Thời của công ty quản lý khách sạn
Khách sạn Sofitel Sài Gòn do Tập đoàn Accor Group quản lý. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Sự phát triển mạnh mẽ của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng thời gian qua đã giúp cho các công ty chuyên quản lý trong lĩnh vực này hoạt động rất sôi nổi. “Sân chơi” bây giờ không chỉ có các tập đoàn quốc tế mà cả những doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu nhập cuộc.
“Đất” của các tập đoàn nước ngoài
Ông H., giám đốc sáng kiến chiến lược của một công ty có dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kể: Khi công ty đang làm quy hoạch 1/500 cho dự án thì đã có công ty quản lý khách sạn quốc tế liên hệ để bàn chuyện hợp tác. Dự án vẫn chưa khởi công nhưng trong tay ông đã có năm hồ sơ mời hợp tác.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có khoảng 9.000 cơ sở lưu trú với trên 180.000 phòng. Trong đó, có 4.283 cơ sở lưu trú từ 3-5 sao, vốn là đích nhắm của các công ty quản lý. Dự kiến, đến năm 2010, số cơ sở lưu trú sẽ tăng gấp rưỡi, đặc biệt là các khách sạn cao cấp để phục vụ cho khoảng sáu triệu khách quốc tế và 25 triệu lượt khách nội địa. Hiện nay đa số các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, từ Marriott, Marco Polo cho đến Starwood, Six Senses Resorts and Spas, Global Hyatt, Accor Group...
Năm ngoái, trò chuyện với TBKTSG trong chuyến làm việc tại TPHCM và Hà Nội, ông Miguel Ko, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Starwood, cho biết Việt Nam là một thị trường quan trọng mà Starwood nhắm đến. Ngoài những khách sạn mang thương hiệu Sheraton tại hai trung tâm du lịch nói trên, Starwood còn nhắm đến các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang. “Chúng tôi nhắm đến 10 khách sạn trong vòng năm năm tới”, ông Ko nói.
Accor Group, tập đoàn nổi tiếng với hai thương hiệu Sofitel và Novotel, cũng tuyên bố sẽ phát triển mạng lưới hiện nay từ tám lên tối thiểu là 20 khách sạn vào cuối năm 2010. Một tập đoàn khác, Six Senses Resorts and Spas, hiện đang quản lý Evason Ana Mandara Resort & Spa tại Nha Trang và một khu nghỉ dưỡng ở Đà Lạt cũng đã ký những hợp đồng mới để quản lý các khu nghỉ dưỡng ở Côn Đảo, TPHCM và Phú Quốc.
Nếu như những năm trước, các “đại gia” này chỉ đưa một hoặc hai thương hiệu vào thị trường Việt Nam, thì nay họ đã tính đến việc đưa thêm nhiều thương hiệu khác nữa. Diện khách sạn được quản lý cũng mở rộng hơn, không chỉ tập trung vào khách sạn 4, 5 sao mà còn mở rộng mạng lưới ra các khách sạn 3 sao.
Ngoài quản lý tổng thể, phương thức nhượng quyền thương hiệu cũng đã được các tập đoàn quốc tế áp dụng. Chẳng hạn, Accor sau hàng chục năm tập trung cho thương hiệu Novotel (4 sao) và Sofitel (5 sao), đã quyết định đưa thương hiệu Pullman (5 sao), Mercure (3 sao) và Ibis (3 sao) vào Việt Nam. Sau khi thành công với thương hiệu khách sạn Park Hyatt ở TPHCM, Global Hyatt, vốn có đến tám thương hiệu cho khách sạn và khu nghỉ, đã đưa thêm thương hiệu Hyatt Regency vào thị trường với Hyatt Regency Danang Resort & Spa.
Với thị trường quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng, độ nổi tiếng của thương hiệu và mức phí quản lý không phải là những yếu tố quan trọng nhất. Các chủ đầu tư thường chọn những thương hiệu đã có thời gian dài hiện diện tại Việt Nam vì cho rằng những công ty này sẽ hiểu được cách làm, quản lý nhân sự và môi trường kinh doanh của Việt Nam để kinh doanh tốt hơn.
Miếng bánh hấp dẫn
Thị trường quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh cho các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu nhập cuộc. Đây thường là những đơn vị đã có sẵn khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nay muốn phát triển thêm phần dịch vụ quản lý để điều hành hệ thống chuyên nghiệp hơn cũng như phát triển dịch vụ ra bên ngoài. Số khác, sau khi học hỏi được kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn quốc tế thì đã tự đứng ra lập công ty quản lý.
Cuối năm ngoái, Công ty Quản lý Vinpearl đã thay thế tập đoàn Accor để quản lý khu nghỉ Vinpearl ở Nha Trang. Đây là công ty quản lý do Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Vinpearl, chủ đầu tư của Vinpearl, thành lập với kế hoạch tham gia thị trường quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Trước đó, Tổng công ty Bến Thành đã cùng hai đối tác khác thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Quản lý Bến Thành cũng với mục tiêu tương tự. Công ty này đã thuê một doanh nhân Singapore làm tổng giám đốc và hiện đang đào tạo nhân lực, thuê người quản lý... cho bốn khách sạn và khu nghỉ trong hệ thống của tổng công ty. “Trong vòng năm năm tới, chúng tôi nhắm đến việc quản lý từ 10-15 khách sạn trong và ngoài hệ thống”, ông Nguyễn Thi, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Dịch vụ quản lý Bến Thành, nói.
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), đơn vị có hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên khắp cả nước, cũng đang có kế hoạch tham gia thị trường. Mới đây, công ty này đã tuyên bố hoàn tất Quy trình quản lý khách sạn 5 sao Saigontourist theo tiêu chuẩn riêng. Đây là bước chuẩn bị cơ bản để Saigontourist thành lập công ty quản lý khách sạn, dự kiến trong năm tới.
Tham gia thị trường muộn hơn các tập đoàn quốc tế nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn cho rằng thị trường còn đủ chỗ cho tất cả. Ông Nguyễn Thi cho biết, công ty đang phát triển thương hiệu BTMS và nhắm đến xây dựng các thương hiệu khác nhau, tương ứng với từng hạng khách sạn. Trong khi đó, Saigontourist cũng đã xác lập một kế hoạch tương tự và sẽ triển khai ngay sau khi công ty quản lý ra đời.
Thử xem biểu phí quản lý một khách sạn 4 sao do một tập đoàn nước ngoài đưa ra mới thấy hết sự hấp dẫn của miếng bánh. Phí cơ bản bằng 3%/ tổng doanh thu, phí khuyến thưởng (incentive fee) bằng 8% lợi nhuận, phí đóng góp cho công tác tiếp thị và bán hàng bằng 1,5% tổng doanh thu, phí đặt chỗ qua hệ thống bằng 6% tổng doanh số phòng đã được đặt qua hệ thống của công ty quản lý. Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải trả những loại phí khác như phí hỗ trợ kỹ thuật... vào khoảng 500 đô la Mỹ/phòng và chỉ tính một lần cho suốt thời gian quản lý.
Theo một chủ đầu tư khách sạn ở TPHCM, tổng mức phí mà công ty quản lý được hưởng có thể chiếm khoảng 10-20% trong tổng doanh thu của khách sạn. Nếu áp dụng hình thức nhượng quyền thì mức phí vào khoảng 5 -10% trong tổng doanh thu.
ĐÀO LOAN