Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thợ đào tiền mã hóa bắt đầu rời Kazakhstan do thiếu điện

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cuộc bố ráp, xua đuổi ngành công nghiệp đào tiền điện tử hồi tháng 5 ở Trung Quốc đã tạo nên làn sóng thợ đào tiền số ào ạt đổ về láng giềng Kazakhstan. Bùng nổ với viễn cảnh xán lạn, nhưng rồi lại sớm đứng trên bờ vực phá sản. Cái kết đắng ngắt đó dường như khép lại giấc mơ đổi đời của các thợ đào tiền mã hóa sau hơn nửa năm hoạt động nhộn nhịp ở Kazakhstan.

Một trung tâm dữ liệu khai thác tiền mã hóa ở Kazakhstan trong tháng 11 vừa rồi. Mạng lưới truyền tải cũ kỹ đã không thể đáp ứng nhu cầu “uống” năng lượng của mỏ đào tiền số, dù Kazakhstan rất giàu năng lượng. Ảnh: Reuters

Mạng truyền tải điện gây áp lực

Đất nước Trung Á giàu năng lượng này đã từng rộng vòng tay chào đón các thợ mỏ. Thế nhưng, Kazakhstan nhanh chóng nhận ra gánh nặng mới. Sự bùng nổ đột ngột các hoạt động đào tiền đã hút phần lớn lượng điện năng, tạo áp lực lên ngành điện và chính phủ.

Còn những thợ đào cảm thấy họ đã bị lừa gạt hay phản bội, bởi mạng lưới điện quốc gia lỗi thời, ọp ẹp và kém hiệu quả. Một số người đã bỏ đi nước khác. Những người còn lại và chính  phủ đang nỗ lực để biến ngành công nghiệp tiêu hao năng lượng trở nên bền vững hơn, giúp dòng tiền kỹ thuật số vẫn tuôn chảy.

Didar Bekbauov, người sáng lập công ty lưu trữ khai thác tiền điện tử địa phương Xive, đã phàn nàn trên Twitter hồi đầu tháng 12: “Họ đã khiến việc khai thác trở thành vật tế thần. Hệ quả là các thợ đào đang bỏ đi”. Bekbauov đưa ra bình luận sau khi công ty của ông đóng cửa cơ sở chính ở miền nam Kazakhstan vì nguồn cung cấp điện đột ngột bị cắt vào tháng 11. Xive vẫn điều hành một trang trại khai thác khác ở Kazakhstan, nhưng công ty đang xem xét việc thành lập ở Mỹ.

Vào đầu năm 2021, Kazakhstan có vai trò tương đối nhỏ trong ngành khai thác tiền điện tử toàn cầu. Nhưng khi Trung Quốc xóa sổ ngành này, Kazakhstan đã nâng hash rate (thước đo sức mạnh xử lý được sử dụng để khai thác tiền điện tử) lên 18,1% vào tháng 8 - theo Trung tâm Tài chính thay thế Cambridge.

Trò chơi đổ lỗi hay đá quả bóng trách nhiệm diễn ra vào đầu tháng 10, Công ty điều hành lưới điện Kazakhstan (KEGOC) đã quy kết rằng một phần sự cố mất điện tại ba nhà máy điện, bao gồm cơ sở lớn nhất đất nước Ekibastuz-1, là do nhu cầu gia tăng từ các công ty khai thác tiền kỹ thuật số.

Một tháng sau, Bộ năng lượng đã ký một thỏa thuận với KEGOC và Hiệp hội Công nghiệp Trung tâm dữ liệu và blockchain Kazakhstan để đảm bảo cung cấp điện cho các mỏ khai thác đã đăng ký. Nhưng sau khi KEGOC từ bỏ thỏa thuận và bắt đầu cắt điện, các thợ đào bắt đầu ngừng hoạt động và dứt áo ra đi.

Đầu tháng này, BitFuFu - một nền tảng được Bitmain hậu thuẫn cho phép đầu tư vào khai thác mà không cần vận hành bất kỳ cơ sở nào - đã đóng cửa các mỏ của mình ở Kazakhstan và bắt đầu chuyển hoạt động sang Mỹ.

Alan Dorjiyev, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp trung tâm dữ liệu và blockchain Kazakhstan, nói với Nikkei Asia rằng: “Lẽ ra chính phủ phải ra lệnh cho Bộ Năng lượng không a dua với KEGOC trong việc hạn chế cung cấp điện”. Vị chủ tịch còn cáo buộc rằng công ty lưới điện nhà nước đã "thực sự vi phạm quy tắc kinh doanh" và tin rằng KEGOC sẽ sớm trả giá.

Trong khi đó, KEGOC cho biết họ sẽ không bình luận ngay lập tức. Vào tháng 11, công ty nhấn mạnh đất nước phải đối mặt với một "tình huống khó khăn" với mức tiêu thụ điện năng giờ cao điểm vượt quá giá trị của năm ngoái hơn 1.500 megawatt.

KEGOC nói trong một thông cáo: “Sự tăng trưởng tiêu thụ bất thường này chủ yếu liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ người dùng tham gia vào khai thác tiền mã hóa”. Công ty nói rằng các nhà máy điện cũng gặp phải tình trạng sửa chữa bất ngờ, không theo kế hoạch trong mùa đông, vì thế có nguy cơ “sự cố hệ thống lớn”. KEGOC cho biết sẽ "hạn chế tiêu thụ điện theo lịch trình đã thống nhất với các cơ quan điều hành địa phương."

Về lý thuyết mà nói, năng lượng không phải là vấn đề ở một quốc gia mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mô tả là "nhà sản xuất chính của tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch", bao gồm than đá, khí đốt tự nhiên và dầu thô. Nhưng phần lớn cơ sở hạ tầng điện ở Kazakhstan có từ thời Liên Xô và cần được bảo trì thường xuyên.

Dorjiyev giải thích: "Thiếu điện và việc nhập khẩu dầu từ Nga nên vào thời điểm này KEGOC phải quyết định giảm việc truyền tải điện đến các trang trại khai thác”.

Các thợ đào đã đăng ký với chính phủ đang cảm thấy bị chèn ép về lượng điện phân phối, và họ chỉ là một phần của ngành công nghiệp trong bóng tối, không được thừa nhận và ủng hộ. Những nhà khai thác này thường có quy mô nhỏ, làm việc từ các ngôi nhà, căn hộ và nhà máy nhỏ, nhưng vẫn sử dụng một lượng điện năng đáng kể, theo lời Dorjiyev.  “Rất khó để loại bỏ họ hoặc giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp”, ông nói.

Cơ hội vẫn mỉm cười?

Nhìn chung, Kazakhstan đã cởi mở với việc khai thác tiền kỹ thuật số, đã thiết lập khuôn khổ pháp lý cho ngành này vào tháng 7-2020. Đất nước Trung Á này hy vọng sẽ gặt hái được nguồn lợi tài chính, với mức thuế mới là 0,0023 đô la cho mỗi kilowatt giờ điện được sử dụng bởi các công ty đã đăng ký có hiệu lực vào tháng 1-2022.

Nhưng để tận dụng tối đa nguồn tài lực mới, các vấn đề về nguồn điện cần phải được giải quyết.

Hồi tháng 11, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố Kazakhstan đang xem xét năng lượng hạt nhân để giúp đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Ông nói: “Nhìn về tương lai, chúng ta sẽ phải đưa ra một quyết định không phổ biến vào lúc này. Đó là xây dựng một nhà máy điện hạt nhân”.

Nhưng việc chuyển hướng sang năng lượng nguyên tử - một vấn đề gây tranh cãi đặc biệt ở Kazakhstan do di chứng của vụ thử hạt nhân của Liên Xô - có thể sẽ mất ít nhất một thập niên.

Trong ngắn hạn, Xive của Bekbauov đang đặt cược vào khí đốt, ngay cả khi nó để mắt đến các cơ hội ở Mỹ. Xive có kế hoạch xây dựng một cơ sở đào tiền chạy bằng nhiên liệu khí với nguồn cung cấp trực tiếp từ một nhà máy điện mới. Kế hoạch này có vẻ mang lại hy vọng rằng hoạt động khai thác tiền điện tử sẽ có tương lai ở Kazakhstan.

Hồi giữa tháng 9-2021, Lào đã chấm dứt lệnh cấm tiền mã hóa sau ba năm áp dụng lệnh  này từ năm 2018 bởi nguồn thủy điện thừa mứa do sản xuất trong nước chậm lại và không thể xuất khẩu sang các nước láng giềng. Chính phủ cũng cho phép 6 công ty tham gia chương thử nghiệm khai thác và giao dịch tiền mã hóa. Giữa tháng 12 này, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức hợp pháp hóa đồng bitcoin và trở thành “phòng thí nghiệm” về tiền điện tử và tài chính phi tập (defi). El Salvador là quốc gia có số lượng máy ATM bitcoin lớn thứ ba trên thế giới với 205 máy, chỉ sau Mỹ (25.365 máy) và Canada (1.984 máy).Quốc gia Trung Mỹ cũng sẽ thành lập thành phố bitcoin đầu tiên trên thế giới với nguồn vốn đầu tư ban đầu huy động bằng trái phiếu của chính đồng tiền điện tử này. Thành phố này có đầy đủ các chức năng như khu dân cư, trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên giải trí và hệ thống giao thông. Nguồn năng lượng địa nhiệt của thành phố lấy  từ ngọn núi lửa gần đó. Cư dân không phải chịu khoản thuế nào trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) và nguồn thu này sẽ được dùng để trả tiền trái phiếu và chi phí xây dựng, bảo trì cơ sở hạ tầng công cộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới