo lời đồn, theo bản tin trên Internet…, vì hầu hết “tác giả”, không dám nói tất cả e mang tiếng vơ đũa cả nắm, chưa hề chữa bệnh cho ai bao giờ!

Ông bà đã dạy rõ ràng “đẹp phấn son, ngon đường mỡ”. Thiếu mỡ bánh làm sao béo! Quên dằn chút muối bánh dễ gì ngọt đến tận đáy lòng! Ai chưa tin xin mời dùng thử bánh pía Sóc Trăng.

__________________________________

(*) Trung tâm Điều trị oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới