Thứ Ba, 1/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thiếu trường lớp: phải chăng chúng ta đang tự trói tay?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Chúng ta đang trải qua tháng cuối cùng của năm nay để chuẩn bị bước vào năm mới. Một năm nhiều biến động sắp trôi qua. Năm nay càng đặc biệt hơn bởi lẽ nhiều biến động trong và ngoài nước có ảnh hưởng rất lớn với nhiều tiêu cực lên nền kinh tế quốc gia và đời sống người dân.

Tháng cuối cùng của năm cũng là dịp để nhìn lại công việc đã hoàn thành cũng như các kế hoạch còn đang dang dở nhằm đưa ra các chương trình hành động khả thi hơn cho năm mới sắp đến.

Trong ngữ cảnh này, báo Lao Động online đưa tin về kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội điểm lại các mối quan tâm của người dân Hà Nội(1). Theo bài báo, cử tri thủ đô ghi nhận quyết tâm của các cơ quan Đảng, chính quyền ứng phó với đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế. Dù gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của thành phố này đạt mức 8,8% trong năm nay với tất cả 22 chỉ tiêu đều đạt hay vượt mục tiêu đề ra.

Đó là bức tranh tổng thể. Soi một cách chi tiết hơn, tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết người thủ đô đã bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến kinh tế và dân sinh, cũng theo Lao Động online.

Nếu đọc kỹ các điều băn khoăn này được phản ảnh trên mặt báo, cử tri ở TPHCM – một cực tăng trưởng khác của Việt Nam cách Hà Nội gần 2.000 cây số – có thể thấy được khá nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn, về kinh tế vĩ mô, đó cũng là rắc rối trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cung ứng xăng dầu.

Về hạ tầng giao thông, đó vẫn là nạn kẹt xe, đường sá xuống cấp, ngập úng xảy ra nhiều nơi. Trong khi đó, điều khiến nhiều người dân cả hai nơi này không khỏi lo lắng về vấn đề chăm sóc sức khỏe không ngoài trục trặc liên quan đến cung ứng thuốc men, vật tư tại các bệnh viện.

Về giáo dục, ngoài chuyện tỷ lệ giáo viên bỏ việc cao, không hẹn mà gặp, ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam còn nổi lên một vấn đề có thể xếp vào loại “đặc thù” cho các thành phố lớn. Đó là cả hai nơi đều thiếu quỹ đất để xây thêm trường, lớp theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Ở TPHCM, số liệu từ Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố, cho thấy trong các năm 2016-2020, thành phố cần hơn 14.000 phòng học mới, nhưng chỉ xây được hơn 6.000 từ nguồn ngân sách nhà nước, nghĩa là chưa đến phân nửa con số cần thiết(2). TPHCM vẫn rất thiếu phòng học và diện tích đất cho giáo dục trong khi tình trạng khó khăn về ngân sách vẫn chưa được khắc phục.

Có thể thấy các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu phòng học và thiếu giáo viên. Tựu trung gồm bốn nguyên nhân sau đây(3). Thứ nhất, đó là việc kiểm soát tình trạng nhập cư, tăng dân cơ học chưa tốt. Thứ hai, kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều khó khăn về ngân sách và quỹ đất sạch. Thứ ba, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm chạp. Và thứ tư, thiếu các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa nhằm phát triển trường lớp.

Chúng ta có thể thấy gì từ các nguyên nhân này?

Dưới góc nhìn của một cử tri, có thể nhận ra rằng dù phải gặp muôn trùng khó khăn, các khó khăn đó phần lớn đến từ phía chúng ta, chủ yếu do chúng ta đã làm không tốt các chức năng, kế hoạch đã đề ra.

Trong kiến nghị trình Ủy ban Nhân dân TPHCM, Sở GD-ĐT cho rằng nhằm bảo đảm yêu cầu cơ sở vật chất, chính quyền thành phố cần phê duyệt theo đặc thù riêng thay cho thông tư của Bộ GD-ĐT quy định tối thiểu từ tám đến 12 mét vuông cho một học sinh xét đến quy mô dân số của thành phố. Đối với vấn đề thiếu giáo viên, sở này cũng đề xuất chính quyền thành phố kiến nghị bộ có cơ chế phù hợp về chế độ chính sách cho giáo viên.

Và chúng ta thấy gì từ các đề xuất này, khi giải pháp đưa ra từ cơ quan tham mưu cho chính quyền thành phố về mặt giáo dục lại là các đề xuất lên cấp điều hành cao hơn?

Dường như chúng ta đang tự trói tay mình bằng các cơ chế do chính mình đặt ra! Một lần nữa, câu chuyện giáo dục thiếu trường lớp, giáo viên ở Hà Nội và TPHCM lại cho thấy cái áo cơ chế chung đã quá chật đang ngăn trở con đường phát triển. Ở đây, không chỉ riêng Hà Nội hay TPHCM, mà nhiều địa phương khác gặp cùng vấn đề có thể cũng sẽ nối gót hai thành phố này.

Nói gì thì nói, tình trạng thiếu trường lớp cho học sinh tại hai cực tăng trưởng của Việt Nam – hai đầu tàu tăng trưởng lớn nhất đất nước – là chuyện khó có thể chấp nhận được. Chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Nếu đúng là cái khó chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách như đã nêu bên trên thì đó là vấn đề chúng ta phải tự giải quyết bằng cách tháo gỡ các cơ chế, chính sách đang là rào cản để bảo đảm con đường phát triển phía trước.

Một năm mới sắp bắt đầu, không chờ đợi bất cứ ai.

——————-

(1) https://laodong.vn/thoi-su/cu-tri-ha-noi-lo-lang-viec-thieu-truong-hoc-trong-cac-quan-noi-thanh-1124793.ldo

(2), (3) https://thesaigontimes.vn/nganh-giao-duc-tphcm-de-xuat-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-phong-hoc/

1 BÌNH LUẬN

  1. Giữa đô thị/ nội thị phồn hoa, hoành tráng, con em ta vẫn phải “chạy thi/ chạy chỗ” mới có nơi học hành. Nơi vùng sâu/ vùng xa/ vùng cao, trường lớp xiêu vẹo, đường sá lầy lội vẫn còn phổ biến. Không cần chủ trương, nghị quyết gì nhiều về “quốc sách giáo dục”. Chỉ mong có riêng một nghị quyết xử lý riêng việc này. Thật sự đến nơi đến chốn. Trong vòng 3-5 năm phải dứt điểm. Đừng để dân vẫn mãi chờ đợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới