(KTSG Online) - Thời gian vừa qua, nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh nhược cơ ở TPHCM phải chật vật khi tìm mua thuốc Mestinon. Dù chấp nhận mua thuốc với giá cao gấp đôi nhưng nhiều bệnh nhân vẫn khó khăn trong việc tìm mua được loại thuốc này.
- Thiếu nhân sự công nghệ thông tin, bệnh viện than khó khi triển khai ‘Y tế thông minh’
- Cần quy định rõ tình huống cấp bách trong y khoa để gỡ vướng cho đấu thầu thuốc
Đi khắp thành phố tìm mua thuốc
Theo chị P.T (37 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân), chị phát hiện căn bệnh nhược cơ vào đầu tháng 1-2022 khi xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, sụp hai mi mắt, tay chân vận động chóng mỏi và ngày càng bị yếu dần. Sau quá trình thăm khám, bác sĩ cho biết chị T. bị căn bệnh nhược cơ - bệnh tự miễn, buộc phải uống thuốc suốt đời.
Tuy nhiên, hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đều không còn loại thuốc Mestinon cho bệnh nhân mắc căn bệnh nhược cơ. Vì vậy, chị T. phải chật vật chạy khắp thành phố để tìm mua thuốc Mestinon. Bệnh nhân phải đi hơn 10 hiệu thuốc tây gần các bệnh viện, cũng như dọc tuyến đường Gò Xoài (quận Bình Tân) nhưng đều không có thuốc.
Cuối cùng, nhờ một người quen giới thiệu, nữ bệnh nhân này cũng đã mua được thuốc Mestinon với giá 1.800.000 đồng/lọ/150 viên (trước đây là 800.000 đồng/lọ/150 viên). Được biết, tình trạng khan hiếm thuốc Mestinon diễn ra từ cuối năm 2021 và kéo dài đến hiện tại.
Ghi nhận tại một số quầy thuốc trên đường Hai Bà Trưng, khi hỏi mua loại thuốc Mestinon, các nhân viên đều thông báo là hết hàng hoặc thuốc này từ lâu đã không còn được nhập về. Còn tại một quầy thuốc L.C, nhân viên cho biết thuốc Mestinon 60mg có giá 759.000 đồng/lọ nhưng hiện đang tạm hết hàng. Khách muốn mua phải đặt hàng trước, khoảng hai ngày sau mới có thuốc. Sau khi ghi lại thông tin đặt hàng và hẹn sẽ liên lạc khi có hàng về. Tuy nhiên, sau hai ngày, nhân viên vẫn thông báo chờ đợi thêm vì đang hết hàng.
Sáng 31-10, tra cứu trên hệ thống một số nhà thuốc lớn như A.K, L.C đều thông báo hiển thị thuốc Mestinon đãhết hàng. Một nhà thuốc tên N.A hiển thị có sẵn loại thuốc này với giá 3.000.000 đồng/lọ/150 viên.
Theo một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện ở TPHCM, sau đợt dịch Covid-19, các bệnh viện và nhiều quầy thuốc trên thị trường đều thiếu thuốc Mestinon. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp dược không nhập hàng về. Thuốc Mestinon được xem là hiệu quả nhất với người bệnh nhược cơ, nhưng trước tình trạng như hiện nay, các bác sĩ phải kê thuốc Lambertu để thay thế loại thuốc thiếu.
Lý giải nguyên nhân tại sao một số cửa hàng vẫn có thuốc để rao bán, vị bác sĩ này cho biết các loại thuốc vẫn còn là do hàng tồn. Trước tình trạng thiếu hụt, nhiều người sẵn sàng bán với giá gấp đôi hoặc gấp ba để trục lợi.
Thuốc Methotrexat được cung ứng trở lại
Thông tin về loại thuốc Methotrexat trước đây từng xảy ra tình trạng đứt nguồn cung, một lãnh đạo của một bệnh viện tại thành phố Thủ Đức (TPHCM), cho biết những tháng trước đó, bệnh viện này bị thiếu thuốc Methotrexat. Loại thuốc này bị gián đoạn nguồn cung vì xung đột Nga - Ukraine (thuốc Methotrexat sản xuất từ Belarus).
Trước tình trạng thiếu loại thuốc này, bệnh viện đã có phương án sử dụng thuốc thay thế và áp dụng phác đồ khác để điều trị. Khi được hỏi về tính hiệu quả khi thay thế loại thuốc khác, vị lãnh đạo này cho biết, chắc chắn khi thay thế thuốc sẽ có độ chênh lệch giữa các thuốc, nhưng vẫn có thể chấp nhận được.
Đặc biệt, trước tình trạng thiếu một số các loại thuốc trong những tháng vừa qua, không phải tất cả phác đồ điều trị bệnh đều bị thay đổi. “Việc thay đổi phác đồ điều trị là không nhiều, chỉ là hiện tượng đơn lẻ ở một số loại bệnh khi bệnh viện có sự giao thoa giữa các đợt thầu; chẳng hạn như có 100 loại bệnh nhưng chỉ có 1-2 bệnh bị thay đổi phác đồ. Tình trạng thay đổi phác đồ điều trị diễn ra trong một thời gian ngắn hạn”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh và cho biết, hiện bệnh viện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thuốc điều trị của bệnh nhân và thuốc Methotrexat dạng viên cũng đã được cung ứng trở lại. Khi loại thuốc này có hàng, bệnh viện cũng phải thực hiện thủ tục mua sắm qua hình thức đấu thầu.
Tình trạng bệnh nhân phải chạy vạy ra ngoài mua thuốc là thực trạng hiện nay rất phổ biến. Vừa tốn kém chi phí vừa không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Bảo hiểm y tế, một tay giữ tiền, một tay giữ thuốc. Bệnh viện, một tay khám bệnh, một tay kê đơn. Hai bên gần như không phối hợp được với nhau. Ai cũng có quyền của mình. Nhưng trách nhiệm không rõ thuộc về ai. Rốt cuộc chỉ có bệnh nhân, đứng giữa, đành chịu trận ?
Hiện nay tình trạng thiếu thuốc rất phổ biến ở bệnh viện có khám bhyt. Lý do chính là sợ vỡ quỹ bhyt nên hạn chế các mặt như mua thuốc, chi khám chữa bệnh, đôi khi bác sĩ kê đúng thuốc thì sợ quá qui định nên chỉ kê thuốc bình thường cho hợp qui định .Sao không thu thêm phí đóng bhyt của người mua. Chỉ cần thu thêm 100.000 mỗi người, với số lượng người có bhyt gần 86.000.000 triệu người, chỉ cần 50.000.000 người đóng thêm 100.000 đ là quỹ bhyt có thêm 5000 tỷ rồi.