(KTSG Online) – Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ châu Phi, quê hương khởi thủy của hai loại cà phê phổ biến nhất hiện nay là robusta và arabica.
- Các chuỗi cà phê cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc
- Brazil có thể chiếm vị trí số 1 của Việt Nam về sản xuất cà phê robusta?
Nhờ chất lượng và hương vị khác biệt, cà phê sản xuất tại châu Phi được người tiêu dùng ở nền kinh tế thứ hai thế giới ngày càng đón đón nhận. Thương mại điện tử giúp loại bỏ các khâu trung gian, cho phép nông dân và doanh nghiệp châu Phi bán cà phê trực tiếp cho khách hàng Trung Quốc.
Triển vọng xuất khẩu tươi sáng
Tại sự kiện phát sóng trực tiếp (livestreaming) để bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba hồi tháng 5-2020, James Kimonyo, đại sứ Rwanda tại Trung Quốc đã giúp bán 3.000 gói cà phê (tương đương 1,5 tấn) thuộc một thương hiệu của Uganda cho các khách hàng Trung Quốc chỉ trong vài phút.
Đầu năm 2022, Teshome Toga, đại sứ Ethiopia tại Trung Quốc tham gia cùng Li Jiaqi, người bán hàng qua livestreaming hàng đầu trên nền tảng Tmall của Alibaba, để ra mắt và bán sản phẩm cà phê của một thương hiệu từ Ethiopia. Chỉ trong vòng 5 giây, 11.000 gói cà phê 500 gram của thương hiệu này bán hết sạch.
Những kết quả bán hàng này củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê ở các nước châu Phi về triển vọng xuất khẩu tươi sáng sang thị trường Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu cà phê châu Phi cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Thương mại cà phê đang trở thành một phần quan trọng trong hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Châu Phi.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm cà phê trị giá 165,1 triệu đô la Mỹ từ châu Phi, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Năm ngoái, thị trường cà phê Trung Quốc đạt quy mô khoảng 265,4 tỉ nhân dân tệ (37,2 tỉ đô la tỉ đô la Mỹ), với tốc độ tăng trưởng gộo hàng năm là 17,14% trong ba năm qua. Quỹ đạo tăng trưởng này cho thấy quy mô thị trường cà phê Trung Quốc thể tăng lên 313,3 tỉ nhân dân tệ (44 tỉ đô la) trong năm 2024.
Nông dân châu Phi trồng cả hai giống cà phê arabica và robusta. Ethiopia và Uganda là những nhà sản xuất cà phê hàng đầu của lục địa này. Ethiopia được xem cội nguồn của giống cà phê arabica. Trong khi đó, giống cà phê robusta có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Trung Phi và Tây Phi. Hiện nay, Uganda là nhà sản xuất robusta lớn nhất châu Phi.
Châu Phi nổi tiếng với một số loại cà phê có hương vị đậm đà nhất thế giới. Đặc biệt, Uganda sở hữu một số loại cà phê ngon nhất châu Phi nhờ mùi thơm đa dạng, pha lẫn giữa hương hoa, hương trái cây, và sô cô la.
Xuất khẩu cà phê của Ethiopia sangTrung Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo Adugna Debela, Tổng giám đốc Cơ quan chè và cà phê Ethiopia (ECTA), cách đây vài năm, Ethiopia xuất khẩu 8.000-10.000 tấn cà phê hàng năm sang Trung Quốc, thị trường đứng 33 trong số các nhà nhập khẩu cà phê Ethiopia.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhập khẩu tới 20.000 tấn cà phê từ Ethiopia hàng năm trong năm 2022 và 2023, trở thành nước nhập khẩu cà phê lớn thứ tám của quốc Đông Phi này.
Ngành cà phê rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều nước châu Phi và sử dụng số lượng lớn lao động tại các trang trại.
“Sản xuất cà phê là sinh kế của nhiều người dân địa phương và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, Zimulinda Victorien, một nhà xuất khẩu cà phê của Rwanda nói.
Tại Uganda, có khoảng 1,7 triệu hộ gia đình đang trồng cà phê và gần 5 triệu người làm việc trong toàn ngành cà phê vào năm 2023, Cơ quan Phát triển cà phê Uganda cho biết.
Amumpaire Freedom, một nông dân trồng cà phê đến từ Uganda, đã thành lập công ty Moon Mountain, đặt trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên quảng bá cà phê hữu cơ Uganda. Freedom cho biết, các doanh nghiệp cà phê Uganda đang nỗ lực mở rộng tiếp cận thị trường Trung Quốc để tận dụng tiềm năng to lớn.
Moon Mountain kinh doanh trực tuyến và ngoại tuyến. Công ty này sở hữu một quán cà phê ở Thâm Quyến đồng thời cung cấp hạt cà phê cho các cửa hàng địa phương. Công ty cũng thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại tại Trung Quốc. Để bán hàng trực tuyến, Freedom thiết lập một cửa hàng trên nền tảng thương mại điện tử Taobao.
Thương mại điện tử chắp cánh cho cà phê châu Phi
Thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá cà phê châu Phi và các sản phẩm nông nghiệp khác có nguồn gốc từ lục địa này.
“Chúng tôi phải thay đổi cách tiếp thị truyền thống đối với các sản phẩm cà phê. Nếu tiếp thị theo cách bấy lâu nay, chúng tôi sẽ không đạt hiệu quả. Đó là lý do tại sao livestreaming và các nền tảng trực tuyến là điều cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp cà phê châu Phi nào muốn quảng bá sản phẩm tại Trung Quốc”, James Kimonyo, đại sứ Rwanda tại Trung Quốc chia sẻ.
Rwanda đã ký kết thỏa thuận hợp tác với JD.com và Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. Các nước châu Phi khác cũng đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Ví dụ, Kenya đã thiết lập một nền tảng trực tuyến để bán các sản phẩm nông nghiệp bao gồm trà, cà phê và hạt mắc ca sang quốc gia châu Á này.
Trung Quốc cũng đang hỗ trợ Ethiopia, Nam Phi, Bờ Biển Ngà và các nước châu Phi khác xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử.
Nhờ chuyển đổi số và sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử, các kênh trung gian trong thương mại cà phê của châu Phi được loại bỏ. Nông dân trồng cà phê ở Rwanda kiếm được thêm 4 đô la cho mỗi kg cà phê nhân mà họ bán trực tiếp cho khách hàng Trung Quốc.
Theo dữ liệu chính thức, trong năm 2023, thương mại Trung Quốc-Châu Phi đạt mức cao kỷ lục 282,1 tỉ đô la Mỹ, trong đó cà phê được liệt kê là một sản phẩm nông nghiệp quan trọng.
Nhập khẩu các sản phẩm cà phê châu Phi vào Trung Quốc ngày càng tăng một phần là nhờ “luồng xanh” được cấp cho một số sản phẩm nông nghiệp châu Phi, bao gồm cà phê. Đây là cơ chế rút ngắn thời gian kiểm tra, kiểm dịch và mở rộng danh sách sản phẩm nông nghiệp được miễn thuế khi nhập khẩu vào Trung Quốc, tạo thêm cơ hội thị trường cho các đặc sản nông nghiệp của châu Phi.
Một nhà xuất khẩu cà phê Ethiopia cho biết, sau hành trình vận chuyển 20 ngày bằng đường biển, hạt cà phê thu hoạch từ các trang trại ở vùng sản xuất cà phê Kaffa của Ethiopia sẽ cập cảng ở Trung Quốc. Trước đây, hành trình thường mất hơn 40 ngày.
“Chi phí thu mua hạt cà phê châu Phi cao do trải qua nhiều kênh lưu thông trung gian, khiến nhiều doanh nghiệp cà phê Trung Quốc nản lòng”, một nhà nhập khẩu cà phê của Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, tình trạng này đã được cải thiện nhờ “luồng xanh” mà Trung Quốc cấp cho một số sản phẩm nông nghiệp châu Phi và các nền tảng hợp tác như Hội chợ triển lãm thương mại và kinh tế Trung Quốc-Châu Phi (CAETE), lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019.
Doanh nghiệp cà phê Trung Quốc giờ đây có thể kết nối trực tiếp với các hợp tác xã trồng cà phê ở châu Phi để đàm phán mua hàng.
Hồi cuối tháng 8, Trung Quốc tổ chức hội chợ thương mại 2024 Cafe Show China tại Bắc Kinh để quảng bá văn hóa và đặc sản cà phê khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này quy tụ nhiều nhà nhập khẩu cà phê trong nước và các chủ trang trại cà phê đến các nước châu Phi như Uganda, Rwanda và Ethiopia.
Theo Global Times, CGTN, NY Times