Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thịt thực vật ‘lên ngôi’ thời dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thịt thực vật ‘lên ngôi’ thời dịch bệnh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Trong khi ngành công nghiệp thịt của Mỹ đang khống đốn vì dịch Covid-19 thì những nhà sản xuất thịt thực vật tại nước này đẩy mạnh công suất để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng.

“Thịt thực vật” lên cơn sốt

Cơn sốt “thịt thực vật” từ Mỹ lan đến Trung Quốc

Thịt thực vật 'lên ngôi' thời dịch bệnh
Dây chuyền sản xuất hamburger nhân “thịt thực vật” Impossible Burger tại nhà máy của Công ty Impossible Foods, Oakland, bang California. Ảnh: NY Times

Doanh số “thịt thực vật” tăng nhanh hơn thịt động vật

Trong hai tháng qua, hàng loạt ổ dịch Covid-19 xuất hiện tại các nhà máy chế biết thịt ở Mỹ, khiến nhiều công nhân nhiễm bệnh và tử vong. Rất nhiều nhà máy chế biến thịt buộc phải đóng cửa. Trong khi đó, nông dân Mỹ phải giết bỏ và tiêu hủy hàng trăm ngàn con heo do không còn lò mổ nào ở gần họ tiếp nhận chúng.

Tình trạng này không làm giảm nhu cầu thịt động vật. Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh số thịt động vật tại Mỹ trong tuần từ 12-4 đến 9-5 cao hơn 28% so với 4 tuần đầu năm nay. Nhưng các vấn đề của ngành công nghiệp thịt đang tạo cú huých mới cho các sản phẩm thịt thay thế làm bằng thực vật với doanh số tăng trưởng 35% trong cùng thời kỳ. Thậm chí, các sản phẩm “thịt thực vật” chưa nấu chứng kiến mức tăng trưởng đến 53%.

Để đáp ứng nhu cầu tăng bùng nổ, Công ty Impossible Foods, có trụ sở ở bang California, đang tuyển dụng thêm nhân viên, tăng lương và tăng ca. Impossible Foods chuyên sản xuất bánh hamburger nhân “thịt thực vật” có tên gọi Impossible Burger và các sản phẩm “thịt thực vật” khác.

Trong khi đó, Beyond Meat, đối thủ của Impossible Foods ghi nhận doanh số cao kỷ lục trong quí 1. Beyond Meat bán các sản phẩm “thịt thực vật” như Beyond Burger, Beyond Beef, Beyond Chicken, Beyond Sausage, có mùi vị kết cấu như thịt bò, thịt gà và thịt heo thật. Các sản phẩm “thịt thực vật” của Beyond Meat là sự kết hợp giữa protein đậu Hà Lan, dầu dừa và một số thành phần khác.

Các sản phẩm “thịt thực vật” đang nhận được  sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng Mỹ khi họ ngại ăn thịt heo, bò được sản xuất từ các nhà máy chế biến có công nhân bị nhiễm Covid-19.

Trước đại dịch, William Thomas, 19 tuổi, thường mua thịt bò xay và thịt gà trong các chuyến đi mua sắm hàng tuần ở gần nhà tại Brookline, bang New Hampshire. Kể từ tháng 4, anh chuyển sang mua thịt thực vật. Anh nói: “Tôi luôn cố gắng gạt bỏ ra khỏi tâm trí về nhiều thứ đang diễn ra ở hậu trường ngành công nghiệp thịt nhưng tôi không thể phớt lờ mãi”.

Bởi theo anh: “Khi đại dịch còn tiếp diễn, rất nhiều ngành sản xuất không áp dụng các biện phòng ngừa đúng đắn để bảo đảm an toàn cho mọi người. Tôi cảm thấy rằng tình trạng này cũng sẽ xuất hiện ở thực phẩm”.

Thomas đang thất nghiệp và giờ đây, lần đầu tiên trong đời, anh chuyển sang chế độ ăn chủ yếu là chay.

Pat Brown, Giám đốc điều hành Impossible Foods, cho hay chưa có ca nhiễm Covid-19 nào xuất hiện tại nhà máy của ông ở Oakland, bang California.

Gia tăng “phủ sóng” ở hệ thống bán lẻ

Các sản phẩm “thịt thực vật” của Beyond Meat đang được bán ở 25.000 cửa hàng và siêu thị thực phẩm trên khắp nước Mỹ. Ảnh: CNN

Trong nhiều năm qua, các sản phẩm “thịt thực vật”, thường được làm từ rau, đậu và ngũ cốc, chủ yếu được xem là thực phẩm dành cho người ăn chay. Nhưng trong năm qua, các sản phẩm này bắt đầu xuất hiện tại các nhà hàng sang trọng lẫn nhà hàng thức ăn nhanh ở Mỹ. Thậm chí, một số công ty chế biến thịt động vật cũng nhảy sang sản xuất “thịt thực vật”.

Ngay cả trước khi dịch Covid-19 xảy ra, mối quan tâm của thị trường dành cho “thịt thực vật” cũng đã gia tăng. Từ cuối tháng 12 năm ngoái đến đầu tháng 1 năm nay, doanh số của “thịt thực vật” ở Mỹ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Nielsen. Trong cùng thời kỳ, doanh số các sản phẩm thịt động vật chỉ tăng 1%.

Trong thời kỳ dịch bệnh, Monia Lauretti, 47 tuổi ở Manhattan, New York, chuyển sang mua sắm trực tuyến ở trang web của Công ty khởi nghiệp giao thực phẩm Instacart. Cô là người ăn chay bán phần (không ăn thịt, chỉ ăn cá) nhưng những thành viên còn lại trong gia đình cô ăn thịt.

Khi thấy thông tin quảng cáo sản phẩm Beyond Burger trên trang web của Instacart, cô đã tò mò và mua sản phẩm này. Sau khi ăn thử, cậu con trai 16 tuổi của cô khen Beyond Burger rất ngon và có vị chẳng khác nào hamburger nhân thịt bò thật. Vì vậy, cô tiếp tục mua Beyond Burger trong những lần mua sắm sau đó.

Trước đại dịch, Impossible Foods chủ yếu bán các sản phẩm “thịt thực vật” ở các nhà hàng. Nhưng giờ đây, công ty này đã thâm nhập sau vào hệ thống bán lẻ. Pat Brown cho biết các sản phẩn của công ty ông đang được bán ở 3.000 cửa hàng so với con số chưa đến 200 cửa hàng hồi tháng 1. Lực lượng nhân sự làm việc toàn thời gian của Impossible Foods cũng tăng lên con số 653 so với 587 hồi đầu năm.

Trong quí 1-2020, Beyond Meat ghi nhận doanh thu ròng đạt 97,1 triệu đô la Mỹ, tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm của Beyond Meat đang được bán ở 25.000 cửa hàng và siêu thị thực phẩm trên toàn nước Mỹ. Gần đây, công ty này đã mở rộng hoạt động sang Trung Quốc.

“Trước đây, chúng tôi dự báo đến 2030, Beyond Meat có thể đạt doanh số 1 tỉ đô la. Giờ đây, chúng tôi nghĩ rằng mục tiêu này có thể đạt được vào cuối năm 2020”, Alexia Howard, nhà phân tích ngành thực phẩm Mỹ của hãng nghiên cứu Bernstein Research, nói.

Hôm 20-5, Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nestlé thông báo sẽ chi 100 triệu franc Thụy Sĩ (103,6 triệu đô la Mỹ) để mở rộng các cơ sở sản xuất đồng thời xây dựng một nhà máy sản xuất thực phẩm thực vật ở Khu phát triển công nghệ và kinh tế Thiên Tân (Trung Quốc).

Nhà máy sẽ ra mắt các sản phẩm “thịt thực vật” vào cuối năm nay. Đây cũng sẽ là cơ sở sản xuất thực phẩm thực vật đầu tiên của Nestlé ở châu Á.

Trong những năm qua, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang chế độ ăn chay một phần là do giá thịt heo tăng quá cao trước tác động của dịch tả heo châu Phi và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giờ đây, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng khiến nhiều người tiêu dùng ở đất nước đông dân nhất thế giới cân nhắc lại chế độ ăn của họ vì có nhiều giả thiết cho rằng Covid-19 có nguồn gốc từ thịt của động vật hoang dã.

Thị trường “không thịt” của Trung Quốc bao gồm các sản phẩm “thịt thực vật” tăng 33,5% kể từ năm 2014 và đạt giá trị gần 10 tỉ đô la trong năm 2018, theo Euromonitor.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới