Thứ Bảy, 22/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu sẽ giảm xuống 15 năm

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiều nay (2-11), Quốc hội nghe báo cáo tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó, có những điểm mới như độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm còn 75 thay vì 80 tuổi như quy định hiện hành, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Chiều 2-11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Ảnh: Đỗ Mỹ

TTXVN cho biết, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV diễn ra chiều 2-11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tờ trình có nhiều điểm đáng chú ý như độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm còn 75 thay vì 80 tuổi như quy định hiện hành, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu không rút bảo hiểm một lần cũng sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách Nhà nước đảm bảo. Mục tiêu hướng đến là đến năm 2030, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Về vấn đề giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định, người lao động để được hưởng lương hưu phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này đang gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số nhóm người do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn thì có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng sẽ góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trước khi xác định chiến lược lâu dài cho chính sách BHXH, cần phải làm rõ các nguyên tắc sau: 1. Tiền lương tối thiểu/ Mức sống tối thiểu đối với người lao động và gia đình của họ, 2. Mức đóng BHXH tối thiểu và thời gian tối thiểu phải đóng BHXH để làm căn cứ hưởng lương hưu trí và các chính sách an sinh xã hội khác, ví dụ BHYT/ thất nghiệp/ trợ cấp… 3. Lương hưu trí không được thấp hơn tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu theo từng thời kỳ.
    Vấn đề quan trọng là phải đưa người lao động trở lại đúng vị trí chủ thể của chiến lược BHXH. Đây là chiến lược then chốt, mang tính sống còn đối với mọi thế hệ tương lại, đem lại thành công cho mọi chiến lược phát triển KT-XH bền vững. Người lao động phải là nhân vật chính, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ với chính sách an sinh xã hội của quốc gia. Một khi cuộc sống và vai trò người lao động chưa được tôn trọng một cách đầy đủ, hợp lý, hợp pháp thì mọi chính sách liên quan sẽ không thể đi vào cuộc sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới